"Lão tướng Tuồng" Mịch Quang qua đời ở tuổi 101

ANTD.VN -Nhà nghiên cứu Mịch Quang, người được mệnh danh là “Lão tướng Tuồng” đã qua đời tại nhà riêng vào ngày 14/2/2018, hưởng thọ 101 tuổi. 

Mịch Quang là nhà nghiên cứu, soạn giả hàng đầu của nền sân khấu cách mạng. Ông đã được tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh năm 1917 trong một gia đình yêu nước dòng dõi khoa bảng ở Bình Định. Từ năm 5 tuổi, cậu bé Nguyễn Thế Khoán đã làm quen với những nhân vật nổi tiếng của sân khấu tuồng cổ như Tiết Cương, Trương Phi, Địch Thanh, Đổng Kim Lân... Bộ môn nghệ thuật độc đáo này đã theo ông suốt thời niên thiếu, trong cả những tháng năm lên thành phố Quy Nhơn học.

Trong kháng chiến chống Pháp, Mịch Quang là cán bộ tuyên văn trung đoàn 94 ở Liên khu 5. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. Sớm tiếp thu những tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương cùng với những sáng tạo không mệt mỏi, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã có nhiều đóng góp có giá trị cho văn học nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu tuồng Mịch Quang

Mịch Quang là một trong những người mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên và đạt được những thành tựu quan trọng trong xây dựng sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống. Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Đào Tấn và trong suốt nửa thế kỷ qua vẫn tiếp tục có những công trình nghiên cứu sâu sắc về Đào Tấn - nhà yêu nước, nhà hoạt động sân khấu kiệt xuất, nhà thơ lỗi lạc của dân tộc.

Cho đến nay, nhiều phát hiện, khám phá về nghệ thuật truyền thống dân tộc của Mịch Quang đã trở thành tài sản chung của giới nghệ thuật học dân tộc. Các khái niệm như “hiện thực tả ý”, “phương pháp mô hình hóa”, “sân khấu tổng thể tích hợp”, “tự sự kịch tính trữ tình”, “cấu trúc động mở” hay các phạm trù mỹ học dân tộc như “cái hùng”, “cái hậu”, “cái nhu” do Mịch Quang tổng kết đã được các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc có uy tín như GS Hoàng Châu Ký, GS.NSND Trần Bảng, GS Hồ Sĩ Vịnh, PGS.TS Tất Thắng, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong, GS.TS Trần Văn Khê… cùng nhiều nhà nghệ thuật học thế hệ sau vận dụng và phát triển.

Thành công nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Mịch Quang là tác phẩm “Kinh dịch với nghệ thuật truyền thống” (Sân khấu - Âm nhạc - Mỹ thuật) được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Hàng chục tác phẩm vừa nghiên cứu khoa học, vừa sáng tác nghệ thuật, vừa nêu lên những kinh nghiệm quý báu của mình từ bao năm gắn bó với sân khấu của ông như chuyên luận xuất sắc về danh nhân Đào Tấn, về âm nhạc Cải lương, Bài chòi, về mỹ thuật dân tộc, những kịch bản sân khấu Kịch thơ, Tuồng, Cải lương được đánh giá cao…

Ở tuổi bách niên, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang còn rất minh mẫn và cho xuất bản cuốn “Học, hiểu và khám phá nghệ thuật dân tộc”. Song tuổi cao sức yếu, ông đã qua đời ngay trước thềm năm Mậu Tuất.

Lễ viếng soạn giả Mịch Quang được tổ chức lúc 8h đến 8h45’ ngày mùng 6 tết âm lịch, tức ngày 21/2/2018 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu lúc 9h cùng ngày và an táng tại Lạc Hồng Viên.