Lòng tử tế là xu hướng thời trang đắt đỏ nhất

ANTD.VN -Chuyện doanh nhân Hoàng Khải nhập hàng có xuất xứ “Made in China”, cắt bỏ nhãn mác rồi đính nhãn “Khaisilk - Made in Việt Nam” để bán cho khách hàng - mà theo “lời tự thú” của ông chủ thương hiệu Khaisilk nổi tiếng - hành vi này bắt đầu từ những thập niên 90 thế kỷ trước đã khiến các “thượng đế” sụp đổ hình tượng về một người được mệnh danh là “thổi hồn cho lụa Việt”; còn tận cùng của vấn đề thì người tiêu dùng Việt rơi vào trạng thái: “Niềm tin bị đánh cắp”. 

Doanh nhân Hoàng Khải đã chính thức nhận lỗi, dư luận nhất là mạng xã hội thì người phẫn nộ người lại thờ ơ vì lập luận - “biết từ lâu rồi”. Nhưng cay đắng nhất có lẽ vẫn là những người bấy lâu nay tin vào các sản phẩm của Khaisilk, hơn cả là đặt trọn vẹn niềm tin vào những phát ngôn đầy tâm huyết về đạo đức về lòng tham về những chia sẻ tận đáy lòng kiểu “làm giàu không khó” của ông chủ thương hiệu này. Để nay, người ta dùng chính “phát ngôn” của Hoàng Khải để chĩa thẳng vào sự thật vừa được phơi bày. “Lòng tử tế luôn là xu hướng thời trang đắt đỏ nhất mọi thời đại”, Hoàng Khải tiền hậu bất nhất là thế!  

Tôi, không biết là may hay không may, cũng có dăm lần ngang qua Hàng Gai phố, ghé vào Khaisilk, lúc thì chọn chiếc áo đũi, khi khác thì chiếc khăn lụa, lúc lại là chiếc khăn trải bàn trắng tinh với những đường thêu thật đẹp để tặng bạn bè những dịp quan trọng, lúc thì gửi đi nước ngoài biếu người thân nơi phương xa. Chợt nhớ có lần, sau khi chiếc khăn lụa đậm sắc Việt được gửi đi, tôi nhận lại được những dòng nhắn gửi trong tấm postcard từ mẹ chồng người bạn thân. Bà là người Pháp, bà vô cùng xúc động khi nhận được món quà tặng mang thương hiệu Việt. Bà viết gửi tôi rằng sẽ đến Việt Nam để được tận mắt thấy thấy Việt Nam, ngắm Hà Nội, hít hà cái mùi quê hương của con dâu bà. Bà hỏi tôi về những cánh đồng dâu, những bờ đê làng Vạn Phúc lụa phơi rực rỡ sắc màu… Chút ít ký ức ùa về khi “điểm nóng” khăn lụa Khaisilk nóng ran mạng xã hội. Tôi chợt nghĩ, ở xứ lục lăng xa xôi, bất đồng ngôn ngữ, chắc bà chẳng biết chuyện xứ tôi, chuyện cái khăn lụa xinh xắn bà được tặng giờ đây bỗng dưng mơ hồ về nguồn gốc, xuất xứ.

Trở lại chuyện nước tôi, thực tế chuyện thương hiệu Việt bỗng một ngày không đẹp trời bỗng dưng gặp rắc rối lớn về chất lượng không phải là hiếm, là mới. Đầu năm 2016, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế kiểm nghiệm và phát hiện sản phẩm ô mai mơ chua ngọt Hồng Lam không đạt chỉ tiêu chất lượng công bố. Ngay sau đó, Công ty Cổ phần Hồng Lam đã lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng. Rồi sau nữa đến cái cửa hàng giò chả gia truyền nức tiếng sát ngay chợ Hôm cũng bị phát hiện không đạt chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. 1/3 người Hà Nội khi đó bàng hoàng vì vốn lâu nay gia đình mình là khách hàng ruột của hàng giò chả kể trên… Rồi dăm ngày báo chí lại đưa, bắt được quả tang rau ở chợ đầu mối “lén lút” vào siêu thị thành rau… sạch. Thịt bẩn được tuồn vào trường mầm non trở thành thịt sạch. Xúc xích được làm từ thịt ôi thiu, rồi thịt lợn được tẩm phụ gia “hô biến” thành giò bò khoái khẩu…

Và chuyện của Khaisilk hay những chuyện liệt kê nêu trên tất thảy được người xưa gọi là “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Nhưng cái khác bây giờ là người ta bán danh bằng cả triệu triệu USD, chẳng biết như thế có gọi là được giá hay không?

