Loạt lí do khiến Tết ngày càng nhiều chương trình hài nhảm

ANTD.VN - Từ lâu, các chương trình hài được coi là món ăn tinh thần của nhiều người, gia đình trong những ngày Tết đến xuân về. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thị trường hài Tết có phần biến chất và trở nên dung tục, khi các hình ảnh khoe thân ngày càng xuất hiện nhiều. Năm 2020, dấu hiệu này vẫn đang tiếp diễn. Vậy lý do dẫn đến sự suy thoái này là từ đâu?

Lợi dụng quảng bá thương hiệu

Hiện nay, khi gameshow truyền hình và các kênh hài cá nhân phát triển mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội, cũng là lúc các chương trình hài Tết ngày càng trở nên suy yếu, xa dần phong cách hài truyền thống và thiếu đi những tiếng cười “tử tế”, dí dỏm, ý nhị mà thâm sâu.

Thay vào đó, hài nhảm do các công ty, doanh nghiệp chi tiền đầu tư với mục đích quảng bá, giới thiệu thương hiệu, nhãn hàng, sản phẩm… xuất hiện ngày càng nhiều, làm lũng đoạn thị trường chương trình hài Tết, khiến nó rẽ sang một hướng đi mới – thô tục và lộ liễu.

Các chương trình hài Tết quảng cáo thương hiệu, sản phẩm một cách lộ liễu ngay trên sóng truyền hình (Ảnh minh hoạ)

Bởi hầu như, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư luôn muốn sản phẩm hoặc thương hiệu của mình được giới thiệu một các cụ thể, nổi bật nhất, thu hút được nhiều sự chú ý của người xem trong phim hài Tết. Đồng thời, họ mời các nghệ sĩ nổi tiếng có tên tuổi cùng tham gia đóng phim để tăng tương tác và lượt xem, lượt theo dõi của công chúng.

Mọi tiêu chí và lối diễn đều phụ thuộc theo định hướng của các doanh nghiệp nhằm quảng cáo sản phẩm, thương hiệu. Thậm chí, nếu đạo diễn không làm theo đúng yêu cầu họ đưa ra, họ sẵn sàng tự bỏ tiền thuê ê-kip làm phim để sản xuất theo ý mình và tiết kiệm chi phí. 

Không có kinh nghiệm, không có chuyên môn, không có thiết kế phục trang, kỹ thuật sản xuất kém… là những lý do khiến chất lượng các phim hài Tết trở nên nghiệp dư, nhảm nhí, người xem cảm thấy “tức” nhiều hơn là “vui”. Thực tế đã chứng minh, một số phim hài tết đã bị dư luận lên án và phê bình gay gắt khi giới thiệu sản phẩm quá lộ liễu.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng chia sẻ rằng, những phim hài Tết do doanh nghiệp tư nhân tự sản xuất đều không phải là một sản phẩm hài tết đúng nghĩa, đúng bản chất mà chỉ đơn thuần, đó là các TVC quảng cáo, các đĩa hài thị trường không chính thống và mang tính quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp.

Kịch bản nghèo nàn, thiếu đầu tư

Nếu trước đây, chương trình hài tết được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và khắt khe trong việc thiết kế bối cảnh và phục trang, phải dùng đầu óc sáng tạo để xây dựng kịch bản, luôn mang tính định hướng về thẩm mỹ, giáo dục và cần có thông điệp ý nghĩa, nhân văn nào đó gửi gắm đến người xem. Thì giờ đây, hài tết đã bị “mã hóa” trở nên dung tục, các diễn viên ăn mặc hở hang, khoe các vòng trên cơ thể, thậm chí còn xuất hiện những cảnh nóng, nhạy cảm, khiến nhiều người “tái mặt” khi xem.

NSƯT Minh Vượng bày tỏ rằng, các thế hệ trước khi tạo ra một tác phẩm nghệ thuật cần rất nhiều thời gian và công sức, thận trọng trong từng chi tiết, từ dấu chấm, dấu phẩy cũng phải kiểm tra kỹ lưỡng. Đặc biệt, cần dùng chất xám tối đa để làm sao tác phẩm ra đời phải là tiếng cười “chính thống” cho mọi nhà, chứ không bị cuốn theo tiếng cười thị trường.

Kịch bản được lặp đi, lặp lại cùng một mô tuýp quen thuộc, chêm xen các yếu tố nhạy cảm (Ảnh mình hoạ)

Cũng theo nghệ sĩ, tiếng cười được chia ra làm hai loại: tiếng cười tâm lý và tiếng cười sinh lý. Thông thường, để tạo ra tiếng cười tâm lý thì người viết cần phải có một đầu óc sáng tạo và vận dụng nhuần nhuyễn những hiểu biết ở đa dạng lĩnh vực trong cuộc sống. Bởi, nó mang đến những suy ngẫm, triết lý sâu sắc về cuộc đời, tuy giải trí mà vẫn sâu cay.

Còn tiếng cười sinh lý như hiện nay, không cần đầu tư quá nhiều về nội dung và thường nhảm nhí vô nghĩa. Các tình huống được lặp đi lặp lại cùng một mô tuýp quen thuộc, chủ đề sáo rỗng lấy từ “trên trời dưới biển”, không có tính thiết thực. Vì thế, cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng, xem xét và kiểm duyệt các tác phẩm một các kỹ lưỡng, từ nội dung cho đến hình thức, bối cảnh và trang phục của diễn viên trước khi ra mắt công chúng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Lạm dụng những yếu tố nhạy cảm 

Vì mục đích kinh tế, lợi nhuận thương mại mà nhiều doanh nghiệp hiện nay bất chấp đưa những cảnh nóng, cảnh phòng the phản cảm vào trong các bộ phim hài tết, khiến văn hóa Á Đông bị suy thoái, biến tướng nặng nề.

NSƯT Đức Hải bày tỏ quan điểm rằng, hài tết là dành cho tất cả mọi người và ở mọi lứa tuổi, từ người già cho đến trẻ em. Việc các nhà sản xuất lạm dụng vấn đề nhạy cảm, mời các cô gái chân dài, xinh đẹp và ăn mặc hở hang khoe da thịt để “đánh đòn tâm lý”, nhằm vào một số bộ phận khán giả trong xã hội là việc làm đáng lên án, thậm chí điều này gây nên sự phản cảm và phản giáo dục.

Bất chấp thương mại, những cảnh nóng, nhạy cảm vẫn được đưa vào các phim hài Tết để câu view (Ảnh minh hoạ)

Đã là một sản phẩm văn hóa giải trí, mang tiếng cười đến cho mọi người thì cần phê phán, đả kích những thói hư tật xấu, những điều trái với luân thường đạo lý, để từ đó định hướng, thay đổi suy nghĩ, thái độ và hành động của người dân. Tuy nhiên, khá nhiều các sản phẩm hài hiện nay lại mang những yếu tố lệch lạc, suy đồi đạo đức khi lún sâu khai thác chuyện phòng the, khoe da thịt trên sóng truyền hình, khiến khán giả cảm thấy nhàm chán, nhảm nhí dù vẫn có sự tham gia góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng, có tên tuổi trong nghề.