Mở vòm cầu Phùng Hưng phục dựng không gian văn hóa mới của Thủ đô

ANTD.VN - Theo thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), dự án cải tạo thí điểm đục thông 6/131 vòm cầu đường sắt Phùng Hưng sẽ chính thức được tiến hành vào đầu tháng 12 tới. Hiện tại, UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý phố cổ, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cùng các đơn vị tư vấn đã đánh giá hiện trạng các vòm cầu cũng như thử tải. Dự kiến, sau khi đục thông, đoạn phố Gầm Cầu cũng sẽ được cải tạo mặt đứng và trở thành một không gian văn hóa mới của Thủ đô.

Mở vòm cầu Phùng Hưng phục dựng không gian văn hóa mới của Thủ đô ảnh 1Sau khi dự án hoàn thành, toàn bộ phố Phùng Hưng sẽ trở thành một không gian văn hóa mới của Thủ đô

Kết nối không gian phố đi bộ

Theo kế hoạch, toàn bộ phố Phùng Hưng có 131 cổng vòm hiện đã có 4 cổng thông, còn lại 127 cổng vòm sẽ được chia thành 3 giai đoạn để triển khai. Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” nằm trong giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ đục thông các cổng vòm từ đoạn phố Phùng Hưng đến phố Hàng Cót. Giai đoạn 3 sẽ tiếp tục xử lý các cổng vòm từ Cửa Đông đến phố Lê Văn Linh.

Đoạn vòm cầu dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 1 bắt đầu từ Hàng Cót thông sang Hàng Giấy. Con phố này không dài, chỉ hơn 100m nhưng tập trung khá nhiều hàng quán gần như một trung tâm ăn uống kế bên phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân những dịp cuối tuần. Chính vì thế, khi dự án khai thác, sử dụng vòm cầu sau đục thông hoàn thành, người ta có quyền hy vọng về một không gian mới cho phố Gầm Cầu. Không chỉ là nơi giới thiệu các sản phẩm của làng nghề thủ công truyền thống phố cổ mà còn là không gian văn hóa, không gian ẩm thực thương mại…

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, sau khi dự án cải tạo thí điểm này hoàn thành sẽ trở thành một điểm kết nối giữa không gian phố Bích họa Phùng Hưng và tuyến phố đi bộ Hàng Đào - chợ Đồng Xuân…

Theo kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, việc hồi sinh không gian phố Gầm Cầu phải thỏa mãn 3 yếu tố: Hình - Lý - Khí. Tức là ngoài việc tạo được một không gian diện tích kiến trúc còn phải có sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, tạo được những phong cách khác nhau, đa dạng. Đặc biệt, sự hình thành không gian công cộng sau khi đục thông vòm cầu phải tạo được sức sống và sự hấp dẫn và phải là một dự án thực sự của cộng đồng và vì cộng đồng dân cư. Các thiết kế kiến trúc phải được xây dựng trên nền tảng nhu cầu cộng đồng.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh nhấn mạnh đến yếu tố “cùng tham gia” và “tham gia sớm” của cộng đồng. Lấy ví dụ không gian phố đi bộ hồ Gươm, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho biết, không gian này hiện chỉ cho đi bộ 3 ngày cuối tuần, nếu mà cho đi bộ cả tuần thì cũng vẫn sẽ đông. Bởi lẽ, Hà Nội khá khan hiếm những không gian văn hóa như thế này. Chính vì thế, cần phải mở rộng ra ở các tuyến phố điểm. Và tuyến phố Phùng Hưng là một ví dụ tốt và chắc chắn có sức lan tỏa.

“Hồi sinh” thế nào?

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội Đặng Đình Bằng cho biết, hiện dự án chỉ còn chờ thủ tục cấp phép và tuyển chọn nhà thầu nên đầu tháng 12 là có thể bắt tay vào thi công. “Một trong những điều mà nhiều người lo ngại là khi đục thông ra có an toàn cho tuyến đường sắt chạy phía bên trên không thì cũng đã được giải tỏa, chúng tôi cũng đã cho tiến hành thử tải cơ bản là an toàn” - ông Đặng Đình Bằng chia sẻ. 

Thực tế là cả đoạn phố Gầm Cầu có 15 vòm, trước mắt chỉ đục thông 6. Sáu vòm này đã khảo sát khá kỹ sở dĩ chọn là vì đại diện cho nhiều thể loại vòm. Trước đây, có vòm bịt đổ cát, có vòm xây đá bên trong. Việc tuyển chọn “đại diện” này để có thể đánh giá tổng thể cho dự án sau này đặc biệt là đảm bảo an toàn đường sắt trong điều kiện thi công phía dưới nhưng vẫn chạy tàu phía trên. Ông Đặng Đình Bằng cũng cho biết cụ thể, sẽ giải tỏa một số hộ hiện nằm trong phạm vi bảo vệ an toàn công trình đường sắt đồng thời cải tạo mặt đứng cả tuyến phố. 

