Một đời đam mê công việc      

(ANTĐ) - Năm nay đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng người họa sỹ cần mẫn ấy vẫn giữ được đam mê với cái nghiệp đã theo ông suốt hơn 20 năm qua. Ông là họa sỹ Bùi Trang Toàn.

Một đời đam mê công việc      

(ANTĐ) - Năm nay đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng người họa sỹ cần mẫn ấy vẫn giữ được đam mê với cái nghiệp đã theo ông suốt hơn 20 năm qua. Ông là họa sỹ Bùi Trang Toàn.

Nhắc tới ông, giới mỹ thuật nói riêng và nhiều người Việt Nam nói chung hẳn còn nhớ tới thân sinh của ông là cố họa sỹ Bùi Trang Chước - tác giả của Quốc huy Việt Nam, người được coi là “ông tổ” vẽ tem của mỹ thuật thời kỳ Đông Dương. Cái nghiệp của kẻ hậu sinh đó vẫn là gắn đời mình với màu, với cọ nhưng khác hẳn cha mình, ông đi theo một con đường khác là vẽ hình trên giấy bạc.

Họa sỹ Bùi Trang Toàn, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam - người con duy nhất trong 8 người con của cố họa sỹ Bùi Trang Chước theo đuổi nghiệp cha. Ông Bùi Trang Toàn đã kế thừa có chọn lọc và chọn riêng cho mình một công việc đó là vẽ hình trên tờ giấy tiền. Trong một buổi sớm đầu thu, tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ ở khu tập thể đường Phạm Văn Đồng, nghe ông tâm sự về cái nghiệp vẽ mới thấy được đó là niềm đam mê mãnh liệt, đã ngấm vào máu thịt ông khó có thể rũ bỏ. “Cũng là cái sự vẽ đấy, nhưng vẽ tranh và vẽ tiền khác nhau rất nhiều. Khi vẽ tranh, họa sỹ có thể phóng bút thoải mái theo cảm xúc, nhưng công việc của người vẽ tiền đòi hỏi một sự tỉ mẩn, công phu hơn. Người họa sỹ vẽ tiền phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và đặc biệt là sự kiên trì. Bố cục trên một tờ tiền rất nhỏ và cái khó là với diện tích nhỏ như vậy, mình phải gửi gắm được nội dung vào trong đó” - Họa sỹ Bùi Trang Toàn tâm sự. Và khó khăn xen lẫn thử thách là vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ mang trong mình một cốt cách vĩ đại. “Tôi vẫn còn nhớ câu thơ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường: Vẽ hoa thật hơn hoa/ Vẽ cá thật hơn cá/ Cụ học trường nào thế/ Ta học trường lòng ta” - Và từ đấy…

Để vẽ được chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là khó, nhưng khó hơn cả là làm sao để có thể tả được thần thái của Người. Tất cả cái sự khó ấy được đổ dồn vào một tờ giấy bạc. Chân dung Bác trên tờ giấy bạc được thể hiện ở nhiều tư thế đó là nhìn nghiêng và chính diện, với chỉ vẻn vẹn trong một diện tích mấy centimet. Tất cả các nét, mảng sáng tối cần phải được thể hiện một cách tinh xảo nhất. Công đoạn khó nhất khi vẽ chân dung Bác đó là in khắc đồng. Từ bức họa ban đầu, phóng to để chuyển toàn bộ thành các nét, rồi thu về để khắc lên đồng với tỉ lệ 1/1 như trên tờ tiền. Làm thế nào để hình có thể nổi bật lên, gợi chiều sâu của bức ảnh, các mảng màu sáng tối phải sống động... Người họa sỹ khi vẽ phải thể hiện được cái thần và thể hiện được nhân cách của Bác lên trên bức họa. Để làm được như vậy, ông Toàn cho biết phải để cái “Tâm” mình vào trong bức họa và đặc biệt là sự kính trọng với một tình yêu mãnh liệt dành cho Bác…

Tôi có đọc ở đâu đó câu nói của ông Stible - họa sỹ người Anh làm việc tại hãng giấy bạc Thụy Sỹ Giori De Larue đã từng nói “Khi giở một tờ giấy bạc ra đó là một tác phẩm nghệ thuật. Để có một tờ tiền chúng tôi phải vẽ tỉ lệ 1/1. Từ bản vẽ đó mới phóng to lên để trải tất cả thành nét và thu lại đúng tỉ lệ 1/1 để in. Tất cả mọi công đoạn đòi hỏi phải được thực hiện hết sức tỉ mẩn và người ta gọi đó là “đồ họa tinh vi”. Làm việc vẽ tiền thì mọi cảm xúc, mọi đam mê phải được nuôi dưỡng hàng ngày chứ không thể bột phát, theo cảm hứng được”…

Bước ra khỏi phạm vi của bài viết, quan sát rồi nhìn lại… Hơn 20 năm, một tình yêu bền bỉ với nghệ thuật, một khát vọng làm việc âm thầm với công việc vẽ tiền của họa sỹ Bùi Trang Toàn thật đáng khâm phục. Bên cạnh việc vẫn đều đặn sáng tác hội họa, ông bảo rằng nếu không thật sự đam mê, một niềm đam mê bất tận thì… chịu không theo nổi nghề.

Tôi hiểu điều ông nói, bởi ngoài tình yêu, sự gắn bó với nghệ thuật thì sự sáng tạo, tìm tòi ra cái mới cũng là niềm hạnh phúc của người nghệ sỹ - người mà chót đã gắn đời mình với nghệ thuật thường mang theo một tình yêu sắt son. 

Hiền Thục