Mắc vạ vì xiếc rởm

ANTĐ - Liên tục bị mạo danh, không chỉ ở các tỉnh xa mà ngay tại Hà Nội, Liên đoàn Xiếc Việt Nam vốn đã khó khăn giờ lại càng khó khăn hơn với nạn “hàng giả, hàng nhái”.

Mắc vạ vì xiếc rởm  ảnh 1Ngang nhiên căng băng rôn giả mạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Hứng đòn vì tưởng xiếc lừa

Mạo danh Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đành, các gánh xiếc “cỏ” cũng chẳng vì thế mà ngần ngại quảng cáo chương trình. Không chỉ cho người ôm loa ra rả mời chào tới từng ngóc ngách, các gánh xiếc này còn chở voi trên xe ô tô, đi diễu trên đường nhằm gây sự chú ý của người dân. Thế nhưng, đến khi biểu diễn, chất lượng thật-giả khi ấy mời lộ ra.

Xiếc đâu chẳng thấy, chỉ thấy múa may quay cuồng. Đặc biệt, các màn xiếc thú vốn được coi là đặc sản của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã lộ rõ “hàng giả, hàng kém chất lượng”. Voi đá bóng nhưng thực chất là quản tượng phải đá bóng hộ voi, gấu đi xe máy nhưng ra diễn thì người dạy thú cũng phải… làm hộ. Trang phục diễn viên nhom nhem. Thậm chí, có gánh xiếc còn không chuẩn bị ghế cho khán giả, muốn có chỗ ngồi, người xem bắt buộc phải thuê. 

Mắc vạ vì xiếc rởm  ảnh 2

Tiết mục của Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng - Liên đoàn Xiếc Việt Nam thường bị giả mạo để quảng cáo 

Cách làm ăn chộp giật của xiếc giả đã khiến xiếc thật phải chịu hậu quả. Các nghệ sỹ tham gia chuyến lưu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam năm 2013 vẫn còn nhớ kỷ niệm đau thương khi bị khán giả Hải Phòng đuổi đánh ngay trên sân khấu chỉ vì cho rằng, đây chính là gánh “xiếc lừa” tháng trước, khiến nhân dân địa phương bức xúc. Một lần khác, Liên đoàn Xiếc Việt Nam về Ninh Bình biểu diễn nhưng rồi buộc phải hủy “sô” cũng bởi trước đó, có một gánh xiếc đã “gắn mác” Liên đoàn Xiếc và biểu diễn quá dở khiến người dân mất niềm tin. 

Chia sẻ về vấn đề nhức nhối này, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Tại những địa phương như vậy, chúng tôi thường phải biểu diễn ít nhất 2 buổi trở lên để lấy lại niềm tin. Buổi diễn đầu tiên để người dân tới xem, thấy đúng là các nghệ sỹ của Liên đoàn thì buổi sau thường đông nghịt khán giả. Nhưng có khi, các nghệ sỹ xiếc “xịn” vừa đi khỏi thì một gánh xiếc ở đâu tới lại tái diễn đúng bài cũ.

Đối phó với xiếc “nhái”

Chuyện xiếc rởm mạo danh xiếc thật, không chỉ ở các tỉnh xa mà ngay  tại Hà Nội, Liên đoàn cũng thường xuyên bị ăn cắp thương hiệu. Gần đây nhất là việc phát hiện Công ty Phong Luân giả mạo giấy tờ và mạo danh biểu diễn xiếc tại Chương Mỹ, Hà Nội. NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam khẳng định thêm: “Chỉ những vùng ven Hà Nội hoặc các địa phương lân cận, chúng tôi mới cho người xuống xác minh và phối hợp cùng các đơn vị chức năng để xử lý vụ việc. Còn với các tỉnh xa, liên đoàn không đủ nhân sự và kinh phí để với tới”. 

Bà Nguyễn Thanh Thúy, cán bộ Phòng Quản lý Văn hóa Sở VH-TT Hà Nội cho biết: “Chúng tôi không thể đi theo kiểm soát hết chất lượng của các chương trình được sở cấp phép khi họ đi lưu diễn ở nhiều địa phương khác. Tuy nhiên chúng tôi cũng lắng nghe dư luận và thông tin phản hồi từ đường dây nóng cũng như từ địa phương để nắm bắt được các hoạt động tổ chức biểu diễn của các công ty đã được sở cấp phép”. 

Trong khi các cơ quan chức năng đang loay hoay ngăn chặn việc các gánh xiếc mạo danh Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì đời sống của các nghệ sỹ chân chính đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nguồn thu của Liên đoàn chủ yếu trông chờ vào các chuyến lưu diễn. Quan trọng hơn cả, để có thể đứng trên sân khấu xiếc, một diễn viên phải trải qua chuỗi ngày học tập, rèn luyện khổ cực, thậm chí phải đánh đổi bằng cả nước mắt và máu, chứ không phải bỗng dưng mà thành tài.   

Trước thực trạng này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có biện pháp đối phó với nạn “hàng nhái” bằng cách… tự thân vận động. Đầu tiên là đưa ra mẫu chuẩn về rạp lưu động để người dân dễ dàng phân biệt. Bên cạnh đó, việc quảng cáo các chương trình biểu diễn cũng được tiến hành theo đúng với quy định, không có chuyện ôm loa đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để rao bán vé. Lãnh đạo Liên đoàn Xiếc khẳng định, nếu có chương trình nào mà ôm loa đi rao ra rả ngoài đường thì nhất định đó là xiếc rởm.