Trao đổi cùng phóng viên Báo ANTĐ, Chủ trì Dự án, GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI) nhận định: Đây không phải đơn thuần là dự án đục thông vòm cầu, trả lại không gian đã làm từ hơn 100 năm trước mà là một dự án đặc biệt quan trọng nằm trong một đề án tổng thể xây dựng không gian văn hóa - thương mại - dịch vụ - du lịch của Thủ đô mà khu vực 131 vòm cầu (từ Cửa Đông đến ga Long Biên) này là trục xương sống.

Cái khó nhất của dự án nằm ở chỗ, phải làm thế nào để sau khi đục thông, nơi đây sẽ trở thành một không gian công cộng tuyệt vời , bổ sung cho hệ thống không gian công cộng vốn rất ít ỏi và thiếu hấp dẫn của Hà Nội, nhằm tạo nên một chuỗi các không gian sinh hoạt cộng đồng, kết hợp tuyến phố đi bộ, tạo thành một không gian có bản sắc và sức hấp dẫn của khu vực lõi của không gian phố cổ Hà Nội.

Theo điều tra và khảo sát của Viện UAI, khu vực 131 vòm cầu có giá trị cả về mặt địa lý và lịch sử. Về vị trí, nó nằm ở ranh giới giữa phần “Đô” và “Thị” của kinh thành Thăng Long xưa, giáp phía Bắc là Hoàng thành, có hào nước là phố Phùng Hưng, phía Nam là khu phố cổ. 

Tuyến 131 vòm cầu dọc phố Phùng Hưng có một đời sống oanh liệt gắn liền với Hà Nội. Kể từ khi được người Pháp xây dựng trong 2 năm (1900-1902), nó đã từng là chiến tuyến của Trung đoàn Thủ đô với quân đội Pháp (1947-1954), rồi sau đó lại trở thành “chợ Trời” buôn bán đồ cũ của người dân di tản (1954- 1967). 

Đến năm 1980, cầu được xây bịt lại những vòm cầu rỗng, nhằm hàn gắn những chỗ bị phá hoại bởi chiến tranh, đồng thời ngăn chặn những tệ nạn và vệ sinh môi trường trong các vòm cầu không thể quản lý thường xuyên.

Theo nội dung báo cáo đề xuất của Viện Quy hoạch & Kiến trúc đô thị với cấp có thẩm quyền, thì toàn bộ tuyến 131 vòm cầu sẽ được phân đợt thi công thành 4 giai đoạn. Sáu vòm cầu được đục thông từ Hàng Cót tới Hàng Giấy nằm trong tổng thể 15 vòm thuộc phân đoạn 3 nhưng được thi công thí điểm ở giai đoạn đầu tiên, Sau khi xây dựng thí điểm 6 vòm đầu tiên thì 9 vòm còn lại sẽ được làm tiếp, và phân đoạn Hàng Cót - Hàng Giấy sẽ được thiết kế  chỉnh trang cả hai bên vòm cầu đục thông, cả dãy mặt nhà đối diện các vòm cầu thành một không gian đẹp và bản sắc.

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi (Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị): Một địa điểm tinh thần của người Hà Nội

“Với lịch sử, vị trí, rõ ràng nơi đây không chỉ là một địa điểm, nó còn là một địa điểm có tinh thần, một nơi chốn của người Hà Nội. Việc xây dựng không gian các vòm cầu vừa phải hiện đại, văn minh, vừa phải làm sao để có thể tái hiện lại không gian văn hóa lịch sử với các hoạt động văn hóa ẩm thực, các dịch vụ, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã từng tạo nên một Hà Nội tao nhã, đời thường nhưng rất có chiều sâu văn hóa, đó chính là cái khó nhất mà tôi và các đồng nghiệp đã và đang trăn trở và tìm cách chuyển ngữ những yếu tố phi vật thể thành những không gian vật chất có nội dung, ngữ nghĩa”. 

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh: Hà Nội - thành phố đáng sống phải có nhiều không gian cho cộng đồng

“Tôi rất vui mừng khi ý tưởng đục thông vòm cầu, xây dựng không gian công cộng bước đầu đã thành công với phố Bích họa, song giai đoạn một này mới chỉ là đánh thức suy nghĩ của người dân, biến nhếch nhác xấu xí thành hấp dẫn. Giai đoạn 2, với việc đục thông 6 vòm cầu, chỉnh trang mặt đứng hai bên tuyến phố… sẽ không chỉ dừng lại ở việc trình diễn mà phải thực sự trở thành điểm kết nối tốt, tạo các không gian công cộng và đặc biệt là không gian nghệ thuật, du lịch… Bởi lẽ, Hà Nội - một thành phố hấp dẫn phải có nhiều không gian công cộng và một thành phố đáng sống phải có nhiều không gian cho cộng đồng”.