"Mắt biếc" từ sách đến phim: Ngạn cao thượng, Hà Lan đáng thương

ANTD.VN - Với doanh thu phòng vé vượt 100 tỷ đồng sau tuần đầu công chiếu, cơn sốt xem và bàn luận về phim “Mắt biếc” chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cùng yêu thích truyện dài “Mắt biếc” cũng như đã xem phim chuyển thể cùng tên, diễn viên Đinh Ngọc Diệp và ca sĩ Phan Lê Ái Phương đã chia sẻ cảm nhận của họ về tác phẩm và nhân vật.

- PV: Các bạn đã đọc sách “Mắt biếc” từ khi nào? Điều gì làm các bạn thích tác phẩm này?

- Diễn viên Đinh Ngọc Diệp: Ngày trước khi Diệp ở tuổi mới lớn, dường như chỉ có chú Nguyễn Nhật Ánh là “làm bạn” với mình qua các quyển truyện về tuổi thơ và tuổi học trò. Diệp đã đọc tác phẩm “Mắt biếc” gần như thuộc lòng và những trang sách đã làm mình khóc rất nhiều, cho dù lúc đó chưa biết yêu là gì nhưng không biết sao vẫn cứ khóc.

- Ca sĩ Phan Lê Ái Phương: Ái Phương đã đọc sách “Mắt biếc” từ cách đây mấy năm, sau khi đọc những truyện khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như “Tôi là Bêtô”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”... Phương thấy truyện rất xúc động và buồn. Câu chuyện không quá nhiều kịch tính, cuộc đời như nhẹ tênh vậy, nhưng nó tạo cảm giác về một điều gì đó mà mình chỉ cần “lỡ” một chút là sẽ mất mãi mãi. Phương có một sự ám ảnh rất lớn với đôi mắt của nhân vật Hà Lan, đến nỗi khi đọc xong cuốn sách thì có viết lên trang cá nhân Facebook là: “Làm thế nào để có thể mang được đôi mắt này lên phim ảnh?”. Khi xem phim “Mắt biếc” do anh Victor Vũ làm, Phương thấy đúng là đôi mắt này giống như những gì từng tưởng tượng hồi đọc sách.

- Điều gì làm các bạn thích nhất ở tác phẩm này?

- Ngọc Diệp: Tôi thích giọng văn, cách kể chuyện, lời nói của các nhân vật rất gần gũi cuộc sống. Các tuyến nhân vật trong tác phẩm dù là chính hay phụ đều rất hay, họ có đời sống nội tâm đặc sắc. Tôi còn thích những bài thơ, lời ca dễ thương mà Ngạn viết cho Hà Lan. Nhưng trên hết, điều mà tôi yêu thích nhất là tính nhân văn và sự cao thượng của một chàng trai, đó chính là Ngạn.

Tôi nghĩ, phụ nữ ai cũng ước mơ mình có một chàng trai như Ngạn. Tình yêu của Ngạn, dù đơn phương nhưng là một tình yêu quá cao thượng, quá đẹp đẽ khiến bao người phải ngắm nhìn, ngưỡng mộ và cảm thấy cuộc đời này còn quá nhiều điều tốt đẹp, cao cả. Câu chuyện của Ngạn làm cho mình muốn sống tốt hơn, yêu chân thành hơn và mang đến cho cuộc đời những điều tốt đẹp hơn.

- Ái Phương: “Mắt biếc” đã xây dựng nhân vật rất truyền cảm hứng cho thế hệ 7x, 8x là Ngạn ở thời tình yêu còn ngại ngần, chờ đợi, khó nói. Phương nghĩ là cách yêu bây giờ có phần thực tế hơn. Tác phẩm cho thấy ở các thế hệ trước, tình yêu nam nữ đến với nhau khó khăn như thế nào, song người ta cũng sẵn lòng yêu nhau vô điều kiện ra sao. 

- Khi “Mắt biếc” từ một tác phẩm văn học được thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh, các bạn chờ đợi điều gì?

- Ngọc Diệp: Diệp biết đạo diễn Victor Vũ mất khoảng 2 năm để thấm nhuần tác phẩm rồi mới bắt tay viết kịch bản, làm phim, dù rằng “Mắt biếc” là tác phẩm anh ấy yêu thích nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Victor Vũ muốn tìm ra một cách kể chuyện đặc sắc, tương xứng với sự độc đáo của cuốn sách vì không muốn phụ lòng khán giả. Đó cũng là điều mà Diệp rất chờ đợi khi xem phim. 

- Ái Phương: Nếu là một kịch bản chưa ai biết, khi làm thành phim nó sẽ tạo ra cách nhìn nhận đầu tiên cho khán giả, điều đó sẽ không thử thách bằng một kịch bản có cốt truyện mà rất nhiều người đã biết rồi. Với “Mắt biếc” - như đã chia sẻ ở trên - Phương trông chờ nhất là “làm sao có thể chuyển tải sự ám ảnh đôi mắt của Hà Lan bằng ngôn ngữ điện ảnh”. Những ai đọc sách đều có một sự tưởng tượng nhất định về đôi mắt “thơ mộng hoàn hảo” của Hà Lan. Làm sao tìm được cô gái đó ở ngoài đời? Làm sao thuyết phục được khán giả đây là “Hà Lan của tôi?”.

- Vậy các bạn thấy đâu là sức hấp dẫn của một bộ phim chuyển thể từ sách như “Mắt biếc”?

