Một ca khúc gắn liền với lịch sử vĩ đại của dân tộc
(ANTĐ) - Cùng với gió heo may tháng Tám, âm vang của mùa thu cách mạng năm xưa vẫn bừng bừng trong trái tim mỗi người dân Thủ đô. Nhớ mùa thu lịch sử lại nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa mà tên tuổi của ông gắn liền với ca khúc bất hủ “Mười chín Tháng Tám” ra đời giữa những ngày cách mạng hào hùng đó. Xin ghi lại đôi dòng về sự kiện đáng ghi nhớ này để tỏ lòng thương tiếc nhạc sĩ Xuân Oanh, người nhạc sĩ tài danh nay đã đi về cõi vĩnh hằng.
Nhạc sỹ Xuân Oanh |
Sáng sớm 19-8-1945 rơi đúng vào ngày chủ nhật, cả Hà Nội bừng lên dưới rừng cờ đỏ sao vàng. Các nhà máy ngừng làm việc, hiệu buôn đóng cửa, chợ búa không họp… Nhân dân toàn thành phố xuống đường. Quần chúng cách mạng và tự vệ cứu quốc tập hợp thành đội ngũ sát cánh kéo đi biểu tình với khí thế sẵn sàng chiến đấu. Hàng chục nghìn nông dân ngoại thành cũng mang theo gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm, súng trường… nhất tề tiến vào trung tâm thành phố. Cả Hà Nội dồn dập kéo nhau đi như dòng thác lũ, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”… Xen lẫn vào đó là những bài ca cách mạng sục sôi nhiệt huyết.
Đến 10h sáng, cuộc mít tinh khổng lồ của 20 vạn người bắt đầu. Lá cờ đỏ sao vàng tươi nắng được kéo lên cột cờ dựng giữa quảng trường. Mọi người tay nắm chắc giơ cao hướng về lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc với tất cả niềm tin dạt dào phấn khởi. Trong khi đó, từ trên cao Nhà hát Lớn, hàng nghìn truyền đơn bay xuống như những cánh bướm. Sau cuộc mít tinh, đoàn người chuyển thành biểu tình vũ trang toả ra các ngả, chiếm phủ khâm sai, trại Bảo An binh, Sở Cảnh sát và các công sở của chính quyền bù nhìn.
Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã thành công nhanh chóng, cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ các nơi khác nổi dậy, đưa đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc Cách mạng Tháng Tám.
Mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn ngày 19-8-1945 |
Tất cả không khí trên đây đều được phản ánh sinh động trong bài ca “Mười chín Tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh được sáng tác ngay trong ngày trọng đại đó và tác giả lúc đó là một cán bộ tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh đang cùng đông đảo quần chúng biểu tình từ phía Nam của Hà Nội tiến vào tập trung tại Quảng trường Nhà hát Lớn.
Quá trình ra đời của tác phẩm được nhạc sỹ Xuân Oanh kể lại: “Từ mấy ngày trước đó, tôi đã có linh cảm là một khi có lệnh Tổng khởi nghĩa thì sẽ lập tức viết ngay một bài hát để ghi lại không khí của toàn dân đang khao khát tự do vùng lên đấu tranh giành chính quyền. Linh cảm ấy hình thành trong tôi một giai điệu hào hùng, trong sáng với lời ca giản dị nói nên sự kiện lịch sử này của dân tộc và Tổ quốc. Và quả nhiên trong khi cùng quần chúng biểu tình giữa rừng cờ đỏ sao vàng và miệng reo vang độc lập tự do thì tôi cũng đồng thời vừa đi vừa viết từng câu hát lên một mảnh giấy nhỏ. Viết được câu nào tôi hát ngay câu ấy cho mọi người nghe để cùng hát theo. Có điều kỳ lạ là mỗi câu cứ thế tuôn trào rất tự nhiên và cuối cùng đã trở thành một bài hát ngắn gọn, dễ hát, dễ nhớ đối với đông đảo quần chúng.
Khi đoàn người đi đến gần Quảng trường Nhà hát Lớn thì bài “Mười chín Tháng Tám” cũng coi như đã hoàn thành. Có thể nói không chỉ cá nhân tôi mà cả quần chúng và không khí ngày Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội là đồng tác giả của bài hát. Một số bạn còn nói “Mười chín Tháng Tám” ra đời khi ấy có gì giống với bài Marseillaise mà Rouget de Lisle viết trong ngày khởi đầu Cách mạng năm 1792 để rồi sau này trở thành Quốc ca Pháp mà có lẽ nhân dân cả thế giới đều biết đến”.
“Mười chín Tháng Tám” là một ca khúc rất ngắn gọn, dễ nhớ và dễ hát. Đó là bản hành khúc có giai điệu và ca từ gắn bó chặt chẽ rất tự nhiên với nhau trong một tầm âm mà bất cứ ai đều có thể hát được. Bài hát đã gắn liền với một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc nên mỗi khi âm thanh của bài hát vang lên khiến mọi người như được sống lại trong không khí hào hùng sôi động của những ngày không thể nào quên với niềm xúc động khôn cùng:
“Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề
Mười chín Tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa
Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam…”
Và thật hạnh phúc thay cho nhạc sĩ Xuân Oanh, người đã sáng tạo nên ca khúc để đời này trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam và trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Hoàng Dương