"Mối duyên" nhà văn và đại gia

ANTD.VN - Dường như chẳng có chút liên quan nào giữa nhà văn và đại gia, thậm chí còn là sự đối lập giữa một bên giàu chữ với một bên nhiều tiền. Thế nhưng cơ duyên kỳ lạ vẫn cứ kết nối những sự trái ngược thành một khối thống nhất, như là đại gia bỗng một ngày dính nghiệp chữ nghĩa rồi trở thành nhà văn nổi tiếng, còn nhà văn lại lấy cảm hứng sáng tạo từ đại gia để làm nên tác phẩm đồ sộ...

"Mối duyên" nhà văn và đại gia  ảnh 1

Nhà văn Trần Thanh Cảnh

Viết văn bên bờ vực phá sản

Là Giám đốc công ty dược khá lớn với chuỗi cửa hàng phân phối tân dược trong khắp thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, Trần Thanh Cảnh không bao giờ hình dung được mình sẽ cầm bút viết văn theo đúng nghĩa (vì ông không thành thạo máy tính nên hoàn toàn viết tay).

Vào thời điểm những người có tiền đua nhau đầu tư vào bất động sản, đại gia Trần Thanh Cảnh cũng không thoát khỏi sự lôi cuốn, vậy là ông vét hết tiền lãi từ bán thuốc Tây đổ sang đất đai, nhà cửa. Chưa kịp bán được mảnh đất, căn nhà nào thì bong bóng vỡ tan, thị trường bất động sản đóng băng mà Tết Nguyên đán sắp đến gần. Các khoản nợ cuối năm phải trả, tiền lương nhân viên phải thanh toán, lãi ngân hàng đáo hạn... khiến vị giám đốc như đông cứng mọi giác quan, không còn nhìn ra được hướng giải quyết nào sáng sủa. 

Đó là một buổi chiều cuối năm u ám, ông nghĩ mình phải tạm quên đi những bế tắc này nên đã cho các nhân viên về sớm, đóng cửa phòng làm việc, tắt điện thoại và... cầm bút viết truyện ngắn. Từ chiều đến gần nửa đêm, mười mấy trang bản thảo A4 chi chít những dòng chữ hối hả tiếp nối nhau, câu chuyện về mối tình thời trai trẻ nhanh chóng hiện lên với đầy đủ hình hài.

Đặt dấu chấm cuối cùng vào trang bản thảo, ông lái xe trở về nhà trong một trạng thái khác hẳn, hình như có một bàn tay thần diệu đã xóa sạch những suy nghĩ tiêu cực, khiến đầu óc ông trở nên minh mẫn kỳ lạ.

Mấy ngày sau, nợ nần bỗng dưng được giải quyết một cách nhanh chóng từ những quyết sách táo bạo và... lãng mạn của giám đốc công ty dược phẩm. Tết năm đó, Trần Thanh Cảnh không đi du xuân mà quyết định ở nhà viết văn. Một tập truyện ngắn nhanh chóng ra đời, tuy chưa gây được ấn tượng với bạn đọc nhưng lại như một điểm thăng bằng cho chính tác giả vào những giờ phút phải “cân não” trong kinh doanh.

Được một số nhà văn đi trước cổ vũ, Trần Thanh Cảnh tiếp tục viết và xuất bản các tập truyện ngắn, tiểu thuyết, năm 2015 ông được trao giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập truyện “Kỳ nhân làng Ngọc”. Hai năm trở lại đây, Trần Thanh Cảnh trở thành một cái tên “đắt hàng” ở các nhà xuất bản cũng như là một khách mời không thể thiếu khi các báo, tạp chí, Hội chuyên ngành tổ chức các trại viết. 

