Lễ hội dâng trâu mùa xuân ở cửa Ô Quan Chưởng

(ANTĐ) - Thời Lê trung hưng và Lê mạt thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, cứ sắp sang năm mới là bộ Công, (một bộ phụ trách việc xây dựng) phải cáng đáng một công việc tuy không nặng nhọc nhưng thiêng liêng đó là làm những con trâu đất để cử hành lễ Tiến xuân ngưu (tiến trâu vào tiết lập xuân) khắp mặt vua quan đều tham dự.

Lễ hội dâng trâu mùa xuân ở cửa Ô Quan Chưởng

(ANTĐ) - Thời Lê trung hưng và Lê mạt thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, cứ sắp sang năm mới là bộ Công, (một bộ phụ trách việc xây dựng) phải cáng đáng một công việc tuy không nặng nhọc nhưng thiêng liêng đó là làm những con trâu đất để cử hành lễ Tiến xuân ngưu (tiến trâu vào tiết lập xuân) khắp mặt vua quan đều tham dự.

Có một người phương Tây đã từng được chứng kiến một lễ hội này: Đó là Giáo sĩ Francisco Gil de Federich người Tây Ban Nha đã ở Thăng Long từ năm 1737 đến 1747. Ông này đã mô tả lễ hội Tiến xuân ngưu trong bức thư gửi cho giáo sĩ Adriamo di Santa cũng đã từng ở Thăng Long từ 1738 đến 1765 và giáo sĩ này đã thuật lại trong một tập sách của ông in năm 1750 có nhan đề “Khảo cứu nhỏ về các giáo phái của người Trung Quốc và người Đông Kinh”.

Vào thời đó, hàng năm vào ngày Đông chí (thường là ngày 21 hoặc 22 tháng 12 Dương lịch) quan Thiên tư giám (chức quan đứng đầu Khâm Thiên giám là cơ quan xem thiên văn và làm lịch) dâng lên vua bài biểu báo cáo ngày nào là ngày Lập xuân đồng thời dâng trình mô hình một tượng trâu bằng đất và một tượng chú mục đồng chăn trâu. Mục đồng chính là hình tượng thần Câu Mang (tức là thần chủ về mùa màng).

Còn tượng trâu thì mỗi năm nhuộm một màu, ứng vào ngũ hành của ngày Lập xuân. Theo quan niệm xưa mỗi  ngày mỗi năm đều ứng vào một trong năm hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và mỗi hành ứng vào một màu (ví dụ thuộc hành Kim thì màu trắng, hành Mộc thì màu xanh, hành Thủy thì màu đen v.v…).

Vua xem xét rồi phê chuẩn. Thế là bộ Công phải theo mô hình đó mà đắp bằng đất tượng mục đồng và tượng trâu kích thước như người và trâu thật. Ngoài ra còn phải nặn thêm 1.300 con trâu cao một thước ta (chừng 0,4m). Tất cả được để ở Nha Môn ngưu gần cửa Đông thành Thăng Long. Tới ngày Lập xuân thì đem ra tế lễ. Ngày Lập xuân đến sau ngày Đông chí 45 ngày (tức là vào ngày 4 hoặc 5 tháng 2 dương lịch).

Nghi lễ tiến hành như sau: Vào tối hôm trước ngày Lập xuân, vị quan đứng đầu Thường ban cục - tức một cục chuyên phụ trách việc lễ nghi của bộ Công - rước tượng trâu và Mang thần (tượng lớn) đến đàn tế dựng ngay ở cửa Ô Đông Hà tức Ô Quan Chưởng ở đầu phố Hàng Chiếu ngày nay (Có điều là cửa ô như ta thấy bây giờ là mới xây lại vào năm 1817). Dựng đàn tại đó vì là hướng chính Đông, ứng với mùa Xuân. Cùng lúc, các nhân viên của Thường ban cục đem 1.300 trâu bé đặt ở cạnh ngục Đông Môn ngay cạnh cửa Đông thành.

Đến đúng nửa đêm, tức bước sang giờ Tý mở đầu cho ngày Lập xuân, vị quan đứng đầu Kinh thành Thăng Long là quan Phủ doãn được hai quan huyện Thọ Xương và Quảng Đức tháp tùng (ngày ấy kinh thành Thăng Long được gọi là Phủ Phụng Thiên gồm hai huyện nói trên).

