Mở rộng khai quật Hoàng Thành: Phát hiện những khối gỗ sơn son bí ẩn

ANTD.VN -Ngày 16-5, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tổ chức Hội thảo nhằm báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên. Nhiều dấu tích ao hồ, những móng đường xếp bằng gạch thỏi đã được tìm thấy, mở ra những hướng nghiên cứu khác nhau về Hoàng Thành.  

Với tổng diện tích gần 1.000m2m, cuộc khai quật nhằm tiếp tục làm rõ vị trí, quy mô, cấu trúc và giá trị của khu di sản Thế giới trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại khu vực chính điện Kính Thiên.

PGS.TS Tống Trung Tín (ngoài cùng bên trái) đang thuyết minh về các hiện vật tìm thấy qua cuộc khai quật Hoàng Thành

Theo PGS. TS Tống Trung Tín- nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ nhiệm Công trường Khai quật cho biết, về cơ bản, địa tầng và tầng văn hóa của hố khai quật năm 2018 tương tự như các hố khai quật từ năm 2011 đến nay với đầy đủ các dấu tích từ thời Đại La qua Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung hưng, Nguyễn…điều đó khẳng định, Trung tâm Cấm thành thống nhất trên toàn bộ di sản. Kết quả khai quật cũng cho thấy những biến động lớn ở khu vực này thời Lê Trung Hưng.

Di vật gỗ có sơn son được tìm thấy dưới lòng hồ hoặc hào dấy lên những tranh luận về công năng của nó

Chủ nhiệm Công trường khai quật, PGS.TS Tống Trung Tín cho biết thêm, có hai dấu tích kiến trúc lớn phát lộ qua đợt khai quật lần này rất đáng để quan tâm, nghiên cứu sâu, nếu làm rõ, có thể khẳng định thêm về quy mô, cấu trúc của Hoàng Thành Thăng Long qua các thời kỳ rõ nét hơn.

Thứ nhất là hệ thống móng đá lớn, chạy dọc từ Bắc tới Nam. Thứ 2 là các dấu tích của hệ thống hoặc là ao, hồ, hoặc cũng có thể là hào nước lớn, trong lòng hào nước tìm thấy nhiều cấu kiện gỗ, một số mảnh còn thấy rõ mộng, vết son phủ trên thân gỗ. Dấu tích này rất dài, uống lượn phức tạp cũng chạy theo hướng Bắc Nam. Nếu làm rõ được 2 chi tiết này sẽ có thêm câu trả lời về Khu trung tâm - Chính điện biến đổi thế nào qua các thời kỳ và vị trí, vai trò quan trọng của chính điện.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, những khối gỗ này là một mảnh của thuyền rồng, nhưng cũng có người nghi ngờ đây là một mảnh kiệu rồng

Trong số các hiện vật phát lộ qua cuộc khai quật, các nhà nghiên cứu lịch sử  đặc biệt chú ý tới những mảnh ngói thời Lê Sơ tráng men xanh, men vàng cùng với các mảnh ngói trang trí rồng, gạch thông gió trang trí rồng còn nguyên vẹn đi kèm. Số lượng hiện vật khá lớn so với năm 2017, nhất loại hình di vật ngói tráng men kết nối với nhau tạo thành một con rồng cho nên có ý kiến gọi đây là loại “ngói rồng”, đầu ngói cũng được trang trí hình rồng.

Ông Tống Trung Tín nhận định, những hiện vật ngói này mang tính khác biệt so với ngói thời Lê sơ đã từng tìm thấy trước đây và cũng rất khác lạ so với ngói các thời kỳ, điều đó cho thấy ngoài đặc trưng trang trí còn thể hiện sự sáng tạo, tính dân tộc của nghệ thuật kiến trúc thời kỳ này.

Hiện vật ngói men vàng thời Lê sơ, các mảnh kết nối với nhau thành một con rồng

Cuộc khai quật cũng mang đến nhiều bất ngờ khi tìm thấy số lượng lớn gốm sứ thời Mạc (TK16) trang trí hình rồng. Những hiện vật thời Mạc, thường rất ít thấy qua các đợi khai quật, thám sát ở Hoàng Thành.

Cùng với di tích đường nước thời Lý, Trần, hành lang thời Lê sơ và Lê Trung hưng tại khu vực chính điện Kính Thiên có thêm một di tích hồ/ao và đường móng đá, là những gợi ý rất tốt cho các hướng nghiên cứu về giới hạn của các trung tâm kiến trúc khu vực này qua các thời Lý-Trần.

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân- Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết, cần mở rộng diện tích khai quật để có thêm nhận thức,ví dụ hệ thống ao hồ nằm trong giai đoạn nào. Các đợt khai quật phải được kết nối với nhau, tư liệu hóa mới có cái nhìn toàn cảnh được. Theo sĩ Phạm Quốc Quân  những hiện vật gỗ tìm thấy ở dưới hồ, hoặc hào có khả năng là phần gỗ còn lại của những con thuyền. Ông Quân hy vọng xác định được bộ mái kiến trúc điện Kính Thiên cũng như không gian điện thời Lê sơ và Lê Trung hưng. Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Hội Sử học Hà Nội cho rằng, nên mở rộng không gian phía Bắc Kính Thiên.

Hiện vật ngói trang trí hình rồng

Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành thì khẳng định, không nên dùng khái niệm ao hồ mà dấu tích tìm thấy là hào, quy chiếu từ Bắc Kinh tới Tràng An thì khẳng định vậy. Qua khảo sát, ông Trí cho rằng có nhiều đoạn chồng lên nhau, vì thế cần xem lại niên đại.

Theo Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Hoàng Thành quy mô lớn, quy hoạch phức tạp, đặc biệt giai đoạn Lê Trung hưng. Bên cạnh đó, đã tìm thấy dấu tích Lý- Trần, thì cần phải đặt ra câu hỏi, điện Thiên An xưa ở vị trí nào.

Giáo sư Trịnh Sinh thì đặt câu hỏi, hiện vật gỗ tìm thấy là kiệu hay thuyền, dấu tích tìm thấy là hào hay hồ cần phải giải mã. Trước đây chúng ta từng khai quật được thuyền ở sông Ngọc Hà. Liệu có phải thuyền rồng hay không?