Khi những cổ vật lên tiếng

"Mối duyên" nhà văn và đại gia  ảnh 2

 Nhà văn Phạm Xuân Hiếu

Hiếu “đồ cổ” là biệt danh của nhà văn đất Cảng, Phạm Xuân Hiếu. Say mê cổ vật suốt gần nửa thế kỷ nên những hiểu biết, kinh nghiệm của ông về niên đại, chất liệu, hoa văn, kiểu dáng... khi ngồi trước từng đồ vật cũ khiến nhiều nhà nghiên cứu chuyên nghiệp phải kính nể.

Quá trình đi tìm cổ vật luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với Phạm Xuân Hiếu. Sưu tầm và trao đổi, mua bán nhiều năm, Phạm Xuân Hiếu sở hữu trong tay kho tàng đồ cổ lên đến nhiều triệu USD. Mỗi đồ vật đều mang một thân phận, một đời sống riêng đã khiến ông luôn bứt rứt và muốn kể lại những câu chuyện đó. Không thể gặp ai cũng kể nên cuối cùng Phạm Xuân Hiếu chọn cách viết ra để lưu lại.

Một số nhà văn tình cờ đọc được những câu chuyện rời rạc nhưng vô cùng độc đáo xung quanh cổ vật đã vui mừng “xúi giục” ông tiếp tục viết. Như được tiếp lửa, ông tập trung vào sáng tác và xuất bản 2 tập truyện ngắn chỉ với đề tài đồ cổ. Không ít người sau khi đọc các tác phẩm của Phạm Xuân Hiếu đã khẳng định mình được trang bị một số kiến thức đáng kể, đủ để tự đánh giá được mức độ quý giá hay tầm thường của một đồ vật.

Có người e ngại rằng nếu chỉ khai thác một đề tài sẽ không thể viết được lâu bền, nhưng Phạm Xuân Hiếu đã chứng minh ngược lại, bởi trong ông có hàng nghìn câu chuyện vẫn đang chờ cơ hội được cất tiếng nói... Cổ vật quý, nhưng với Phạm Xuân Hiếu thì bạn văn còn quý hơn rất nhiều lần, vậy nên có lần nhà văn Sương Nguyệt Minh về Hải Phòng, ông tiếp bạn một bữa rượu uống bằng bộ chén ngọc đã 300 năm tuổi để cùng trải nghiệm cảm giác của vua chúa đời trước khi cầm chén rượu trên tay thế nào. 

“Đại gia” khiến nhà văn buông bút

"Mối duyên" nhà văn và đại gia  ảnh 3

Nhà văn Thiên Sơn

Bộ tiểu thuyết gồm 2 tập với tổng cộng hơn 1.000 trang bản thảo, đi qua cả chục nhà xuất bản vẫn không được cấp phép khiến nhà văn Thiên Sơn có lúc chán nản muốn buông xuôi.

Cuối cùng, “Đại gia” và được giám đốc NXB Lao động ký quyết định cấp giấy phép xuất bản đúng 3 ngày trước khi nghỉ hưu. Bộ sách vừa phát hành được ít ngày thì xôn xao dư luận là cần phải thu hồi vì có nhiều tư liệu “nhạy cảm”, gây ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của bạn đọc. Nhà văn Thiên Sơn chạy khắp nơi nắm tình hình và cầu viện Hội Nhà văn Việt Nam lên tiếng. Ban Kiểm tra (do nhà văn Khuất Quang Thụy là trưởng ban) đã phải làm việc với Cục Xuất bản bảo vệ tác phẩm này.

Mất 3 năm ròng rã để hoàn thành “Đại gia”, 2 năm sau mới được xuất bản, cộng thêm một năm “sống trong sợ hãi” khiến nhà văn Thiên Sơn kiệt sức. Anh tuyên bố tạm dừng viết văn để hồi phục cảm xúc và tích lũy năng lượng.

Trong thời gian buông bút, nhà văn chuyển sang cầm phấn, mở lớp dạy thêm Ngữ văn tại nhà cho các học sinh. Thu nhập từ công việc dạy học đang đưa nhà văn tiến dần đến vị trí... đại gia, mua được nhà to, ô tô đẹp mà không phải chịu đựng bất kỳ sức ép nào.