"Mãi đừng xa tôi"

(ANTĐ) - Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng một lần nữa mang tới cho độc giả trong nước một bản dịch tác phẩm văn học Nhật Bản mới, đầy ấn tượng: "Mãi đừng xa tôi" của nhà văn Kazuo Ishiguro.

"Mãi đừng xa tôi"

(ANTĐ) - Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng một lần nữa mang tới cho độc giả trong nước một bản dịch tác phẩm văn học Nhật Bản mới, đầy ấn tượng: "Mãi đừng xa tôi" của nhà văn Kazuo Ishiguro.

"Mãi đừng xa tôi" là tên một bài hát trong cuộn băng cat-sét của nữ ca sỹ Judy Bridgewater - một cái tên tưởng tượng mà Ishiguro sáng tạo ra. Kathy có được cuộn băng này trong một hội chợ bán hàng tại Hailsham, và cô đặc biệt yêu thích đoạn điệp khúc “Con yêu, mãi đừng xa mẹ”, cô thường ôm gối khiêu vũ theo âm hưởng của đoạn điệp khúc ấy và tưởng tượng đến một người phụ nữ bất ngờ được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ sau khi ngỡ rằng mình không có được điều kỳ diệu ấy.

Câu chuyện mở ra với bối cảnh nước Anh cuối thế kỷ hai mươi, có một trường học đặt biệt dành cho những đứa trẻ đặc biệt: trường  Hailsham. Nơi đây, người ta nuôi dưỡng những bản sao vô tính người để phục vụ cho mục đích y học. Bọn trẻ được sinh hoạt, học tập, thậm chí sáng tạo như những con người hoàn toàn bình thường khác, nhưng đến tuổi trưởng thành, chúng được chuyển tới bệnh viện để hiến tạng cho đến khi cạn kiệt rồi chết.

"Mãi đừng xa tôi" xoay quanh thế giới nhỏ bé của Kathy, Tommy, Ruth, ba học sinh Hailsham, ba người bạn thân, rồi sau này thành những người tình. Kathy trầm lắng, tinh tế, có khả năng thấu hiểu và làm yên lòng người khác bằng những suy nghĩ chín chắn của mình. Tommy ngờ nghệch, nóng giận và cho đến cuối truyện vẫn là một đứa trẻ lớn xác. Ruth cá tính, dữ dội, đôi khi xốc nổi và dường như lúc nào cũng phải gồng mình lên để được nhìn nhận như một Hailsham nổi trội cho đến những ngày cuối.

Qua câu chuyện của bộ ba ấy, người đọc dần đi sâu vào thế giới của những người hiến tạng (từ chỉ người được tạo ra vì mục đích hiến tạng trong tác phẩm), từ cái cách họ được dạy để chấp nhận số phận của mình, những niềm vui nhỏ bé và xúc động trong thế giới hầu như khép kín, cho tới những lạ lẫm gắng gượng trước cuộc sống bên ngoài, và đặc biệt là khao khát được trì hoãn thân phận của kẻ hiến tạng. Câu chuyện kết lại khi Ruth không qua khỏi sau lần hiến thứ hai, Tommy, sau một thời gian ngắn ngủi hạnh phúc cùng Kathy, và sau lần hiến thứ tư cũng ra đi. Kathy tiếp tục công việc của người chăm sóc trước khi thực hiện nghĩa vụ của kẻ hiến, cô phóng xe vùn vụt qua những con đường u ám, một cách đơn độc, và kể cho chúng ta nghe câu chuyện này từ những mảng ký ức quên nhớ.

Được xây dựng trên một cốt truyện giả tưởng với chủ đề chống cái không tưởng, "Mãi đừng xa tôi" trước hết gây xúc động sâu xa với mỗi người đọc bởi thân phận của các nhân vật trong tác phẩm: những bản sao vô tính được tạo ra chỉ để hiến tạng. Câu chuyện về những con người khiếm khuyết, những con người không được làm Người theo đúng nghĩa của từ này đã được Ishiguro khéo léo xâu chuỗi từ những chi tiết nhỏ được đan dệt trong suốt tác phẩm: bài hát "Mãi đừng xa mẹ" và vũ điệu tưởng tượng của Kathy, những con thú được vẽ tỉ mẩn của Tommy, cuộc gặp gỡ với bản gốc của Ruth taị Norfolk…Sự sáng tạo, những hoạt động thường nhật, những xúc cảm, yêu thương, rồi khao khát ấy được kể lại một cách tỉ mẩn, với giọng điệu bình thản như mặt biển sóng ngầm càng khiến cho cái kết “đã được định đoạt” của mỗi kiếp người khiếm khuyết ấy có sức lay động và ám ảnh người đọc.

Mãi đừng xa tôi không phải là một cuốn sách hấp dẫn ngay từ những trang đầu tiên. Lối kể nhẩn nha, kết nối những mảng ký ức quên nhớ của Kathy H thoạt đầu khiến người đọc cảm giác khó nắm bắt được mạch truyện. Tuy nhiên, càng đi sâu vào tác phẩm, cách kể ấy thể hiện được ưu thế của mình, nó giúp gạn lọc lại những gì là sâu đậm nhất với nhân vật, nó là lời khẳng định rằng với những kiếp người “đã được định đoạt” và không có tương lai ấy, quá khứ là tất cả với họ, là trải nghiệm, là hạnh phúc và cũng là nguồn an ủi. Bên cạnh đó, các chi tiết từ quá khứ, đã bị tước bỏ sự chính xác tuyệt đối về mặt thời gian, tạo được độ nhòe mờ nhất định khi đươc xếp lớp với mọi dạng cảm xúc cũng như suy nghĩ của người kể trong thực tại, vì vậy, những chi tiết ấy thường có tính ẩn dụ cao: ví dụ như chi tiết về nỗi sợ rừng của bọn trẻ ở Hailsham, chi tiết về trò cưỡi ngựa tưởng tượng của Ruth và Kathy…

Một nét nổi bật nữa làm nên thành công của cuốn sách này đó là khả năng tạo dựng không khí đặc trưng cho tác phẩm. Vẻ u ám, lạnh lẽo, có phần bí ẩn và đơn độc trong Mãi đừng xa tôi được tạo nên bởi những câu chuyện kinh dị về rừng cây đổ bóng xuống Hailsham, bởi bầu trời trĩu nặng và vẻ rột nát của khu Nhà Tranh, bởi cuộc sống quẩn quanh, co cụm, ngơ ngác trước thế giới bên ngoài của những người hiến tạng, đặc biệt, bởi sự biến mất của Hailsham khiến nó được truyền tụng như một không gian ảo-không gian mà Kathy thỉnh thoảng vẫn ngơ ngẩn đi tìm trên những nẻo đường heo hút.

Kazuo Ishiguro là nhà văn người Anh, gốc Nhật Bản. Tài năng và niềm say mê đã mang lại cho ông những thành công đầu tiên trên văn đàn. Tính cho đến nay, ngoài một số kịch bản, truyện ngắn, Ishiguro đã có sáu tiểu thuyết và nhiều giải thưởng văn học đáng chú ý.

Nhật Thảo