"Lửa Thiện Nhân" - xúc động trước sự tử tế và lòng tốt ở đời

ANTĐ - Cách đây đúng 1 năm, “Lửa Thiện Nhân” được chọn chiếu khai mạc “Liên hoan phim (LHP) độc lập New York 2014” diễn ra tại Mỹ. Đạo diễn Đặng Hồng Giang tâm sự, khi ấy anh từng hỏi một vị trong Ban tổ chức LHP tại sao trong số hơn 200 phim tham gia lại chọn phim Việt Nam chiếu mở màn và nhận được câu trả lời xúc động rằng: “Vì các bạn đã mang đến cho chúng tôi một câu chuyện quốc tế”.

"Lửa Thiện Nhân" - xúc động trước sự tử tế và lòng tốt ở đời ảnh 1Tỉnh dậy sau 9 tiếng gây mê trong phòng mổ, Thiện Nhân chỉ kịp nói với người mẹ nuôi đã sinh mình ra thêm một lần nữa rằng: “Sau này con sẽ chăm sóc mẹ”…

Hành trình tìm lại Thiện Nhân 10 năm trước

Cho đến tận trước giờ “Lửa Thiện Nhân” chiếu ra mắt tại Hà Nội nhiều người mới biết đây là bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện về “chú lính chì” dũng cảm Thiện Nhân – cậu bé từng bị mẹ bỏ rơi ở khu vườn sau nhà ngay khi vừa lọt lòng, bị động vật ăn mất chân phải và bộ phận sinh dục cách đây 10 năm.

Sau này khi hỏi chuyện mới biết, đạo diễn Đặng Hồng Giang đã âm thầm theo đuổi bộ phim này trong gần 3 năm, lâu đến mức những người trong cuộc như gia đình bé Thiện Nhân phải ngạc nhiên và… sốt ruột. Còn với những khán giả được vị đạo diễn này  mời đến xem buổi chiếu đầu tiên, lại tò mò không hiểu anh sẽ “gói” lại điều gì về Thiện Nhân trong 77 phút phim sau 3 năm miệt mài đằng đẵng ấy. 

Phim được chọn chiếu ra mắt ở rạp Ngọc Khánh, nơi mà một người bạn của đạo diễn Đặng Hồng Giang nói vui là “quá hiểm” vì không phải là sự lựa chọn ưu tiên của người xem Hà Nội. 

"Lửa Thiện Nhân" - xúc động trước sự tử tế và lòng tốt ở đời ảnh 2

Ngay khi những thước phim đầu tiên chạy trên màn chiếu, cuộc đời của  Thiện Nhân được “tua” lại về thời điểm cậu bé bị bỏ rơi và được cứu sống với tấm thân không còn lành lặn, nước mắt đã lăn dài trên má người xem. Người ta khóc vì nỗi đau về thể xác và tinh thần quá lớn mà một đứa bé còn đỏ hỏn như Thiện Nhân phải trải qua khi vừa mới chào đời. Cuộc hành trình tìm lại Thiện Nhân của 10 năm về trước được dẫn dắt qua lời kể của người mẹ nhận nuôi em sau này – chị Mai Anh cùng người cha đỡ đầu của bé - ông Greig Graft và những y bác sĩ đã giúp em kiếm tìm cuộc sống của một đứa trẻ bình thường sau khi đã trải qua hàng chục ca phẫu thuật. 

Bật cười trong nước mắt

Có quá nhiều câu chuyện về Thiện Nhân qua lời kể và cả những hình ảnh tư liệu được ghi lại trong bộ phim này khiến người ta phải rơi nước mắt vì xót thương và hơn cả là vì nể phục. Đó là hình ảnh Thiện Nhân lúc mới 16 tháng tuổi và còn ở với ông bà ngoại ở vùng quê nghèo hẻo lánh Quảng Nam, “chú lính chì” từ nhỏ đã có thói quen nhìn thẳng vào mắt người đối diện khiến người lớn cũng phải “chùn”.