Minh họa: Hà Trí Hiếu
Minh họa: Hà Trí Hiếu

Họ đến đàn tế Đông Hà làm lễ tuần thứ nhất. Nhưng không phải chỉ có ba viên quan này và một số lính hầu, mà hầu như đa số nhân dân kinh thành đều đổ về đây xem tế. Họ xúm lại đứng quanh tế đàn, chật cả mặt đê mà nay là đoạn đầu đường Trần Nhật Duật.

Giữa đêm khuya, trời tối đen, hàng trăm ngọn đuốc rừng rực cháy, đàn tế trang trọng, các quan chức đứng tế trang nghiêm, tiếng trống, tiếng chiêng hào hứng tạo ra một không gian thiêng liêng. Tế xong, trâu và Mang thần lại được rước về đền Bạch Mã bên sông Tô (nay còn ở phố Hàng Buồm) để tế tuần thứ hai, vì đền này thờ thần Long Đỗ là vị thần thành hoàng của cả kinh thành Thăng Long.

Tế lễ xong, Mang thần được đem chôn ở bờ sông, còn trâu đất được rước vào trình nhà vua. Tới đây trời đã sáng. Dân vẫn rồng rắn nô nức đi theo thành một đám rước náo nhiệt như mọi đám rước ở các hội làng. Chính giáo sĩ Federich có kể là dân chúng vừa đi vừa hát: Bao giờ Mang hiện đến nay/ Cày bừa cho chín mạ này đem gieo. Ba ông quan đầu phủ, đầu huyện mỗi người cầm một cành dâu thỉnh thoảng làm ra vẻ quất vào trâu, bắt chước người đi chăn trâu.

Đến cửa Đại Hưng (Cửa Nam), dân phải dừng lại, chỉ có Phủ doãn và hai Tri huyện được theo kiệu rước trâu tiến vào cửa Đoan Môn và sau một thời gian chờ đợi, được tiến vào sân điện Kính Thiên. Tại đây bách quan áo mão cân đai rực rỡ, đứng xếp hàng theo ngôi thứ. Vua thì ngự ở chính điện. Trâu được đặt ngay giữa sân Đan Trì. Vua xuống ngai, làm lễ.

Nhã nhạc, đàn sáo, chiêng trống tưng bừng. Các quan tuần tự lễ vua. Lễ xong, các kiệu rước trâu được các quan bộ Lễ đem cất vào trong kho của bộ. Trâu đất được đưa về cửa Đông. Tại đây, trâu được pha ra, lấy một miếng thủ, một miếng chân, một khấu đuôi, rồi cùng với 300 con trâu bé được dâng lên vua.

Vua đem phân phát cho các quan dự tế và các đền miếu ở Kinh thành. Còn lại 1.000 con trâu bé thì được tiến sang phủ Chúa Trịnh. Chúa cũng sai đem chia cho các đơn vị quân đội. Thế là kết thúc lễ Tiến xuân ngưu.

Sang đầu thế kỷ XIX, Phan Huy Chú có ghi nhận lễ Tiến xuân ngưu trong thiên “Lễ nghi chí” của bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” nhưng sơ lược.

Thực ra lễ này gồm 2 ý nghĩa tách biệt: Tống tiễn mùa đông và đón nhận mùa xuân. Vì trâu là tượng trưng tháng cuối năm - tháng Sửu - còn biểu thị cái rét. Cho nên mổ trâu đất là để át khí lạnh mùa đông. Và đón xuân mới để trời đất hồi sinh. Nhưng trong thực tế sản xuất của dân Việt Nam ta thì con trâu còn là “đầu cơ nghiệp” là sức kéo cơ bản trong nông nghiệp, là bạn thân thuộc của nghề nông nên rước trâu còn có ý nghĩa khuyến nông.

Trong các lễ hội cổ ở nhiều làng quê Bắc bộ cũng thường có lệ rước hình trâu bện bằng rơm hay đan bằng tre phất giấy cũng là nghi thức khuyến nông. Như vậy lễ Tiến xuân ngưu vào ngày Lập xuân là một phong tục vừa có tính nghi thức cung đình lại vừa có tính tín ngưỡng dân gian của Kinh thành Thăng Long một thuở. Và lễ hội dâng trâu mùa xuân này tồn tại suốt thời Hậu Lê ở Thăng Long cũng là một thành phần của văn hóa dân gian kinh thành.

Nguyễn Vinh Phúc