Lúc nào tôi cũng kỹ tính...

(ANTĐ) - Gặp NSƯT Anh Tú dễ mà khó. Dễ bởi anh rất cởi mở và luôn sẵn sàng “được phỏng vấn”, nhưng khó bởi lịch làm việc và đi công tác tỉnh ngoài của anh luôn dày đặc. Gặp anh là thấy một con người của công việc, là thấy một niềm đam mê và lòng yêu sân khấu bỏng cháy... đến mức người đối diện bất giác đặt câu hỏi: vậy thì trái tim và thời gian của người đàn ông này còn chỗ dành cho gia đình? NSƯT Anh Tú trầm hẳn xuống khi tôi đặt câu hỏi này với anh, đó là điều khiến mỗi nghệ sỹ say nghề như anh thực sự dằn vặt...

Lúc nào tôi cũng kỹ tính...

(ANTĐ) - Gặp NSƯT Anh Tú dễ mà khó. Dễ bởi anh rất cởi mở và luôn sẵn sàng “được phỏng vấn”, nhưng khó bởi lịch làm việc và đi công tác tỉnh ngoài của anh luôn dày đặc. Gặp anh là thấy một con người của công việc, là thấy một niềm đam mê và lòng yêu sân khấu bỏng cháy... đến mức người đối diện bất giác đặt câu hỏi: vậy thì trái tim và thời gian của người đàn ông này còn chỗ dành cho gia đình? NSƯT Anh Tú trầm hẳn xuống khi tôi đặt câu hỏi này với anh, đó là điều khiến mỗi nghệ sỹ say nghề như anh thực sự dằn vặt...

NSƯT Anh Tú trong một giờ lên lớp với các SV trường Cao đẳng nghệ thuật HN
NSƯT Anh Tú trong một giờ lên lớp với các SV trường Cao đẳng nghệ thuật HN

- Cái được lớn nhất của anh - một đạo diễn được coi là trẻ mà có tới 2 vở diễn tham dự  Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc là gì vậy?

- Đó là tôi thực sự được làm nghề ở một cung bậc mới, vị trí mới: đạo diễn. Tôi đã từng tham gia nhiều liên hoan sân khấu trong nước nhưng lại ở vị thế là diễn viên hoặc là người quản lý đoàn có tác phẩm dự thi. Lần này, với vai trò đạo diễn, tôi có hai vở diễn tham gia liên hoan sân khấu thử nghiệm đầu tiên trong nước. Đó là vở “Trấn cổ Loa thành” và “Sang sông” hay còn gọi là “Đến bờ bên kia”, với hai tác phẩm này tôi đã có dịp bộc lộ khả năng của mình, tự khai thác mình, được làm việc với những nghệ sỹ lớn trong nước.

- Vở “Sang sông” mà anh dàn dựng là tác phẩm gây tranh cãi nhiều nhất trong liên hoan vừa rồi. Anh nghĩ thế nào khi “đứa con tinh thần” của mình lại tạo nên những ý kiến trái chiều?

- Nếu là bạn thì bạn sẽ nghĩ thế nào? Tôi cho rằng mỗi người có một quan điểm riêng. Khi biết được rằng vở diễn mà mình dàn dựng gây xôn xao, tranh cãi như thế thì đầu tiên là tôi thấy rất mừng. Bởi “đứa con tinh thần” của mình đã được chú ý đến, dù nó có thể có những thành công hay có những hạn chế chưa thỏa mãn được người xem - mà người xem ở đây chủ yếu là báo giới, đồng nghiệp, các thầy cô trong ngành.

- Khi nhận kịch bản “Sang sông” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, chắc hẳn anh cũng nắm rõ những chi tiết nhạy cảm trong tác phẩm này. Anh có bị áp lực gì từ những chi tiết nhạy cảm vẫn còn lại trong kịch bản không?

- Tôi không thấy áp lực nhiều lắm. Bởi vì những chi tiết nhạy cảm trong vở “Sang sông” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tôi cũng đã gặp nhiều khi dựng ở đâu đó những vở diễn khác. Phải tìm cách xử lý nó sao cho ổn thỏa nhất thôi. Những điều nhạy cảm trong kịch bản của Nguyễn Huy Thiệp không đáng lo ngại, mà cái đáng lo nhất là mình có làm bật được ý tưởng của ông lên không.

- Và anh có nêu bật được ý tưởng của tác giả kịch bản lên như mong muốn?

