MC Quỳnh Hương: Tìm đường chạm đến trái tim khán giả

ANTĐ - Nếu bạn là một khán giả của chương trình “Thay lời muốn nói” trên kênh HTV9 rất có thể bạn sẽ tin rằng không có ai làm tốt hơn MC Quỳnh Hương trong chủ đề này. Sự duyên dáng cùng nét mặn mà của tuổi trung niên, sự chín chắn trong nghề cộng với xúc cảm “giàu có” của chị đã giúp chương trình luôn đậm đà vị của những giọt nước mắt, rộn rã tiếng pháo tay và sự rung động của con tim hàng triệu khán giả xem chương trình.

- PV: Phụ nữ đấu tranh để đòi quyền bình đẳng với nam giới, nhưng phụ nữ lại thường tự cho mình là yếu đuối, theo chị điều này có gì mâu thuẫn chăng?

- MC Quỳnh Hương: Tôi thấy không có gì là mâu thuẫn cả. Bản chất cơ địa của người phụ nữ đã không mạnh bằng nam giới rồi, nên làm sao có thể phủ nhận được điều này? Phụ nữ lại nhạy cảm, mềm mỏng, dễ xúc động, dễ tổn thương hơn. Cho nên, một trong những điều mà phụ nữ ròng rã đấu tranh để “đòi quyền bình đẳng” với nam giới, chính là quyền được nam giới nâng niu, trân trọng, được chăm sóc và yêu thương tương xứng với cách họ đang nâng niu, trân trọng, chăm sóc và yêu thương nam giới ở quanh mình.

- Để thành công trong công việc chị thường sử dụng những thế mạnh nào của phụ nữ? Có tình huống nào mà thế mạnh đó trở thành… nguy hiểm không, thưa chị?

- Tôi chưa bao giờ “lý tính” đến độ phải “sử dụng” những thế mạnh của phụ nữ để làm việc. Đơn giản, tôi mang bản chất phụ nữ của mình ra làm việc. Và phần lớn là được việc, bởi những công việc tôi đang làm ít nhiều mang chất nữ tính. Khi viết, biên tập âm nhạc hay dẫn chương trình… những suy nghĩ hay cảm xúc của một người phụ nữ giúp tôi rất nhiều trong việc tìm con đường phù hợp chạm đến trái tim của các khán giả, những người ít nhiều đều có những người phụ nữ mà họ yêu thương. Tôi không thấy có điều gì nguy hiểm ở “bản chất phụ nữ” nơi cá nhân tôi cũng như các đồng nghiệp làm báo nữ khác. 

- Theo trải nghiệm và quan sát của bản thân, chị thấy phụ nữ thường hay bỏ quên những thế mạnh nào của mình?  

- Tôi không dám ôm đồm nói về “phụ nữ” nói chung, cũng không thể quyết định được cái gì là “thế mạnh” và đâu là “điểm yếu”. Yếu hay mạnh tùy thuộc vào từng thời điểm, tùy mối quan hệ, tùy cả cách thức vận dụng của người phụ nữ nữa. Nói chung, người phụ nữ có lý do để họ phát triển cá tính của họ, và điều này nên được tôn trọng theo đúng bản chất của họ, không nên đem ra mổ xẻ hay phê bình.

- Thực hiện chương trình “Thay lời muốn nói” trong nhiều năm có mang lại giá trị tinh thần nào giúp chị sống đẹp hơn, làm gia đình chị hạnh phúc hơn?

- Hơn mười một năm sống với “Thay lời muốn nói”, tôi đọc hơn một triệu lá thư, tâm tình, chia sẻ… Khán giả của chương trình dạy tôi rất nhiều về cách cảm nhận và thưởng thức cuộc sống, cũng như cách thức vượt qua những lỗi lầm và hàn gắn những vết thương. Tính chia sẻ của chương trình cũng là cách gia đình tôi cùng nhau cố gắng thực hiện. Cảm giác chung là, càng thấy quý hơn những giá trị của gia đình, của một cách nhìn lạc quan về cuộc sống - dẫu hiểu rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

- Nếu bảo gia đình là quan trọng nhất thì thường ngày chị thể hiện điều đó qua hành động như thế nào?

- Sống đầy đặn với nhau, theo hết khả năng tôi có thể. Thật lòng và trân trọng nhau, khuyến khích sự gần gũi và bày tỏ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình với nhau trong cuộc sống thường ngày. Trân trọng những bữa cơm gia đình và những khoảnh khắc gia đình được sum vầy. Cũng mừng là các thành viên trong gia đình tôi đều đang thực hiện những điều này một cách tự nhiên và cảm thấy dễ chịu với những điều đó.

- Giá trị sống nào với chị là quan trọng nhất? Sống với giá trị ấy chị có bao giờ cảm thấy phiền phức?

- Theo tôi, điều quan trọng nhất trong cuộc sống là sự hết lòng. Trong công việc, khi tôi làm bất cứ điều gì một cách hết lòng, kết quả nếu không được hoàn hảo như ý mình muốn cũng sẽ không phải là một kết quả quá tệ. Tôi sống hết lòng với những người mà mình thương quý, hết lòng với những gì mình tin và hy vọng. Tuy vậy, cũng phải thú thật rằng trong cuộc sống, sự hết lòng không phải lúc nào cũng mang đến cho mình thuận lợi, thậm chí đôi khi còn gây rắc rối hay phiền muộn cho mình. Nhưng tôi vẫn không hối hận vì đã chọn điều này là tiêu chí quan trọng nhất để sống.

- Chị làm thế nào để luôn giữ được cảm xúc của mình?

- Tôi đâu cố gắng “giữ”. Nó tự nhiên đi cùng tôi, từ nhỏ đến lớn đã vậy rồi. Điều này cũng hay, vì mọi chuyện lớn nhỏ tôi làm, cho dù trong công việc hay trong cuộc sống, đều có cảm xúc chi phối. Ngược lại, nhiều khi cũng thấy phiền với thực tế: không khi nào có được cảm giác “không cảm giác”, lúc nào cũng hoặc là vui, hoặc là buồn, hoặc phấn khởi, hoặc chán nản,… Sống như thế hoài cũng mệt lắm! (cười) Người thân đi theo “dỗ” mình những lúc mình “không ở trong tâm trạng tích cực”, cũng mệt lắm.

- Xin cảm ơn chị!