Lung linh nỗi nhớ

(ANTĐ) - Như một thói quen, mỗi người dân Hà Nội khi đi qua hồ Gươm đều ngước nhìn bảng đồng hồ đếm ngược với một tình cảm đặc biệt, để biết được còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến Lễ kỷ niệm Thăng Long nghìn năm tuổi.

Lung linh nỗi nhớ

(ANTĐ) - Như một thói quen, mỗi người dân Hà Nội khi đi qua hồ Gươm đều ngước nhìn bảng đồng hồ đếm ngược với một tình cảm đặc biệt, để biết được còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến Lễ kỷ niệm Thăng Long nghìn năm tuổi.

Náo nức, tự hào, chờ đón... Ai cũng muốn góp một chút gì dù nhỏ nhoi nhất để ngày Đại lễ thêm trang trọng, hào hùng. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã được trình làng và còn bao nhiêu tác phẩm khác đang hoàn thiện để đến ngày 10 tháng 10 năm 2010 sẽ được công chúng và bạn bè gần xa đón nhận trong niềm vui chung.

Hà Nội đang trải qua một đợt nắng nóng gay gắt nhất sau mấy chục năm mới trở lại. Điều đó không hề cản trở những cảm xúc về Hà Nội. Chiều ấy tôi viết tiếp một Ca khúc mới về Hà Nội: “ Những khoảng trời xanh bay vào phố cổ. Em đi bên tôi rạng rỡ nụ cười...”. Trong veo một giai điệu, mặn nồng những hợp âm và đắm đuối một thủ pháp phối khí. Tất cả ùa vào căn gác nhỏ trên đường Mai Hắc Đế để thêm yêu Hà Nội và để nhớ về em...

Hà Nội, Thăng Long, Đông Đô... Dù gọi bằng tên nào cũng đều thân thương như thế, vì đó là nguồn cội của cảm xúc là niềm tự hào lớn lao cho mọi thế hệ. Ngựa hí, voi gầm và tiếng những bước chân rầm rập của người lính dưới ngọn cờ của bao nhiêu thủ lĩnh, tướng tài thuở xa xưa đang hiện về đây đó và ngày nay những phi cơ phản lực, tên lửa, chiến hạm đang ngày đêm giữ yên bờ cõi, giang sơn gấm vóc Việt Nam. Những nốt trầm trên đàn piano đan xen với âm thanh trong trẻo thơ mộng của âm vực cao như đang ngân lên một bài ca về tình yêu về đất nước, con người trên giải đất hình chữ S.

Con tiếc là má đã đi xa không được chứng kiến ngày hôm nay. Má đã se tơ, dệt vải nuôi con khôn lớn, câu thơ lục bát giản dị má tặng cho con những năm tháng xa nhà... Con đã nhớ về một thời thơ dại với những chiều thả diều trên bờ đê, đánh khăng, đánh đáo với lũ bạn cùng lớp mỗi lần ra chơi. “Bên những hàng tre là mái tranh mang tình mẹ, là câu đồng dao hát về tháng năm được mùa. Mẹ như cành lá che con nghìn ngày mưa nắng, sông vẫn đi về vẫn mang tình mẹ bên con...”. Con đã hát những lời này cho má nghe, và trong mơ con thấy má cười, nụ cười đôn hậu của một người mẹ Việt Nam cần cù lam lũ.

Vở diễn “Hai người mẹ” Nhà hát Cải lương Hà Nội đang dựng. Quang Hùng là đạo diễn có mời tôi viết nhạc là vở diễn về đề tài chiến tranh những năm 60 ở một vùng sông nước Nam bộ. Tác giả Lê Thu Hạnh đã khắc hoạ hai người mẹ Việt Nam yêu nước, thương con. Hai người mẹ ấy có những đứa con ở hai chiến tuyến và thật oan nghiệt khi hai đứa trẻ lớn lên lại nảy nở một tình yêu. Sang và Thương trong lần hò hẹn ở bến sông, có tiếng đạn nổ và hoả châu. Họ vẫn yêu thương nhau, con tim vẫn thổn thức một lời hò hẹn. Nhưng cuộc chiến tranh này đã chia họ về hai phía với những lý tưởng khác nhau. Trong đêm khuya im vắng trên một chiếc cầu gẫy hai chị em Thương bàn với nhau: Nếu chị hy sinh trước thì em phải làm gì và nếu em hy sinh trước thì chị sẽ thay em gánh vác việc còn lại... Họ đi vào cái chết thanh thản, trong sáng như thế đó. Vở diễn cũng là tác phẩm chào mừng Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm.

Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chiều nay vắng vẻ, những tia nắng chói chang lọt qua kẽ lá rơi xuống mặt đường. Một tiếng chim sâu lạc lõng bay vào không gian. Trời không có gió. Từng hàng cây đứng lặng yên cố ngăn cái nóng cho những bước chân vội vã, hối hả đi qua. Nơi ấy em vẫn đi về, tóc xoã  trên vai. Em chạm vào kỷ niệm một thời ta đi bên nhau, tay tôi cũng chạm vào một phím đen trên đàn dương cầm. Lung linh nỗi nhớ những chiều Hà Nội ta có nhau, da diết một chiều mưa bâng khuâng trên con đường nhỏ vào phủ Tây Hồ...

Tôi yêu Hà Nội và tôi yêu em.

Nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang