​ Lễ hội đền Hai Bà Trưng chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

ANTD.VN - Trong ngày khai hội, lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã chính thức đón nhận danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Trong ngày khai hội, lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội) đã chính thức đón nhận danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

 

Hôm nay 21-2 (mồng 6 tháng Giêng năm Mậu Tuất), tại quảng trường di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã diễn ra lễ kỷ niệm 1978 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng.

Tham dự lễ hội có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Về phía TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà. Hàng nghìn người dân và du khách thập phương cũng  đã về tham dự lễ hội.

Lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng năm nay ghi nhận dấu mốc đặc biệt khi được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ đón nhận danh hiệu này đã được tổ chức long trọng trong ngày khai hội. Ông Đoàn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, danh hiệu cao quý này là niềm vui và niềm tự hào của người dân huyện Mê Linh nói riêng và TP Hà Nội nói chung.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, di tích quốc gia đặc biệt - Đền thờ Hai Bà Trưng vẫn là địa chỉ thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm đến tham quan và chiêm bái. Trong thời gian tới, chính quyền và người dân huyện Mê Linh sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của lễ hội để xứng đáng với công lao to lớn của hai bậc nữ anh hùng hào kiệt Trưng Trắc và Trưng Nhị.

Như thông lệ, lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng năm nay được tổ chức với nhiều nghi lễ như: dâng hương, rước kiệu, tế lễ, diễn xướng tái hiện chiến tích hào hùng khi Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa… Cùng với đó là các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian như: đu quay, bịt mắt bắt dê, vật cổ truyền… để du khách có dịp tham gia và tìm hiểu về những nét đẹp truyền thống xưa.

Đặc biệt, toàn bộ hàng quán, ki-ốt trong khuôn khổ lễ hội đều do Hội Phụ nữ các xã trong huyện đăng cai, giới thiệu với du khách thập phương những sản vật đặc trưng. Tất cả đều được Ban quản lý lễ hội giám sát chặt chẽ về khâu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chia sẻ thêm về lễ hội năm nay, đại diện lãnh đạo UBND huyện Mê Linh cho biết, Ban tổ chức đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo sự an toàn, trang nghiêm của lễ hội cũng như đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi của du khách thập phương. Trong đó, khu vực dịch vụ và vui chơi được tách riêng khỏi các khu vực tâm linh để tạo không gian và cảnh quan thoáng đãng.

 Lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng sẽ diễn ra đến hết ngày 23-2-2018 (mồng 8 tháng Giêng).