Long Xuyên ký sự

ANTD.VN - Tôi đến Long Xuyên tình cờ. Chuyện là hôm ấy đi dự trại viết Cây bút vàng của Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức tại Rạch Giá. Khi đoàn nhà văn trên đường về Sài Gòn, gần đến phà Vàm Cống để vượt sông qua Sa Đéc thì tôi thấy biển hiệu hai bên đường nhất tề đề chữ Long Xuyên. 

Chợ nổi Long Xuyên bên sông Hậu 

Long Xuyên là thành phố lớn thứ hai ở đồng bằng sông Cửu Long, độ sầm uất chỉ sau Cần Thơ, nên trục Trần Hưng Đạo vào giờ tan tầm thậm chí còn hơi bị tắc. Đặt khách sạn, nhận phòng ở Long Xuyên tôi bắt đầu đi khám phá thành phố: Chùa Ông Bắc; Đình Mỹ Phước; Công viên Nguyễn Du; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng... 

Di tích cũ và mới ở thành phố lớn thứ nhì đồng bằng sông nước

Đầu tiên là chùa Ông Bắc - hội quán đầu tiên của người Hoa ở An Giang nằm trên đường Phạm Hồng Thái bên bờ sông Long Xuyên. Người Hoa đến Việt Nam từ Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu có truyền thống xây hội quán, thực chất là văn phòng hành chính để làm hội sở liên lạc đồng hương, nhưng thường đưa thêm các tượng thần Bắc Đế, Thiên Hậu, Ngọc Hoàng, Quan Công vào thờ nên người Việt toàn gọi là chùa. Như chùa Ông Bắc tức là thờ Bắc Đế.

Chùa Ông Bắc nhìn bên ngoài quả bề thế hơn hẳn. Một công trình đặc thù lối Quảng Đông, màu vàng sậm kết hợp với đỏ và nâu, cùng hoa văn uốn lượn trên nóc mái ngói. Tuy nhiên bên trong cũng tối tăm, nhạc lại còn xập xình như hội chợ. Có mấy mẹ ngồi trên chiếc giường con ở gian phụ bên cạnh. Mâm bát đĩa vẫn để dưới vòi nước. Thấy khách vào ngó nghiêng (mà chắc lâu lâu lắm mới có khách vào đây tham quan), các chị các mẹ hơi ngạc nhiên, ngừng nói chuyện rồi vội vã tắt nhạc đi.

Các hội quán Long Xuyên giờ đã thành chỗ trú ngụ cho dân ở, có lẽ cũng vì ít khách du lịch ghé qua nên để không mấy gian như vậy cũng bõ phí. Riêng đình Mỹ Phước thờ thành hoàng Nguyễn Hữu Cảnh thì may sao chưa bị biến thành “nhà dân”, nhưng cũng quạnh vắng, dù nằm ngay phố chính. 

Tôi tiếp tục di chuyển thêm vài phút nữa thì quay lại đúng tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bác Tôn sinh ra ở Long Xuyên, giờ vẫn còn Nhà tưởng niệm ở cù lao Ông Hổ, muốn qua thăm phải đi bằng xuồng. Mà lúc xuyên qua chợ chính lộn xộn những quầy bán lưới đánh cá, mẹt cóc xanh và cá khô, tôi lạc ra bến cảng và được các chủ xuồng chào mời tới mức năn nỉ cho một cuốc sang cù lao. Ngại sông nước nên thôi, đành ngước nhìn bác Tôn lồng lộng giữa trời xanh không vẩy mây, đầu đội nắng gắt. Đây có lẽ là nơi đẹp nhất thành phố. Giữa quảng trường rộng lớn có một tượng đài danh nhân, hình mẫu ấy thành phố nào cũng muốn sở hữu. 

Thành phố Long Xuyên 

Long Xuyên có gì chơi? 

Hồi trưa ở Long Xuyên tôi ăn một bữa linh đình ở tiệm cơm tấm Quế Phát. Hỏi ăn đâu ngon, từ lễ tân khách sạn cho tới lái xe taxi đều chỉ ra Quế Phát. Từ miền Trung trở vào, người ta làm dịch vụ tốt hơn ngoài Bắc. Quán đông tới mức xếp hàng mà nhanh chóng tôi có chỗ ngồi rồi nhoáng cái đã thấy đầy đủ thực đơn trước mặt: Bao tử phá lấu, canh xà lách son, mực nhồi thịt, nước rau má sữa. Tất cả chưa đầy năm phút. 

Cô gái gội đầu xả nước lên tóc tôi rồi hỏi cắc cớ:

- Sao chị lại tới Long Xuyên chơi làm gì? Đây đâu có gì chơi đâu. Tụi em toàn qua Châu Đốc chơi không à.

- Châu Đốc ư? Cách đây bao xa? 

- Chỉ có 55 cây số đường thôi mà!...

