Lý giải nguyên nhân tranh khỏa thân Việt liên tục lập kỷ lục trên sàn đấu giá quốc tế

ANTD.VN - Các bức tranh khỏa thân thời kỳ mỹ thuật Đông Dương đã lập những cột mốc rất đáng ngưỡng mộ trên sàn đấu giá quốc tế. Điểm độc đáo hút khách của các bức tranh ấy chính là tinh thần đậm chất Á Đông được các họa sĩ mạnh dạn sáng tác cách đây ngót trăm năm, khi mà quan niệm của xã hội về thể loại này còn chưa thật cởi mở…

Tác phẩm hội họa Việt Nam đạt giá cao nhất từ trước tới nay trên sàn đấu giá quốc tế đã thuộc về một tác phẩm tranh khỏa thân của Lê Phổ. Tại phiên đấu giá Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại tại Christie’s Hong Kong ngày 26/5, bức “Nue” của họa sỹ Lê Phổ đã được bán với giá 1,4 triệu đô.

Bức "Nue" của Lê Phổ được bán với giá 1,4 triệu đô

Cũng tại sự kiện này, bức Tắm biển, một tác phẩm khỏa thân khác của Lê Phổ cũng được bán giá hơn 500.000 USD. Bức Nue  có chất liệu sơn dầu, kích thước 90,5 cm x 180,5 cm, được sáng tác năm 1931. Bức Tắm biển có chất liệu lụa bồi giấy, kích thước 88 cm x 56,5 cm, được sáng tác khoảng năm 1938, lấy cảm hứng từ chuyện công chúa Tiên Dung vượt qua ràng buộc lễ giáo để đến với tình yêu.  

Trước đó, vào tháng 3/2018, bức tranh nude “Nghỉ ngơi sau tắm” của Vũ Cao Đàm, đã được bán với giá 630 USD, tương đương 14 tỷ đồng tại phiên đấu giá của nhà Sotheby’s (Hong Kong). Vào tháng 5/2018, bức “Nhà tắm” của Lê Phổ cũng được bán với giá gần 6 tỷ đồng tại phiên đấu giá “Nghệ thuật châu Á thế kỷ 20: Tiếng nói từ phương Đông và phương Tây” do nhà đấu giá Christie tổ chức.

Bức “Nghỉ ngơi sau khi tắm" của họa sĩ Vũ Cao Đàm có giá hơn 14 tỉ đồng

Thực tế, có nhiều bức tranh khỏa thân của họa sĩ Việt được bán với giá hàng chục tỉ đồng. Giới chuyên môn nhận định, tranh khỏa thân của  họa sĩ Việt Nam đã có một bước đi lớn bởi từ chỗ chưa được đánh giá cao đã có đạt một vị trí trang trọng tại các buổi đấu giá quốc tế. 

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long, tranh khỏa thân do các họa sĩ Đông Dương thể hiện mang nhiều nét riêng biệt. Các nghệ sĩ vẽ theo lối liễu yếu đào tơ, e ấp, ngây thơ dù thể hiện đề tài khỏa thân. Điều này không có ở các bức tranh nude ở phương Tây. Có lẽ vì điều ấy, mỗi phiên đấu giá quốc tế, các tác phẩm khỏa thân luôn được chú ý và cán mốc ngoạn mục.

Nhưng cũng cần thấy rằng, tranh khỏa thân không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác cũng luôn tạo nên những đột biến tại các phiên đấu giá nghệ thuật quốc tế. Vào tháng 5/2018, bức tranh khỏa thân nằm nghiêng của họa sỹ người Ý, Amedeo Modigliani đã được bán với giá 157 triệu USD. Điều đó mở ra  nhiều tương lai sáng lạn cho tranh khỏa thân Việt Nam tham gia thị trường nghệ thuật quốc tế.

Bức “Dáng ngọc” của họa sỹ Nguyễn Huyến được bán với giá 45.000 USD tại phiên đấu giá trong nước do nhà đấu giá Chọn tổ chức

Ông Trần Quốc Hùng, đại diện Nhà đấu giá Chọn cho biết, tranh khỏa thân là đỉnh cao của nghệ thuật hội họa. Tranh khỏa thân từng xuất hiện tại Việt Nam rất sớm. Năm 1967, bức sơn mài “Dáng ngọc” của họa sĩ Nguyễn Huyến với hình ảnh khỏa thân về một người phụ nữ đẹp đã tạo nên bước đột phá của hội họa Việt Nam thời kỳ đó.

Mới đây, tác phẩm này cũng đã được bán với giá 45.000 USD. “Dù đây vẫn là cái giá trung bình đối với tranh Nguyễn Huyến nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng đối với dòng tranh khỏa thân", ông Hùng cho hay.

Hiện nay, các họa sỹ Việt theo đuổi dòng tranh khỏa thân vẫn không ngừng tăng lên. Nhưng cái chất ngây thơ, cái tinh thần của các họa sỹ Đông Dương đã hoàn toàn biến mất và thay thế vào đó là cái nhìn mạnh mẽ, trực diện và hiện đại hơn.

Tuy nhiên, trong nghệ thuật, việc giữ được chất riêng và bản sắc hội họa trong tác phẩm chưa bao giờ là thừa. Sự biến hóa, linh hoạt trong ngôn ngữ hội họa hoàn toàn phụ thuộc vào các nghệ sĩ, những chủ thể sáng tạo của thời đại.