- Tôi nghĩ là mình đã làm được. Vấn đề con người với con người, con người trăn trở với những hệ tư tưởng cũ - mới như thế nào. Trong vở “Sang sông”, hệ tư tưởng cũ là cả những giá trị tốt đẹp và những cái chưa được tốt đẹp, cả những điều rất hay và những hủ tục, thủ cựu của quá khứ. Không thể nhìn một cách phiến diện.

Tôi đã theo sát được tinh thần ấy: con người nhìn nhận giá trị của nhau trong cuộc sống như thế nào, nhìn nhận về những giá trị cũ - mới như thế nào, và điều quan trọng là cần phải bình tĩnh để vượt qua những khó khăn để đến được một bờ bến khác. Bến bờ khác ấy luôn luôn là khát vọng muôn đời, là những gì tinh khôi nhất, trắng trong nhất, đầy hạnh phúc - đam mê - tình người. Dù là khát vọng ở bến bờ ấy chỉ là ảo tưởng, nhưng mình phải có quyền nghĩ về nó, về những gì tốt đẹp hơn.

- Nhưng với vở diễn này, giới chuyên môn lại cho rằng anh đã ôm đồm nhiều quá, tham lam quá...?

- Làm thế nào khác được? Tôi phải “ôm” nó chứ, bằng ấy tư tưởng của nhà văn mà tôi cần “tải” trọn vẹn chứ. Vấn đề là tôi có “tải” được hết hay không. Và tôi đặt câu hỏi: tại sao tôi lại không nên “ôm đồm” nhỉ? Có ý kiến cho rằng những gì tôi dàn dựng là thừa thãi, nhưng tôi không thấy thừa. Ngay trong dư luận cũng nhiều ý kiến trái chiều, điều này làm tôi thấy thú vị lắm.

Có người thì xúc động, mừng rỡ bắt tay tôi và khen ngợi. Nhưng cũng có ý kiến chê tôi thẳng thừng, chê tôi tham, chê vở diễn với những sự suy diễn... Nhưng cuối cùng, đọng lại, tôi vẫn thấy sự thú vị bởi những ý kiến trái chiều như thế, rồi sau đó tôi cũng phải suy nghĩ lại, băn khoăn để rút kinh nghiệm cho những tác phẩm sau.

- Sự rút kinh nghiệm ấy được đúc lại ở những điểm nào?

- Tôi không hề cực đoan hay bảo thủ. Qua lần này, tự tôi thấy rằng lần sau mình phải cố gắng làm một tác phẩm mà cái mặt trái chiều phải ít đi, phải có được sự đồng thuận. Như vậy sẽ trọn vẹn hơn.

- Anh lại vừa hoàn thành một vở diễn khá “hot” cho Nhà hát kịch Việt Nam. Đó là một vở diễn đã từng được dựng và công diễn khá thành công trong sân khấu Idecaf (TP.HCM). Anh có thấy khó khi “Bắc hóa” vở “Hợp đồng mãnh thú” này không?

- Khi Nhà hát kịch Việt Nam mời tôi dàn dựng vở “Hợp đồng mãnh thú” hay còn có tên khác là “Gái hạng sang” của nhà văn Lê Hoàng, tôi thấy vui và hạnh phúc lắm. Vì dù tuổi đời đã đến ngưỡng trung niên, nhưng tôi vẫn là đạo diễn trẻ - một người không thuộc biên chế của Nhà hát vốn được coi là “Anh cả đỏ” trong nước, được Nhà hát mời về dựng vở.

 Đây là một thử thách đối với tôi. Tôi cũng biết các đồng nghiệp trong sân khấu Idecaf đã làm và có những thành công của họ. Tôi mới chỉ nghe dư luận chứ chưa xem. Điều này đã kích thích tôi làm một bản diễn bám sát kịch bản của nhà văn Lê Hoàng nhưng phải hợp với Nhà hát kịch Việt Nam, hợp với khán giả miền Bắc. Hiện vở diễn đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép, một số hợp đồng biểu diễn đã được ký kết rồi. Tôi rất mừng.

- Vừa làm đạo diễn, vừa làm diễn viên, lại làm giảng viên của trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Anh có bị “lẫn lộn” giữa các vai trò này không? Có khó khăn để sắp xếp thời gian cho từng phần việc không?