Mới có 6 giờ chiều, tôi chẳng còn việc gì làm nữa, nên quyết định đi xem phim trong trung tâm thương mại. Không biết ông chủ trung tâm có muốn khóc giống tôi không? Bữa ấy là tối thứ bảy, mà tôi đi từ tầng trệt lên tầng thượng, thấy chỉ có mỗi mình với các quầy hàng. Tầng trệt của trung tâm thương mại tối om, không người mua kẻ bán. Nghe tiếng động, một nữ nhân viên mới bật điện lên.

- Đóng cửa hàng rồi hả em? - Tôi kinh ngạc hỏi.

- Dạ không, bọn em hay bán khách quen nên nếu có ai đến thì gọi điện trước.

Trời, sao trung tâm thương mại giữa lòng thành phố lại tắt hết đèn điện vào 4h chiều thứ bảy, đến nông nỗi chỉ bán khách quen, ai mua thì phải… gọi điện hẹn. Cô nhân viên soát vé xem phim có lẽ là bóng người cuối cùng tôi gặp tối hôm ấy. Cả hành lang tranh tối tranh sáng với những cánh cửa phòng chiếu nặng trịch đóng kín không một tiếng động. Tôi lò dò đi vào đúng phòng chiếu của mình. Hàng trăm chiếc ghế trống không. Mỗi mình tôi đối diện với màn hình to đùng phía cuối căn phòng. Nếu bạn muốn thử cảm giác kinh dị đến kỳ lạ vào một tối thứ bảy cô đơn như tôi thì cứ thử đi xem phim ở rạp Long Xuyên. 

Cả ngày đã lang thang trong thành phố một mình, những mong tới rạp là nơi đông đúc nhất thiên hạ, dẫu không quen biết thì cũng có chung một mục đích là cùng nhìn lên màn hình. Thế mà vào đây tôi còn chòi chõi cô độc hơn!

Mưa đêm và mất ngủ

Tối muộn tôi về lại khách sạn. Cái khách sạn này cũng thế, vừa nhận phòng là tôi đã có ngay cảm giác bất an, dù nội thất trong phòng tinh tế và sang trọng, 4 sao kia mà. Y rằng đêm ấy tôi chẳng ngủ được gì. Cơn mưa rào bắt đầu vần vũ ngoài cửa sổ, đi kèm với sấm và chớp nhằng nhịt bất thần đổ bộ lên đất trời miền Tây. Tôi lấy nút tai silicon lèn chặt thính giác rồi chui vào chăn nằm im thít, nhưng cái chấm đèn xanh lè trên điều hòa tỏa ánh sáng khó chịu quá, làm sao giờ, phải che nó đi. 

Tôi bật đèn lên để tìm cách thì chợt phát hiện ra một điều khiến tôi sợ chết khiếp. Ấy là vì lúc chiều tôi nhìn thấy tờ thực đơn ép plastic của khách sạn mà một khách nghỉ trước đã kẹp nó sau lưới bảo vệ điều hòa, vì thoáng ấy tôi đã băn khoăn không hiểu người ta kẹp vào đấy để làm gì. Giờ thì không nhìn thấy cái tờ thực đơn ý đâu nữa. Tôi thót cả tim. Ai đã vào phòng tôi từ chiều đến giờ? Không phải giờ của phục vụ phòng, mà nếu họ có vào thì tờ thực đơn lấy xuống phải được để lại trên mặt bàn, hoặc nếu có rơi thì nó phải ở dưới đất, mà kẹp chặt sau tấm lưới thế thì rơi sao được. 

Ý nghĩ ai đã vào phòng tôi lúc tôi đi vắng để làm cái việc kỳ quặc ấy khiến tôi tỉnh cả ngủ. Giờ tôi đã đoán ra hẳn là khách trước kẹp nó vào đấy để che cái ánh sáng xanh quái gở kia đi. Tôi gọi xuống lễ tân, bảo cử cho tôi một người để xử lý cái đèn xanh này. Một cậu phục vụ chạy lên ngay lập tức và hiến kế là em sẽ dùng băng dính để che nó lại. Tôi chờ cậu đi kiếm thang và băng dính. Cậu dán cái đèn lại cho tôi bằng vài lớp băng dính rồi lí nhí chào và bê thang đi mất. 

Giờ thì ổn rồi, tôi tắt đèn nhưng hóa ra cái băng dính vàng kia cũng chẳng ăn thua. Ánh sáng màu xanh lá cây giờ không sáng quắc lên nữa mà leo lét. Ngoài trời thì mưa vẫn quần quật vào cửa kính. Tiếng sấm ầm ì và cơn mưa đang vã nước xuống những mái nhà Long Xuyên. 

Sáng sau tôi dậy sớm, trả chìa khóa cho lễ tân rồi kéo vali dưới ánh nắng chan hòa của bình minh thành phố. Chào các bạn, mình đi Châu Đốc đây.

Ôi… Long Xuyên!

Nhà văn Di Li