Mòn ý tưởng, họa sỹ nhân bản tranh của chính mình

ANTĐ - Chép tranh của người khác rõ ràng là có vấn đề, nhưng việc họa sỹ có được quyền vẽ lại tranh của mình hay không, thậm chí là vẽ nhiều lần rồi đưa ra thị trường lại là câu chuyện gây nhiều tranh cãi. 

Mòn ý tưởng, họa sỹ nhân bản tranh của chính mình ảnh 1Người mua tranh không muốn bỏ tiền ra để mua một tác phẩm nhái, dù dưới bất kỳ hình thức nào (Ảnh minh họa)

Họa sỹ có quyền chép tranh của mình?

Việc các thợ tranh nhái, chép lại những bức tranh nổi tiếng rồi bán với giá cao vốn không còn xa lại trong giới mỹ thuật. Nạn tranh giả, tranh nhái lâu nay vẫn là nỗi nhức nhối của thị trường nhưng việc kiểm soát rất khó khăn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp họa sỹ tự sao lại bản gốc hoặc “tiếp tay” cho người khác vẽ tranh của mình. Nguyên nhân cũng bởi, một tác phẩm thành công sẽ có nhiều người săn tìm. Nhiều người cùng đặt vấn đề, họa sỹ không có cách nào khác là… vẽ lại rồi bán. 

Cách đây hơn 10 năm, trong một cuộc hội thảo về quyền tác giả trong mỹ thuật, họa sỹ Bùi Hoài Mai đặt ra vấn đề: “Có họa sỹ tự vẽ lại tranh của mình để bán, vì thấy có nhiều người thích. Vô hình trung, anh ta đã tự làm giả tác phẩm một cách hợp pháp. Người mua cảm thấy mình bị chính tác giả lừa, còn hoạ sỹ thì tự biến tác phẩm nghệ thuật của mình thành một loại hàng thủ công mỹ nghệ”. Họa sỹ Phạm Lực thẳng thắn: “Ở Việt Nam có hiện tượng là khi họa sỹ có một, hai bức tranh thành công thì họ vẽ đi vẽ lại. Tôi biết có một số họa sỹ có tiếng  còn có cả xưởng chép tranh . Họ thuê hẳn người chép lại chính tranh của mình, làm ra hàng loạt rồi chỉ việc ký tên bán”. 

Cũng theo họa sỹ Phạm Lực, trên thế giới cũng có nhiều danh họa tự vẽ tranh của mình nhiều lần. Họa sỹ người Na Uy Edvard Munch đã vẽ tới 4 phiên bản khác nhau của bức tranh nổi tiếng “Tiếng thét”. Danh họa Van Gogh trong sự nghiệp sáng tác cũng vẽ 7 bức hoa hướng dương. Còn ở Việt Nam, việc cùng một tác phẩm, tác giả “chuyển thể” thành nhiều chất liệu, khi thì sơn dầu, khi vẽ lụa, khi vẽ sơn mài… cũng không hiếm.  Tuy nhiên, việc này nằm trong dụng ý nghệ thuật của tác giả chứ không phục vụ cho mục đích thương mại. 

Sáng tạo không thể bắt chước

Bàn về vấn đề này, họa sỹ Lương Xuân Đoàn cho biết, vì mưu sinh, các họa sỹ có tư tưởng thương mại hóa nên gửi tranh ở nhiều phòng tranh khác nhau. Khách hàng đi đâu cũng nhìn thấy tranh của họa sỹ đó nên không biết đâu là thật, đâu là giả. Có nhiều họa sỹ khôn khéo hơn, đó là bán tranh được rồi thì mới “nhân bản” nên sẽ ít người biết. Ông cho rằng, việc họa sỹ tự nhái tranh của mình làm cho thị trường tranh “hỗn loạn và mất giá”. Mặt khác, chưa có chế tài cũng như quy định của Nhà nước về việc họa sỹ tự vẽ tranh của mình nên khó quản lý được. 

Cùng chung quan điểm, họa sỹ Phạm Lực cho rằng, thế giới đã có luật quy định về việc chép tranh, trong đó tranh chép lại không được để khuôn khổ như tranh thật, bán giá thấp hơn, phải đăng ký là tranh chép, không được để lẫn lộn với tranh gốc… Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có luật này. Kể cả họa sỹ cũng vẽ đi vẽ lại một tác phẩm nhiều lần, không khống chế. 

Tranh là một tác phẩm nghệ thuật, là sản phẩm của sáng tạo. Nên việc có tranh sao chép, dù có giỏi đến đâu cũng không thể giống hoàn toàn như ban đầu. Không kể đến những thợ chép tranh, thì ngay cả họa sỹ cũng khó lòng lặp lại chính mình. Nếu có thì chỉ có thể giống về mặt hình thức chứ cảm xúc thì không thể bắt chước. Chính vì vậy, việc nhái, làm lại thể hiện lối mòn, sự lười biếng trong tư duy của họa sỹ, chỉ “tát cái ao của mình” mà quên rằng thế giới ngoài kia còn có nhiều thứ để vùng vẫy.

Điều này cũng cho thấy tính thực dụng trong ngành vốn dĩ rất đề cao sự sáng tạo, người họa sỹ mải miết chạy theo đồng tiền mà sao chép chính sản phẩm sáng tạo của mình, bất chấp quyền lợi của khách hàng. Người chơi tranh ai cũng có tâm lý muốn mua một tác phẩm “độc”, không ai chấp nhận bỏ vài nghìn đô la để mua một tác phẩm đinh ninh là duy nhất, để rồi nhìn ra trên thị trường lại đầy rẫy những bản sao, bản “nhái”. Thế nên, khi tranh đã được nhân bản, đã trở thành sản phẩm đại trà, thì dù dưới bàn tay ai, là thợ hay là thầy thì cũng chỉ là “cơm hẩm”, mà thiệt nhất vẫn là người yêu nghệ thuật chân chính.