Lễ hội nghìn năm đã sẵn sàng
(ANTĐ) - Chiều hôm qua, 10-8, BCĐ quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện các hoạt động kỷ niệm Đại lễ, cùng với đó là việc tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, cùng sự tham dự của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh.
Hoàng Thành đang được trang hoàng mở cửa đón du khách |
Dựng cung điện giữa lòng Hà Nội
Trong suốt 10 ngày diễn ra Đại lễ, toàn bộ Vườn hoa Lý Thái Tổ sẽ được thiết kế như một cung điện, với những hàng cột lớn, sơn son thếp vàng, ở chính giữa là bức cuốn thư khổng lồ mang nội dung của “Thiên đô chiếu” đã từng được vua Lý Thái Tổ đọc cách đây tròn 1.000 năm khi đặt chân đến đất Thăng Long.
Cùng với sân khấu chính, xung quanh và dưới lòng hồ Gươm sẽ được trang trí những tiểu cảnh bằng hoa tươi. Đi kèm là 5 sân khấu lớn nhỏ dành cho các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế biểu diễn phục vụ công chúng suốt trong 10 ngày Đại lễ. Ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết, một trong những hoạt động quan trọng, đông đảo người dân mong chờ là Đêm hội “Thăng Long Thành phố rồng bay” diễn ra tại sân Mỹ Đình tối 10-10 đã được nhóm đạo diễn Trọng Đài, Lại Văn Sâm và Đỗ Minh Tuấn biên soạn xong kịch bản phân cảnh, thiết kế mỹ thuật tổng thể và bước đầu triển khai luyện tập.
Theo nhạc sĩ Trọng Đài, vẫn trung thành với kịch bản văn học của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, sân khấu của đêm hội sẽ được thiết kế như một chiếc trống đồng bao toàn bộ lòng sân vận động Mỹ Đình, đó còn là hình ảnh của dòng sông Hồng uốn khúc đỏ nặng phù sa, của rừng trúc Yên Tử cùng hình ảnh của những cọc Bạch Đằng thể hiện ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Hiện, việc thiết kế trang phục, đạo cụ, mỹ thuật, kịch bản âm thanh ánh sáng công nghệ cao đã hoàn tất.
Phát huy giá trị di sản Hoàng Thành thế nào?
Phối cảnh sân khấu vườn hoa Lý Thái Tổ trong ngày khai mạc Đại lễ |
Dự kiến, vào tháng 9 này, Hoàng Thành Thăng Long sẽ chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, với một lượng di vật khổng lồ thu được qua việc khảo cổ, hiện tại việc chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ hiện vật đang diễn ra hết sức vất vả. Bên cạnh đó, tại Thành cổ, có nhiều điểm cũng mới được các cơ quan đơn vị bàn giao. Vì thế, phải làm thế nào để gạt bỏ những bề bộn, chỉnh trang Hoàng Thành đón du khách gần xa là việc làm không dễ, nhất là trong thời gian chỉ còn hơn 1 tháng nữa. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khẩn trương hoàn thành phương án trưng bày khả dĩ nhất để phục vụ nhân dân và du khách quốc tế. Bởi, đây là dịp tốt nhất, để quảng bá về hình ảnh Thăng Long - Hà Nội trong mắt bạn bè quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, đối với phần diện tích vừa được trao trả như Trạm y tế số 5, Ban quản lý Dự án xây dựng Nhà Quốc hội, Bãi đỗ xe của Văn phòng Quốc hội... phải khẩn trương trang hoàng. Được biết, để chuẩn bị cho việc đón khách tham quan, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cũng đang có phương án làm đường dẫn trong khu di chỉ 18 Hoàng Diệu cũng như bảo vệ tốt các di sản dưới lòng đất. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với đề xuất của UBND thành phố Hà Nội là không tổ chức một Lễ đón bằng Di sản thế giới riêng, mà sẽ tổ chức chung trong Lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm vào sáng 1-10 tại Sân khấu tượng đài Lý Thái Tổ.
Cắt giảm một số hoạt động
Trong cuộc họp chiều hôm qua, Phó Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ VHTT&DL về việc bãi bỏ dàn kèn đồng 1.000 người và dàn hợp xướng 1.000 người trước khán đài B và C trong Lễ diễu binh diễu hành sáng 10-10 tại Quảng trường Ba Đình. Sở dĩ phải cắt bỏ, là vì sau khi xây dựng kịch bản tổng thể, BTC nhận thấy việc triển khai không hiệu quả, bởi địa điểm dự kiến không đủ rộng, bên cạnh đó, tổng kinh phí dự trù cho việc dàn dựng, tổ chức, chi phí ăn ở đi lại cho 2.000 người đã lên tới 10 tỷ đồng. Vì thế, tiết mục ngợi ca Hà Nội dự kiến do dàn hợp xướng này thể hiện sẽ chuyển sang khối quần chúng do Hà Nội đảm nhận và thực hiện. Một hoạt động nữa cũng sẽ không được thực hiện là việc gióng chuông chùa, chuông nhà thờ trên địa bàn Thủ đô vào đúng 6h sáng ngày 10-10. Thay vào đó sẽ là màn bắn 21 phát đại bác, trong lúc cử Quốc thiều trước Lễ diễu binh diễu hành.
Lo ngại thời tiết Hà Nội mưa nắng thất thường, BCĐ quốc gia đã từng giao cho một số ban, ngành triển khai việc dự báo thời tiết sớm, cùng nghiên cứu việc sử dụng công nghệ hiện đại để xua mây tại Quảng trường Ba Đình, trong Lễ diễu binh diễu hành nếu trời đổ mưa. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, kinh phí dự trù thực hiện quá lớn, vì thế, Phó Thủ tướng cũng đã nhất trí, bỏ phương án này và dù trời có mưa, các hoạt động kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm vẫn sẽ diễn ra bình thường. Về việc lược bỏ một số hoạt động, Phó Thủ tướng cho rằng, các hoạt động của Đại lễ phải diễn ra trên tinh thần văn minh, trang trọng và tiết kiệm, không vì chạy theo thành tích mà lãng phí tiền của.
Quỳnh Vân