Lùm xùm tranh giả-thật, vẫn tự tin đưa lên sàn đấu giá

ANTD.VN - Kết thúc phiên đấu giá số 5 tại Nhà đấu giá Nghệ thuật Chọn, bức “Phố cũ” ký tên danh họa Bùi Xuân Phái - bức tranh  tạo nên nhiều tranh luận thật-giả đã được nhà sưu tầm Phùng Quang Việt mua với giá 12.500 USD. Ông Vũ Tuấn Anh - người sáng lập, Giám đốc điều hành Nhà đấu giá Nghệ thuật Chọn đã có cuộc trò chuyện với phóng viên  Báo An ninh Thủ đô về phiên đấu giá này.

Lùm xùm tranh giả-thật, vẫn tự tin đưa lên sàn đấu giá ảnh 1

Thưa ông, với kết quả thu được, hẳn là cuộc đấu giá đã rất thành công?

Tôi rất vui. Số lượng người tham dự phiên đấu giá này đông hơn các phiên trước, khoảng 150 người so với thông thường khoảng 110 người. Trong phiên đấu có nhiều lúc gay cấn và thay đổi các thái cực cảm xúc. 

Có khi nào người đến đấu giá sau khi giành chiến thắng lại bỏ, không trả tiền mua bức tranh không?

Tình huống này chưa xảy ra ở Chọn. Những người mua sẽ phải thanh toán cho nhà đấu giá trong vòng 1 - 2 tuần. Trước phiên, họ  cũng đã ký “Hợp đồng đặt cọc tham dự phiên đấu giá Nhà đấu giá Nghệ thuật Chọn”. Nếu không thanh toán sau khi đấu thắng thì khách hàng sẽ mất tiền cọc, chúng tôi cũng sẽ cung cấp các thông tin đó trước các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện tại, tại Nhà đấu giá Chọn chưa có trường hợp nhà sưu tầm “bỏ của chạy lấy người”. Những người sưu tầm muốn tham gia đấu giá đều phải đặt cọc thấp nhất 5% và không quá 20% giá khởi điểm của bức tranh họ muốn đấu giá.

Liệu có phải bất kỳ ai dự đấu giá cũng phải đặt cọc như vậy, thưa ông?

Không. Chúng tôi chia những người tới tham gia đấu giá gồm 2 nhóm. Một nhóm tới để quan sát, tìm hiểu thông tin hoặc họ chưa có khái niệm về đấu giá, thấy quá mới và muốn xem (họ cũng là một khách hàng tiềm năng của chúng tôi sau này) hoặc nhà đầu tư nghệ thuật tới để xem động thái của thị trường… họ không phải đặt cọc và không được phát thẻ đấu giá. Đã không được phát thẻ thì không được giơ tay, giơ tay cũng không có ý nghĩa gì. Những người muốn đến đăng ký để đấu giá thì mới được phát thẻ và phải đặt cọc.

Lùm xùm tranh giả-thật, vẫn tự tin đưa lên sàn đấu giá ảnh 2Khách hàng Hà Huy Thanh (SN 1982) đấu thắng bức “Tình yêu đầu tiên” với giá 41.000 USD

Trước phiên đấu giá, đã có những lùm xùm về chuyện giả hay thật quanh bức tranh “Phố cũ”. Làm thế nào mà nhà đấu giá vẫn tự tin đưa bức tranh đó lên sàn?

Nhiều lý do lắm. Nói về con người, chúng tôi thuộc thế hệ trẻ, những người đầu tiên, dũng cảm và biết tin tưởng. Không ai lại thả 1 tỷ đồng vào đây để chờ đợi một điều không rõ ràng. Một khi đã dám dấn thân vào  một trò chơi còn rất mới ở Việt Nam, tôi muốn góp phần xây dựng một thị trường mỹ thuật. Tôi không sợ rằng người ta nhìn nhận về mình không đúng. Tôi chỉ sợ mình làm sai cái tâm của mình đi.

Tại sao Nhà đấu giá Nghệ thuật Chọn lại bí mật danh tính của hội đồng thẩm định?

Vì người trong hội đồng thẩm định yêu cầu bí mật. Họ không muốn xuất hiện và  cũng chẳng được lợi lộc gì. Người ta chỉ hỗ trợ nhà đấu giá và được trả một phần phí nhỏ bé (trong điều kiện nhà đấu giá chưa thể trả họ cao). Một quyết định của người thẩm định có thể ảnh hưởng đến gia tài của người khác nên người trong hội đồng thẩm định không muốn “ăn đòn”. Việt Nam chưa có hành lang pháp lý bảo vệ những người thẩm định. Tất cả mọi phán quyết, nhà đấu giá đều đối thoại. Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm đưa ra lời khuyên, tư vấn cho ban lãnh đạo, người phát ngôn là ban lãnh đạo.

Vậy người mua phải tin vào đâu, thưa ông?

Người mua là những người thông minh và họ phải cân nhắc kỹ khi bỏ ra hàng chục nghìn USD. Họ quan tâm tới thương hiệu nhà đấu giá. Nhà đấu giá là một sự khẳng định, sự đảm bảo. 

Ông có thể cho biết, ngoài đấu giá nghệ thuật ra, Nhà đấu giá Chọn sẽ đấu giá những gì khác nữa?

Nhà đấu giá Nghệ thuật Chọn trước nay chỉ đấu các tác phẩm nghệ thuật như tranh, tượng điêu khắc. Chúng tôi luôn muốn đấu giá những gì quý hiếm nhất, tốt nhất, thật nhất đến với người thụ hưởng. Ví như một bức thư nháp của một danh họa hay nhạc sĩ gửi tặng người yêu, một cuốn sách cổ, một chiếc bút Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho một người chiến sĩ cảm tử… Đó không phải mơ ước mà  là kế hoạch hoạt động của chúng tôi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!