Nghệ sỹ nhạc jazz Quyền Thiện Đắc:

Lý lẽ về sự “điên”

ANTĐ - Thừa biết việc tổ chức đêm nhạc jazz “À ơi” vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ lỗ nhưng Quyền Thiện Đắc vẫn làm tới cùng. Sau đêm nhạc nhiều người bảo Đắc điên với số lượng vé mời phát ra nhiều hơn vé bán. Và anh đã có những lý lẽ rất riêng về sự điên của mình.
Lý lẽ về sự “điên”  ảnh 1

Không quan trọng lỗ lãi

- PV: Biết lỗ vẫn làm, dường như Quyền Thiện Đắc thích rong chơi cùng jazz hơn là sống bằng jazz?

- Quyền Thiện Đắc: Tôi không nghĩ các cuộc biểu diễn jazz là để kinh doanh. Tôi muốn tổ chức thật nhiều các cuộc biểu diễn rầm rộ để đông đảo công chúng biết tới nhạc jazz của Việt Nam. Trước khi “À ơi” diễn ra, tôi đã nói chuyện với “ông cụ nhà tôi” (nghệ sỹ kèn saxophone Quyền Văn Minh - PV) rằng đã làm nghề thì xác định theo nghề, không quan trọng việc lỗ - lãi. Nếu như theo cách mọi người nói thì “ông cụ nhà tôi” cũng “điên” từ lâu. Vào thời điểm những năm 1989, bố tôi tổ chức các chương trình biểu diễn jazz mà chỉ dám gọi là nhạc nhẹ đã rất nhiều người bảo điên, bởi khi đó, mấy ai biết tới jazz huống chi nói tới việc bỏ tiền túi mua vé vào nghe jazz. Nhưng cũng may, đất nước mở cửa, giao lưu văn hóa mở rộng nên nhạc jazz cũng được đón nhận. 

- Khi còn độc thân, anh hy sinh cho nhạc jazz. Nhưng khi đã có vợ, anh sẽ đảm bảo cuộc sống vật chất như thế nào? 

- Tôi mới cưới vợ được 1 tuần trước khi đêm nhạc diễn ra. Vợ tôi cũng đang tìm việc làm. Nếu chỉ có 2 vợ chồng thì ăn uống chẳng đáng bao nhiêu. Nhà thì có rồi và tiện nghi đầy đủ. Nhưng nếu vì lấy vợ mà ảnh hưởng đến làm nghề và sự yêu thích jazz thì không. Khi đã cưới vợ, tôi sẽ chín chắn hơn và tìm nhiều cách để lo cho cuộc sống gia đình ổn thỏa. 

- Đêm nhạc “À ơi” lỗ như thế, anh có sợ không đủ chi phí để đưa vợ đi tuần trăng mật?

- Tôi đã đặt kế hoạch biểu diễn và lấy vợ cách đây cả tháng. Khoản nào đi khoản nấy. Hơn nữa, việc tổ chức đêm nhạc có cha tôi đứng sau “đau đầu” hộ, còn tôi chỉ việc tập trung cho âm nhạc. Biểu diễn với jazz chỉ là một trong những nguồn sống thứ yếu của tôi. 

Muốn jazz giống như phở Hà thành

- Được đào tạo bài bản về nhạc jazz tại nước ngoài nhưng anh đã lựa chọn Việt Nam để trở về.

- 3 năm học đại học tại Mỹ và 2 năm học thạc sỹ tại Thụy Điển, tôi đã thấm thía nỗi buồn và sự cô đơn đặc biệt là vào mỗi dịp Noel. Ở Việt Nam, tôi có gia đình và tất cả mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Không có cớ gì để tôi lưu lại lâu ở xứ người. Về Việt Nam tôi sẽ cùng với cha mình - nghệ sỹ Quyền Văn Minh phát triển jazz của Việt Nam, một dòng jazz không trộn lẫn với bất kỳ thể loại jazz nào trên thế giới. Chỉ cần đánh lên một bản nhạc, khán giả có thể phát hiện ngay ra đây là nhạc jazz Việt Nam. 

- Làm thế nào anh có thể thoát khỏi cái bóng của cha mình và khẳng định một phong cách âm nhạc riêng biệt? 

- Hiện giờ thì tôi vẫn đứng dưới bóng của cha mình đấy chứ! (cười). Cha tôi học jazz bằng cách tự mày mò còn tôi được đào tạo. Về kỹ thuật, hiện nay tôi đã vượt cha mình nhưng còn nhiều điều khác thì còn thua xa. Các bản nhạc jazz do chính tôi sáng tác thường không đi sâu vào vùng miền nào mà tôi muốn mở rộng ra làm sao để jazz hòa quyện cùng với âm nhạc dân gian. Nhưng như bạn thấy ở đêm nhạc “À ơi” thì dường như vẫn còn sượng lắm. Để khắc phục được điều này, tôi cần có thời gian và tích lũy thêm vốn âm nhạc dân gian Việt Nam. 

- Điều mà anh còn thấy thua xa nghệ sỹ Quyền Văn Minh là gì? 

- Đó là tính kiên nhẫn. Tôi và cha cùng giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia nhưng trái ngược với ông cụ, tôi không có đủ kiên trì và nhẫn nại để giảng dạy các em học sinh từ abc. Tôi có giao kèo với ông cụ là: bố dạy từ abc còn khi nào kha khá thì con dạy tiếp. Tôi học biểu diễn chứ không học sư phạm nên có lẽ đấy là điểm yếu khi đứng trên giảng đường để dìu dắt các em. 

- Nếu ví nhạc jazz như một món ăn, anh muốn đưa jazz Việt Nam trở thành món ăn gì? 

- Tôi muốn jazz Việt Nam sẽ trở thành món phở Hà Nội nức tiếng, chỉ ăn một lần rồi nhớ mãi. Và được công chúng tìm đến để nghe một bản nhạc hay như khi ta nhớ món nước dùng trong leo lẻo và ngọt thơm của phở. 

 -  Xin cảm ơn anh!