Lịch sử 1.000 năm Thủ đô văn hiến hào hùng

(ANTĐ) - 7h sáng 13-1-2008. Sự xuất hiện của các vị lãnh đạo Đảng và chính quyền thành phố Hà Nội cùng các cuộc diễu hành tấp nập, rực rỡ cờ hoa đã mở màn một ngày chủ nhật đông vui và khác lạ. Một lễ hội mở đầu cho thời điểm 1.000 ngày hướng tới đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

Âm vang bản giao hưởng đón bình minh:

Lịch sử 1.000 năm Thủ đô văn hiến hào hùng

(ANTĐ) - 7h sáng 13-1-2008. Sự xuất hiện của các vị lãnh đạo Đảng và chính quyền thành phố Hà Nội cùng các cuộc diễu hành tấp nập, rực rỡ cờ hoa đã mở màn một ngày chủ nhật đông vui và khác lạ. Một lễ hội mở đầu cho thời điểm 1.000 ngày hướng tới đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

>>>Video: Hà Nội còn 999 ngày đến đại lễ

>>> "Sinh khí quật cường của dân tộc"

>>>T ưng bừng khai hội "Khoảnh khắc Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội"

>>> Đêm nay, chính thức ra mắt đồng hồ đếm ngược về thời khắc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội

>>> Chùm ảnh: Tiến tới ngày đại lễ

Tưng bừng ngày đại lễ
Tưng bừng ngày đại lễ

Vườn hoa Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn rộn ràng tiếng bầu tiếng nhị, tiếng hát chèo, hát xẩm, tiếng ngâm thơ đối đáp giao duyên. Qua Lê Lai, Lê Thạch, đền Bà Kiệu bắt gặp dãy chõng tre bày bán quà quê, mực tàu, bút lông, giỏ hoa, cây cảnh... Một hàng dài các cô, các chị diện áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, áo dài tân, cổ, và cả những trang phục hiện đại, sành điệu tha thướt đi bộ qua các tuyến phố. Các du khách nước ngoài ngơ ngác, trầm trồ. Một lễ hội ngoài trời kết hợp nhiều hình thức: triển lãm, sân khấu, carnaval đường phố... dẫu còn một số chương trình biểu diễn thiếu sót, sơ sài so với kịch bản nhưng đủ khiến mọi người như lạc trong không gian cổ xưa vừa mới mẻ, vừa quen thuộc, vừa sôi nổi, vừa thiêng liêng lạ lùng.

12 giờ khởi động đầy hào hứng cho lễ khai mạc chính thức diễn ra lúc 20h. Mọi người dân Thủ đô quây quần quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm đều đến đây từ sáng hoặc từ chiều để được sống trong không khí của lễ hội. Vài vị khách nước ngoài lần đầu đến Việt Nam lại ngỡ đây là lễ đón giao thừa Tết Nguyên đán. Đêm hội thực sự bừng lên náo nhiệt và sống động khi cùng lúc những cuộc diễu hành tỏa ra dọc các vỉa hè, vườn hoa nghẹt cứng người. Đội rồng lân bay bổng nhảy múa, bập bùng trống hội, nhào lộn tưng bừng hút lấy ánh mắt của trẻ nhỏ. Đoàn biểu diễn võ thuật truyền thống hùng hậu, ước độ đến 500 chàng trai khỏe mạnh, sải bước chân dũng mãnh tiến về đền Bà Kiệu. Nơi đó, những cô gái Hà thành thanh lịch, duyên dáng đang trình diễn các trang phục áo dài một thế kỷ: từ chiếc áo thụng không chiết eo quý tộc của Hoàng cung đến chiếc áo cách tân pha trộn nét yêu kiều, gợi cảm của váy dạ hội Tây phương. Bầu trời Hà Nội như sáng bừng lên bởi từng chùm bóng bay dạ quang kéo theo những dải lụa đỏ, hồng phất phới bồng bềnh bay từ phía tượng đài Lý Thái Tổ, cùng lúc với hàng nghìn tiếng trầm trồ, vỗ tay tán thưởng.

Trình diễn cồng chiêng dân tộc tại Vườn hoa Lý Thái Tổ
Trình diễn cồng chiêng dân tộc tại Vườn hoa Lý Thái Tổ

Tại lễ đài chính, không khí có phần náo nức và nghiêm trang hơn khi thành phố phát động một loạt phong trào thiết thực trong 1.000 ngày hướng tới đại lễ: người Hà Nội thanh lịch, người Hà Nội bảo vệ môi trường, người Hà Nội với an toàn giao thông... Thấp thoáng những ánh mắt rưng rưng xúc động của các cụ, các ông khi dàn trống hội Thăng Long cùng kỹ thuật ánh sáng, đậm chất sử thi tái hiện lại lịch sử 1.000 năm Thủ đô văn hiến hào hùng.