Cũng bởi ám ảnh về ánh mắt đầy “chống chọi” ấy mà người mẹ nuôi của Thiện Nhân sau này đã quyết định nhận em về nuôi dưỡng. Đó còn là câu chuyện về những ngày đầu tiên của Thiện Nhân trong gia đình mới, cậu bé không nói không cười, chỉ rúc vào một góc, chẳng biết ăn gì ngoài cơm nguội và chuối. Rồi đến khi biết ăn thì cậu bé đáng thương này lại ăn bất kể thứ gì mà em tìm thấy, kể cả vớ được miếng thịt sống cũng nhai ngấu nhai nghiến khiến cả nhà phát hoảng. 

Có rất nhiều chi tiết rất thật và thú vị về Thiện Nhân ở trong phim khiến người ta phải bật cười, nhưng là cười trong nước mắt khi nhìn cảnh cậu bé tội nghiệp lạc quan chơi đàn bằng…mông, gọi cậu anh 7 tuổi là “bố”, rồi không chịu ngủ nằm mà mệt quá thì gà gật ngủ ngồi… Càng về sau, phim lại càng lấy đi nhiều nước mắt của người xem. Bởi dù từng được nghe kể hay đọc nhiều bài báo viết về cậu bé này trước đây nhưng có xem bộ phim này rồi mới thấu, để Thiện Nhân có được cuộc sống như ngày hôm nay là cả một hành trình đầy khó nhọc và nước mắt.

Có điều, trong cuộc hành trình ấy, người ta chưa một lần nào thấy Thiện Nhân khóc, cả khi ngồi trên xe đẩy để vào phòng mổ hay tỉnh dậy sau những ca phẫu thuật. Cậu bé cũng muốn tự mình tập đi và còn trở thành cái gối để mẹ dựa vào nằm khi mệt.  Sự bình tĩnh và dũng cảm đến khó tin của Thiện Nhân cũng khiến người ta phải rơi nước mắt. Nhất là khi cậu bé  tỉnh dậy sau 9 tiếng gây mê trong phòng mổ, chỉ kịp nói với người mẹ nuôi đã sinh mình ra thêm một lần nữa rằng: “Sau này con sẽ chăm sóc mẹ” rồi lại lịm đi vì quá mệt. 

Thiên thần mang sứ mệnh đặc biệt

Một người bạn của đạo diễn Đặng Hoàng Giang tiết lộ để có tiền làm bộ phim này, anh đã phải cầm cố nhà cửa. Suốt gần 3 năm đeo đuổi thực hiện bộ phim này, nhiều khi vị đạo diễn này còn khiến những người trong cuộc cảm thấy sốt ruột và mệt mỏi vì quá lâu. Có điều cũng nhờ sự sốt ruột này mà người nhà của Thiện Nhân quyết định đưa cho anh một chiếc ổ cứng ghi lại tất cả những bức ảnh, đoạn video clip về Thiện Nhân mà họ ghi lại được bằng máy ảnh, điện thoại. Những tư liệu này sau đó đã trở thành linh hồn của bộ phim, nói như lời đạo diễn Đặng Hoàng Giang là “còn hơn cả vàng”. 

Song không chỉ dừng lại ở đó, bộ phim còn mở ra những câu chuyện cổ tích mới được viết nên bởi chính bé Thiện Nhân và những người trong cuộc khi họ quyết định giúp đỡ những đứa trẻ ở khắp nơi trên mọi miền đất nước có bệnh tình như Thiện Nhân. Đó là câu chuyện về vị bác sĩ người Ý đã giúp Thiện Nhân tái tạo bộ phận sinh dục, trở lại làm một đứa trẻ bình thường.

Đó còn là cái kết có hậu về đám cưới của 2 người bạn – một Việt, một Tây đã đồng hành cùng mẹ con Thiện Nhân trong suốt cuộc hành trình đi khắp thế giới tìm đường chữa trị cho em. Đó còn là câu chuyện về việc Thiện Nhân trở thành người động viên tinh thần cho các bạn nhỏ cùng trang lứa không khóc trước khi vào phòng mổ…

77 phút phim có nước mắt và cả những nụ cười trong nước mắt khiến người ta giật mình nghĩ về sự tử tế và lòng tốt ở đời. Và hơn nữa là nghĩ về “chú lính chì” quả cảm Thiện Nhân giống như một thiên thần mang trên mình sứ mệnh đặc biệt là vượt qua những nỗi đau tột cùng để mang lại niềm hy vọng cho hàng nghìn đứa bé có hoàn cảnh bất hạnh.