Lời nguyện ca còn mãi với thời gian!

(ANTĐ) - 35 năm - khoảng thời gian vừa đủ để những giai điệu âm nhạc có “sức nặng” lắng lại trong lòng người nghe bất chấp sự vô tình của thời gian và cái vô hạn của không gian. “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” là một ca khúc như vậy! Mà còn hơn nữa, bởi ca từ và giai điệu của nó còn làm rung động bao trái tim bạn bè quốc tế…

Lời nguyện ca còn mãi với thời gian!

(ANTĐ) - 35 năm - khoảng thời gian vừa đủ để những giai điệu âm nhạc có “sức nặng” lắng lại trong lòng người nghe bất chấp sự vô tình của thời gian và cái vô hạn của không gian. “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” là một ca khúc như vậy! Mà còn hơn nữa, bởi ca từ và giai điệu của nó còn làm rung động bao trái tim bạn bè quốc tế…

Nhạc sỹ Phạm Tuyên
Nhạc sỹ Phạm Tuyên

Đến thăm nhạc sĩ Phạm Tuyên vào một buổi chiều cuối tháng tư lịch sử, căn nhà nằm nép mình khiêm tốn trên phố Vạn Bảo, không gian ngợp một màu xanh mát dịu và tĩnh mịch làm dịu đi sự náo nhiệt ồn ào của đường phố bên ngoài. Gác lại những âm thanh của cuộc sống đời thường, người nhạc sỹ tài hoa ngồi bên chiếc bàn gỗ thảnh thơi nhấp ngụm trà thơm.

Bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” mà nom ông vẫn vậy, vẫn phảng phất nét trẻ trung tươi mới trong đôi mắt sáng và nụ cười nhân hậu. Trầm tĩnh và lặng lẽ, ông bồi hồi nhớ lại cái ngày mà những nốt nhạc đầu tiên của bài ca lịch sử “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” ra đời…

Ngày ấy, vào đêm 28-4-1975, hàng triệu trái tim người dân cả nước náo nức nghẹn ngào khi thông tin về việc phi công Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc Lập chỉ 10 phút sau khi Dương Văn Minh nhậm chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa được loan báo trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng chung tâm trạng ấy, trong lòng người nhạc sỹ tài hoa reo lên mẩm đoán: “Vậy là miền Nam sắp được giải phóng rồi, đất nước sắp quy về một mối rồi!”.

Rồi ông lặng lẽ hình dung ra cảnh ngày mai đất nước giải phóng, nhà nhà sẽ đổ ra đường, người người cũng đổ ra đường và khi đó, nhất định ông phải viết một cái gì đó để ghi lại khoảnh khắc lịch sử hào hùng ấy. Vậy là chỉ sau vẻn vẹn 2 tiếng đồng hồ ký âm với cây đàn, những nốt nhạc, lời ca cứ thế tuôn ra như sự cộng hưởng của hàng triệu tiếng lòng reo vui thổn thức.

Chính người nhạc sỹ cũng không thể ngờ rằng tiếng lòng được mình chép lại thành giai điệu trong giây phút “xuất thần” ấy có sức sống bền bỉ và mãnh liệt đến vậy. Và càng không bao giờ ngờ rằng ca khúc ấy sau này lại đưa ông chạm đến đỉnh cao của dòng nhạc ngợi ca cách mạng.

17h ngày 30-4-1975, mong ước và tiên đoán của ông đã thành hiện thực. Ngay sau bản tin thông báo miền Nam hoàn toàn giải phóng, lần đầu tiên ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” được truyền đi khắp mọi miền Tổ quốc qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tất cả nghệ sỹ có mặt trong phòng thu của nhà Đài khi đó đã sững sờ rồi bật khóc khi ghi âm ca khúc của ông: “Ba mươi năm đấu tranh giành trọn ven non sông, ba mười năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công…”. Niềm vui vỡ òa trong từng tiếng nấc, non sông đã thống nhất, Bắc Nam đã sum họp một nhà! Cũng từ giây phút đó, bài hát đã gắn chặt trong tâm khảm mỗi người dân nước Việt như tiếng reo vui thổn thức không ngừng….

Mùa xuân lịch sử đã lùi xa 35 năm, song mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc không thể nào quên ấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên bùi ngùi xúc động: “Tôi đã sống bằng trái tim của cả dân tộc”. Sau này khi đất nước hòa bình, lục lại kho gia tài hơn 700 bài hát từng sáng tác, bản thân người nhạc sỹ già cũng chẳng thể lý giải nổi tại sao mình lại viết nên một ca khúc gây ngạc nhiên cho… chính mình đến vậy.

Đã có rất nhiều kỷ niệm gắn chặt ông với ca khúc này mà người nhạc sỹ tài hoa nói vui có khi còn nhiều hơn cả kho gia tài các sáng tác của ông. Như gần đây, trong đêm giao lưu kết nghĩa âm nhạc giữa ba thành phố: Hà Nội - Huế - TP.HCM có sự tham gia của đoàn nghệ sĩ Nhật Bản, khi tham gia chương trình, đoàn nghệ sĩ Nhật đã hát vang ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” cả hội trường rộng lớn mọi người cùng đồng thanh cao trào: “Việt Nam Hồ Chí Minh! Việt Nam Hồ Chí Minh!....”.

Niềm hạnh phúc khôn xiết bất chợt trào lên khóe mắt người nhạc sỹ dù ông biết bao năm qua, bài hát vẫn luôn có sức sống bền bỉ đến kỳ lạ, vẫn vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ nước nhà để đến với đông đảo bạn bè thế giới. Bản thân ca khúc này cũng từng được Hội Âm nhạc lao động Nhật Bản dịch ra tiếng Nhật năm 1979 và phổ biến tới 49 tỉnh, thành trong cả nước. Rất nhiều bạn bè ở các nước khác trên thế giới cũng thuộc lòng giai điệu ca khúc này, từ các nước láng giềng như: Lào, Campuchia, Trung Quốc đến các quốc gia khác trên thế giới như: Nga, Đức, Cuba…

Vượt qua ranh giới về lứa tuổi, vùng miền và cả rào cản về ngôn ngữ, lời ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đã chinh phục trái tim người nghe là thế! Giờ đây, nó không chỉ là câu hát đơn thuần mà còn như thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ non sông gấm vóc của một dân tộc, ca ngợi chiến thắng của toàn Đảng toàn dân, đồng thời có sức mạnh tập hợp quần chúng và đó còn như là đại diện cho một đất nước.

Như vừa mới hôm qua thôi, trong lòng người nghệ sĩ già vẫn vẹn nguyên những tình cảm khi cất cao bài hát này, như tận đáy lòng ông tâm sự: “Lời bài hát như là tiếng lòng, là ước vọng bao nhiêu lâu mình mong ước, có không biết bao nhiêu người cảm động và khóc khi hát vang khúc ca này. Và cảm giác bài hát như có sẵn rồi, không phải là tôi thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc viết ra nó”. 

Nhạc sỹ Phạm Tuyên vẫn thế, giản dị và khiêm tốn, và có lẽ bởi vậy nên nhạc phẩm mà ông viết cứ bền bỉ mãi cùng năm tháng.

Bình Thanh