Mới đây trên sóng truyền hình quốc gia có phát một phóng sự về hoa quả nội địa lép vế so với hoa quả nhập ngoại, như táo Mỹ, cam Australia hay lê Hàn Quốc… Siêu thị Việt dành những chỗ đẹp đẽ nhất để bày bán những sản phẩm này, trong khi hoa quả nội địa thì chỉ được một góc nhỏ tận cùng trong gian trưng bày. Người ta xót xa cho cho nông dân Việt, cho cây trồng Việt, nhưng cũng nhìn nhận khách quan mà rằng, sự lép vế đó âu cũng có lý do của nó. Chúng ta chưa có một thương hiệu đủ tầm, đủ độ tin cậy, để người dân có thể tìm đến và đặt lòng tin. Như chuyện Khaisilk, thời gian qua đi, khi con người ta bắt đầu đong đủ niềm tin thì cũng là lúc “đánh mất” nhau rồi.

Tôi là phụ nữ, trong trăm nghìn lo toan thường nhật thì có một lo toan ngày nào cũng hiện hữu: Cho con ăn gì? Mua rau ngoài chợ về, rửa dăm bẩy lần, ngâm muối rồi sục ozon. Nấu lên rồi mà vẫn còn nghi hoặc, liệu có an toàn không? Liệu còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chống dập lá, chống thối… không? Vậy là, vào siêu thị, chọn những thương hiệu mà bản thân cho an toàn. Nhưng trong lòng vẫn đau đáu một câu hỏi, ai là người kiểm tra, giám sát sự an toàn ấy và ngưỡng an toàn đến đâu thì đạt chuẩn?

Doanh nhân Hoàng Khải cúi đầu xin lỗi về sự cố “Made in China” và đưa ra nhiều lý do kiểu “bất khả thi”. Ông chủ cái thương hiệu nổi tiếng ấy rốt cuộc cũng như bao người - xin lỗi, cam kết bồi thường cho tất cả khách hàng - nhưng chuyện đâu chỉ đơn giản như thế ông Hoàng Khải một khi niềm tin bị đánh cắp?

Nói gì thì nói, đây là một “cú đánh” trực diện đối với thương hiệu đã tồn tại hơn 30 năm qua. Lấy lại lòng tin của khách hàng trong thế giới phẳng không phải là việc làm đơn giản. Không chỉ nổi tiếng với thương hiệu Khaisilk, doanh nhân Hoàng Khải còn được biết đến như một Facebooker nổi tiếng, một người truyền cảm hứng về khởi nghiệp và tự tin trên con đường làm giàu cho các bạn trẻ. Trong một dòng trạng thái từng chia sẻ, doanh nhân Hoàng Khải từng nhấn mạnh rằng: “Trong kinh doanh đôi khi không được tham. Và vì sao không được tham? Là vì không bao giờ nên lấy những mục tiêu ngắn hạn mà làm sao nhãng đi những mục tiêu dài hạn…”. Lại vẫn là những phát ngôn đầy tâm huyết, nhưng ngay lúc này, người ta tin được bao nhiêu?

 Tử tế là mạch sống và niềm tin là sức mạch - những thứ chính ông đã “đánh cắp”. Rất tiếc, sự cố đánh tráo hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam, nếu được đặt tên bằng một từ thật đắt, chắc duy nhất chỉ một từ: “Tham” - từ mà chính ông khuyên bảo người khác để rồi chính mình mắc phải.