Đúng 21h59, bao ồn ã, náo nhiệt, xôn xao bỗng chốc lặng dần khi tiếng hô đồng thanh của toàn thể diễn viên, quần chúng vang lên từng từ chậm rãi, náo nức và hồi hộp: 10, 9, 8... 3, 2, 1... Và, Hà Nội vỡ òa trong tiếng trống Hội vang lên dồn dập, tiếng chuông Nhà thờ Lớn trong vắt, bình an, tiếng chuông đồng khắp các đình chùa Thăng Long ngân vọng, lan tỏa như một bản giao hưởng đón bình minh - một thời khắc thật thiêng liêng với mỗi người dân Hà Nội và những người yêu Hà Nội. Chiếc đồng hồ đếm ngược đã chính thức khai trương, đếm ngược trở lại 1.000 ngày hướng tới đại lễ Thăng Long - Hà Nội - một thiên niên kỷ anh hùng.                                     

   Hồng Hậu

“Người dân Thủ đô ưa thích vốn cổ dân tộc”

Suốt từ sáng đến chiều người dân ngưỡng mộ xin chữ, cảnh tượng sôi nổi và đông đúc thật hiếm có. Điều này cũng chứng tỏ người dân Thủ đô vẫn ưa thích vốn cổ dân tộc, mà dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới chính là dịp tốt để chúng ta lưu truyền, quảng bá thư pháp. Vào thời điểm chiếc đồng hồ đếm ngược bắt đầu hoạt động cũng là lúc tôi mong sao nó nhanh chóng lùi dần đến con số 0. Hà Nội xưa và nay đã đổi thay nhiều lắm, nghệ thuật thư pháp của chúng ta cũng vậy. Song tôi có niềm tin rằng thư pháp Việt Nam sẽ sánh ngang vai với bạn bè quốc tế chứ không hề thua kém. Và Hà Nội khi tròn 1.000 tuổi cũng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn bây giờ nhiều. Khí thế hôm nay mà giữ được sau 1.000 ngày nữa thì quả thực vô cùng phấn khởi!

Thương Nam Thư pháp Trần Đức Cảnh 

( Hội viên CLB UNESCO Việt Nam)

“Tự hào với Thủ đô nghìn tuổi”

Không khí hôm nay quả thực rất tuyệt vời, nó khiến tôi có cảm giác như tuổi xuân đang trẻ lại. Tôi cũng như nhiều người dân khác yêu mến và gắn bó với Hà Nội, đều cảm thấy tự hào vô cùng khi Thủ đô của chúng ta chỉ còn chưa đầy 3 năm nữa là tròn một nghìn tuổi.

Tuy nhiên, tôi thấy chúng ta còn có rất nhiều việc cần phải làm trước khi chính thức bước vào ngày đại lễ như: làm sao để giữ gìn, phát huy hơn nữa các giá trị văn minh thanh lịch của người Hà Nội xưa, trả lại vỉa hè, đường phố thông thoáng cho khách bộ hành, bộ mặt đô thị cũng nên được chấn chỉnh ngăn nắp văn minh hơn...

Bác Nguyễn Thị Phương

(24 Hàng Cót)

“Mong sao Thủ đô ngày càng phát triển”

Tôi thực sự rất xúc động khi được cùng anh em nghệ sỹ đứng trên sân khấu trình diễn trước thời khắc chỉ còn 1.000 ngày nữa là tới dịp đại lễ. Càng thấy xốn xang hơn trước sự quan tâm và đón nhận nồng nhiệt của người dân Thủ đô - những người đã đến, đã nghe và góp phần làm sống lại một số nét văn hóa rất phổ biến đầu thế kỷ XX như: hát xẩm, trống quân, hát chèo... Tất cả chúng tôi đều đang rất háo hức mong chờ chiếc đồng hồ đếm ngược hoàn thành nhiệm vụ và tiếng chuông báo hiệu ngày thứ 1.000 rộn rã vang lên. Ngay sau giờ phút quan trọng này, chúng tôi sẽ cùng ngồi lại trò chuyện với nhau để ôn lại kỷ niệm xưa, đồng thời đề ra những hoạt động hữu ích giúp cho nền văn hiến ngàn năm của Thủ đô Hà Nội.  

Nghệ sỹ Khương Cường

      (Nhạc viện Hà Nội)

“Tôi tiếp thu được nhiều điều từ Hà Nội”

Tôi ở TP.HCM ra Hà Nội học tập cách đây 3 tháng và cũng rất hứng khởi muốn tìm hiểu về chiếc đồng hồ đếm ngược. Song những gì tôi tiếp thu được còn nhiều hơn thế. Những bức ảnh trưng bày về Hà Nội xưa và nay, những thú vui tao nhã, nét sinh hoạt hàng quán dân dã... đã giúp tôi hiểu hơn về lịch sử ngàn năm văn hiến của Thủ đô.

Sau khi kết thúc khóa học và đi thực tập ở nước ngoài, tôi tin rằng mình đã có vốn kiến thức không nhỏ về nét sinh hoạt cổ truyền cũng như hiện đại của nền văn hóa Hà Nội để kể cho gia đình, bạn bè đồng nghiệp và cả những người bạn quốc tế nghe. Hà Nội là trung tâm văn hóa - chính trị của cả nước và tôi mong rằng dịp kỷ niệm đại lễ vào năm 2010 sẽ hoành tráng hơn nhiều!

Anh Mai Xuân Phú 

(Viện Tin học Pháp ngữ)