- Tôi không thấy khó khăn gì, chỉ thấy thuận lợi thôi. Tôi làm một nghệ sỹ biểu diễn có tài thì tôi sẽ có những kiến thức giúp mình khi làm việc với các nghệ sỹ khác trên cương vị đạo diễn. Tôi biết mình nên làm hay không nên làm gì đối với diễn viên. Tôi đã là diễn viên rồi thì tôi sẽ hiểu cả những ngóc ngách về tâm lý của diễn viên. Ngược lại, khi đi học làm đạo diễn, tôi thu nạp nhiều kiến thức về nghề khiến tôi diễn được sâu hơn.

Bởi thế, khi diễn lại một số vai trong vở cũ, chính tôi cũng cảm thấy mình vào vai tốt hơn, sâu hơn trước và đồng nghiệp cũng như giới chuyên môn cũng khen ngợi hơn. Điều mừng là tôi không vì làm đạo diễn mà diễn chán đi hoặc ngược lại. Còn việc làm giảng viên, tôi đã dạy khoảng 6-7 năm nay, khi trường Cao đẳng nghệ thuật HN mời. Đến bây giờ, ở nhiều đoàn nghệ thuật đã có những học trò của tôi về đầu quân.

Tôi cũng muốn được truyền nghề, được góp phần đào tạo nên thế hệ diễn viên mới. Ngày 20-11, bố mẹ tôi cũng có học trò đến thăm, tôi cũng có học trò đến chúc mừng, gia đình vui lắm.

- Anh bận rộn như vậy thì thời gian đâu để dành cho gia đình và nghỉ ngơi?

- Tôi nghĩ mình không thể cầu toàn. Tôi có cậu con trai nhỏ, khi tôi về nhà buổi đêm thì cháu đã đi ngủ, và khi cháu dậy đi học thì cũng là lúc tôi ngủ say nhất. Tôi chỉ kịp xoa đầu con mấy cái lúc cháu vừa tỉnh dậy, con trai cũng chỉ kịp đấm đấm bố vài cái để làm tín hiệu rằng bố con đã gặp nhau.

Có những lúc tôi bận quá, không về nhà được, con tôi buồn lắm, lúc tôi gọi điện về, nghe con nói “Con chả yêu bố đâu vì bố cứ đi làm suốt, chả chịu dẫn con đi chơi, đi mua ôtô...” Tôi xót xa lắm. Nhưng cũng vẫn phải cố làm thôi. Cuộc sống khó cầu toàn lắm. Rõ ràng mình lao vào sự nghiệp nhiều, hy sinh thời gian dành cho con cái, gia đình.

Đừng nói là gia đình mình không bị ảnh hưởng, mà là ảnh hưởng nhiều lắm đấy. Hai vợ chồng tôi tuy làm khác ngành nghề nhưng lại đều phải đi nhiều, bận rộn. May là bố mẹ tôi còn khỏe, còn lo được mọi việc trong gia đình.

- Hai vợ chồng anh đều bận rộn, làm khác ngành nghề, đó là ưu điểm hay nhược điểm nhỉ?

- Làm khác nghề nhau là cái hay chứ. Nó làm phong phú cuộc sống. Nếu cả hai đều làm nghệ thuật thì mệt lắm. Cứ đi suốt ngày suốt tháng thì mệt mỏi lắm. Cả hai vợ chồng đều bận rộn quá, nhưng khi được nghỉ ngơi, được ở bên gia đình thì thấy trọn vẹn lắm, giá trị lắm. Nhiều khi tôi nghĩ, gặp nhau cứ ít ít một chút lại đỡ xung khắc.

Chứ tôi và vợ, thời gian đầu mới lấy nhau cứ xung khắc suốt vì cả hai đều “không ai chịu ai”, hiếu thắng lắm. Nhiều khi chỉ vì những việc rất nhỏ mà cũng thành cãi nhau... Cuộc sống cũng phải chấp nhận như vậy thôi.

- Anh nói rằng cuộc sống không thể cầu toàn, nhưng anh vốn có tiếng là khó tính...?

- Bây giờ tôi dễ tính hơn ngày xưa nhiều rồi. Ngày trước còn càu cạu, khó tính. Nhưng bây giờ thấy mình già rồi, trải rồi nên cũng đơn giản hơn. Tuy nhiên, kỹ tính thì không thay đổi. Lúc nào tôi cũng kỹ tính.

- Cảm ơn anh và chúc anh sẽ có thêm những thành công mới trong sự nghiệp của mình!

Trịnh Vy