Liên hoan sân khấu: “Mùa ngủ đông”

ANTĐ - Hội ngộ trong năm 2012, các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc nối đuôi nhau ra đời. Trái với những kỳ vọng là tạo ra sân chơi bình đẳng cho các nghệ sỹ, các kỳ liên hoan lại làm dấy lên những hoài nghi.

“Thảm họa” giám khảo

Chưa thi đã biết đoàn nào thắng lớn, đó là thực tế tại các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra trong năm 2012. Có thể nói, không ở đâu lại có chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” rõ nét như ở các kỳ liên hoan sân khấu. Đó có thể coi là thảm họa của các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc khi tạo ra sự bất công đến ngay từ những người “cầm cân nảy mực”. Cụ thể là, tại Liên hoan Sân khấu Chèo về đề tài hiện đại, BGK gồm 5 thành viên thì có đến 3 thành viên là người của Nhà hát Chèo Hà Nội. Vì thế, khi thành phần BGK được công bố, nghệ sỹ và công chúng có thể đoán định được chiến thắng vang dội của Nhà hát Chèo Hà Nội tại kỳ liên hoan này. Và quả thực, điều đó đã trở thành hiện thực với không ít băn khoăn thắc mắc và nỗi niềm nghệ sỹ.
Suy cho cùng, huy chương cũng chỉ là cái mác gắn vào tác phẩm còn chất lượng thực sự mới là điều đáng nói. Sân khấu thời gian gần đây đã chứng kiến không ít các vở diễn đoạt HCV, HCB tiếng tăm nhưng thật đáng buồn khi chỉ ít đó không lâu, vở diễn đã nhanh chóng chìm vào quên lãng. “Vàng”, “Bạc” đành để đắp chiếu. Liên hoan Sân khấu Chèo về đề tài hiện đại còn chứng kiến rất nhiều bức xúc của các nghệ sỹ về chất lượng tác phẩm đoạt giải. Tình trạng kiện cáo giữa các đoàn nghệ thuật đã diễn ra kéo dài sau khi kết thúc liên hoan nhưng cuối cùng, Bộ VH-TT&DL vẫn công nhận kết quả cuối cùng của liên hoan Chèo hiện đại. Đấy là chưa kể đến những bất cập trong thành phần BGK của kỳ liên hoan này với việc để “khuyết” vị trí đạo diễn. 

Vừa đá bóng, vừa thổi còi

Tại Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc (Huế), Liên hoan Cải lương toàn quốc (Đồng Nai) việc là thành phần BGK có tác phẩm dự thi vẫn tiếp tục diễn ra. Tại Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, tác giả Xuân Đức đồng thời là người ngồi trong BGK có 2 vở dự thi thì cả 2 đều đoạt HCV và HCB. Tại Liên hoan Cải lương toàn quốc, đạo diễn Trần Minh Ngọc, tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Giang Mạnh Hà có mặt trong hội đồng nghệ thuật và đều có vở đoạt HCV, HCB. Cho dù, BTC có cách lý giải về quy chế chấm giải nhưng sự xuất hiện của các nhân vật vừa nằm trong thành phần BGK lại vừa có tác phẩm dự thi không phải là cách làm khiến dư luận “tâm phục khẩu phục”. 
Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam trong một cuộc họp với Bộ VH-TT&DL bàn về Quy chế chung có sự kết hợp giữa các cơ quan quản lý văn hóa với các đơn vị nghệ thuật ngày 21-9 đã đề xuất “Cần làm rõ vai trò của ban chỉ đạo, quy định rõ thành viên trong ban chỉ đạo, BTC không có tác phẩm tham gia dự thi, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như đã diễn ra ở nhiều kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật”. Ý kiến được đưa ra trước khi Liên hoan Cải lương toàn quốc diễn ra thế nhưng việc “đâu lại vào đấy”.

“Người xứng đáng thì không được nhận giải”

Đồng hành cùng vấn nạn BGK, các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 là nỗi niềm của các nghệ sỹ mà cụ thể ở đây là sự bức xúc khó có thể miêu tả bằng lời. Có nghệ sỹ đã chia sẻ rằng, giá như các kỳ liên hoan không có giải thưởng thì có lẽ tốt hơn. Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Hoàng Dũng còn điểm mặt chỉ tay các điểm chưa được trong cách đánh giá của BGK “Có rất nhiều vở kịch, có nhiều cá nhân xứng đáng được giải thì lại không được. Và cũng có nhiều cá nhân không xứng đáng được nhận giải thưởng cao. Nói gì thì nói, anh em nghệ sĩ cũng chỉ mong đóng góp và thể hiện mà thôi. Thế nhưng khi đã gọi là giải thưởng thì nó phải chính xác”. Sự bất công bằng về việc trao giải thưởng khiến anh em nghệ sỹ mất niềm tin vào tính khách quan của giải thưởng. Và trên hết, các kỳ liên hoan đã không còn là sân chơi cho các nghệ sỹ được thể hiện tài năng, giao lưu  học hỏi lẫn nhau mà biến thành cuộc chạy đua giải thưởng không lành mạnh. 
Với tình hình kinh tế khó khăn của năm 2012, các đoàn nghệ thuật tham gia liên hoan sân khấu chuyên nghiệp hầu như cũng chịu ảnh hưởng chung. Nguồn kinh phí eo hẹp khiến họ tiết chế số ngày lưu lại liên hoan, tranh thủ diễn ngay tại liên hoan để lấy thu bù chi và kỳ vọng rất nhiều vào vở diễn dự thi. Thế nhưng, sự thiếu khách quan trong đánh giá đã dẫn đến những thất vọng thậm chí là phẫn nộ của giới nghệ sỹ. Sau Liên hoan Cải lương toàn quốc (Đồng Nai) kết thúc, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên đã phát biểu “Cần xem xét lại quy chế và sửa sang quy chế cho phù hợp với tình hình sân khấu hiện nay”. Anh em nghệ sỹ đang rất mong chờ vào sự chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL nhằm mang lại những kỳ liên hoan sân khấu đi đúng với mục đích, tôn chỉ đã đề ra, thúc đẩy sự sáng tạo trong giới sân khấu, tìm ra các diễn viên trẻ tài năng, các kịch bản hay dàn dựng và đánh thức nền sân khấu Việt đang “ngủ đông”.