"Mắt biếc" từ sách đến phim: Ngạn cao thượng, Hà Lan đáng thương ảnh 3

- Ngọc Diệp: Truyện “Mắt biếc” là chuỗi độc thoại nội tâm của nhân vật Ngạn được miêu tả bằng ngôn ngữ văn học. Còn phim dùng hình ảnh, âm thanh, diễn xuất, để tác động đến cảm xúc của khán giả, giúp khán giả hiểu được tâm trạng nhân vật. Sự tưởng tượng của người đọc sách trở thành hiện thực sống động, linh hoạt trên màn ảnh. Đây chính là sức hấp dẫn mà phim mang lại.

Ngoài ra, khi xem phim, một lần nữa mình được khóc, được cười, được yêu thương các nhân vật mà mình từng yêu qua trang sách, nhắc lại cho mình nhớ đến những áng văn mà mình “đầu ấp tay gối” ngày xưa. Xem phim cũng là cơ hội cho mình thưởng thức các tính cách của nhân vật rõ nét, đặc sắc. Mình cũng hiểu ý nghĩa, thông điệp của bộ phim. Diệp nghĩ là điện ảnh và văn học luôn luôn có sự bổ trợ hỗ tương cho nhau.

- Ái Phương: Một cuốn sách được chuyển thành phim điện ảnh có nghĩa bản thân nó phải có một sức hấp dẫn “nặng ký” và một lượng người hâm mộ lớn. Sức hấp dẫn của phim “Mắt biếc” giống như mình gặp được “thần tượng” (nhân vật) của mình ngoài đời. Bạn có thể thốt lên: “Chà, trước giờ mình chỉ gặp người này… trong mơ thôi, giờ gặp ở đời thật (bằng hình ảnh) rồi”. “Mắt biếc” là câu chuyện truyền cảm hứng nên bộ phim nếu giữ được tinh thần ấy sẽ thành công và có giá trị rất lâu trong lòng khán giả, không chỉ ở thời điểm ra mắt mà vẫn sẽ được nhắc rất nhiều về sau. 

- Âm nhạc trong phim “Mắt biếc” nhận được rất nhiều sự đồng cảm và khen ngợi từ công chúng. Còn Ái Phương cảm thấy như thế nào?

- Ái Phương: Khi nghe những điệu nhạc vang lên trong phim, Phương hoàn toàn bị choáng ngợp vì nó mộc mạc và mang đậm chất hoài niệm. Âm nhạc trong phim ảnh rất quan trọng bởi nó giống như một cú đẩy khiến cho khán giả vỡ òa cảm xúc với những tình tiết, câu chuyện. Ca khúc “Có chàng trai viết lên cây” của Phan Mạnh Quỳnh là một bài hát rất hay, rất phù hợp với phim “Mắt biếc”. 

- Phim “Mắt biếc” có làm Ngọc Diệp nghĩ khác đi về các nhân vật trong truyện?

- Ngọc Diệp: Cũng có một số thay đổi. Lúc đọc sách, Diệp thương nhân vật Ngạn nhiều nhất, đồng thời không “ưng” nhân vật Dũng và Hà Lan vì việc họ đến với nhau là nguyên nhân gây đau khổ cho Ngạn. Sau khi xem phim, Diệp thấy Dũng cũng có phần dễ thương. Anh cũng là người sống theo bản năng, cũng yêu, cũng thổ lộ và cũng nỗ lực để quay trở lại với Hà Lan nhưng bị gia đình cấm đoán nên cuối cùng bỏ cuộc. Dũng trên phim cũng yêu một cách chân thành, chẳng qua là anh ta không dám chiến đấu để bảo vệ tình yêu của mình. 

- Có những tranh luận rất sôi nổi, phần nhiều tích cực và thú vị giữa các khán giả sau khi xem phim về nhân vật Hà Lan. Nhiều người vì thương Ngạn nên giận Hà Lan, song cũng có nhiều ý kiến tán thành sự lựa chọn của Hà Lan và cho đó là cách tốt nhất để thể hiện sự tôn trọng Ngạn. Các bạn nghĩ sao về Hà Lan trong phim?

- Ngọc Diệp: Nhân vật Hà Lan trên phim khiến Diệp tâm đắc. Hà Lan không hẳn chỉ là một cô gái lạnh lùng hay thuần “hướng ngoại”. Cô có những câu thoại và cách xử lý tình tiết éo le khiến các khán giả nữ nước mắt tự nhiên trào ra như một sự đồng cảm, cảm thông. Với mình, Hà Lan trong phim đáng thương nhiều hơn đáng giận.

- Ái Phương: Thật ra mọi người vẫn hay tranh luận nhân vật Hà Lan là người như thế nào, hướng nội hay hướng ngoại, yêu miền quê hay thích thành thị, không đáp trả tình yêu với Ngạn là tốt hay xấu… Khi phim “Mắt biếc” công chiếu, những câu hỏi đó lại được đặt ra và được trả lời dưới những góc nhìn, cảm thụ, ý thích của riêng mỗi khán giả. Chúng ta có thể phân tích rằng, nếu như Hà Lan là một cô gái “đáng giận” chỉ vì sự hời hợt, ngoảnh mặt với Ngạn, thì nếu cô nhận lời yêu Ngạn liệu có “đáng giận” nhiều hơn?

Vì sau những cân nhắc, giằng xé, Hà Lan vẫn thấy cô không hợp tính với Ngạn. Trên phim cô đã nói luôn là “người tốt và quá thân như Ngạn chỉ hợp làm bạn lâu dài chứ không hợp làm người yêu”, vì Ngạn đã biết quá nhiều về cô và bản thân cô cảm thấy không xứng đáng với Ngạn. Về chuyện Hà Lan là cô gái thích sống thành thị, có tư tưởng thành thị thì không có gì là xấu cả. Có chăng là Hà Lan khi lên thành thị đã có những vấp ngã, những nỗi đau mà bản thân cô gánh chịu. Tôi thật sự ấn tượng về nhân vật này trong phim.