Lặng thầm sau những thước phim

(ANTĐ) - Từ những năm 90, khi bộ phim “Tây Du ký” được trình chiếu, với giọng thuyết minh dí dỏm của NSƯT Kim Tiến và Minh Trí, hàng triệu khán giả đã “ăn ngủ” cùng bộ phim, dõi theo từng bước đường của thầy trò Đường Tăng.

Lặng thầm sau những thước phim

(ANTĐ) - Từ những năm 90, khi bộ phim “Tây Du ký” được trình chiếu, với giọng thuyết minh dí dỏm của NSƯT Kim Tiến và Minh Trí, hàng triệu khán giả đã “ăn ngủ” cùng bộ phim, dõi theo từng bước đường của thầy trò Đường Tăng.

Bộ phim Bao Thanh thiên trở nên hấp dẫn qua giọng thuyết minh truyền cảm của Phạm Ngọc Thạch
Bộ phim Bao Thanh thiên trở nên hấp dẫn qua giọng thuyết minh truyền cảm của Phạm Ngọc Thạch

Nói đến thuyết minh phim, người ta thường nhớ ngay tới những cái tên từng “làm mưa, làm gió” trên truyền hình khiến khán giả mê mẩn như NSƯT Kim Tiến, nghệ sỹ Thu Hiền, Minh Trí, Kiều Oanh, Phương Dung...

Từ những năm 90, khi bộ phim “Tây Du ký” được trình chiếu, với giọng thuyết minh dí dỏm của NSƯT Kim Tiến và Minh Trí, hàng triệu khán giả đã “ăn ngủ” cùng bộ phim, dõi theo từng bước đường của thầy trò Đường Tăng.

Sau này, dù năm nào bộ phim cũng được phát lại nhưng người xem vẫn không thấy chán. NSƯT Kim Tiến còn gây được ấn tượng đặc biệt ở dòng phim phương Tây với giọng thuyết minh trẻ trung, khỏe, phản xạ tốt, phù hợp với tiết tấu nhanh, mạnh của dòng phim này. Ngay cả có những cảnh phim 4-5 nhân vật cùng xông vào tranh luận, cãi nhau, đòi hỏi phải thuyết minh liên hồi, bà vẫn làm rất tốt.

thuyết minh phim Kim Oanh, người được biết tới có giọng đọc rành mạch đã rất thành công với dòng phim hành động, hình sự. Có thể nói bên cạnh nội dung thì giọng người thuyết minh có ý nghĩa quyết định đến sự hấp dẫn của bộ phim. Không ít phim do thuyết minh kém, không truyền cảm khiến khán giả phải chuyển kênh hoặc không đủ kiên trì để theo dõi hết bộ phim.

Những năm gần đây, hàng loạt các bộ phim Trung Quốc được trình chiếu trên truyền hình và hầu như phim nào cũng chiếm được cảm tình của khán giả. Một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công đó không thể không nhớ tới thuyết minh phim Thu Hiền.

Với giọng nói ấm áp, tình cảm, khoan thai, những bộ phim cổ trang Trung Quốc “Hồng Lâu Mộng”, “Khát vọng”, “Danh gia vọng tộc”... như được “chắp thêm cánh” trên hành trình đi vào lòng người xem. Hay gần đây, Đài truyền hình Hà Nội công chiếu bộ phim “Bao Thanh Thiên”, với giọng thuyết minh ấm áp của Phạm Ngọc Thạch, khán giả đã hoàn toàn bị chinh phục.

Một cái tên khác cũng rất được ưa chuộng khi thuyết minh hàng loạt bộ phim mới công chiếu như: Ván bài đen tối, Bảo hiểm tình yêu, Quận Cam, Bước vào đời tôi..., Phương Dung đang được coi là một trong những thuyết minh đầy triển vọng của VTV. Trong tháng 10 vừa qua, chị đã lập kỷ lục khi đọc 10 tập phim mỗi ngày. Rồi Quỳnh Liên, một biên tập viên kiêm biên dịch, thuyết minh của mảng phim Pháp trên Truyền hình Cáp Việt Nam.

Dù thời lượng phát sóng phim ngoại trên sóng các đài truyền hình là khá lớn và ngày càng được mở rộng, đòi hỏi thuyết minh phim không thể không có. Thế nhưng hiện tại vẫn chưa có trường lớp đào tạo bài bản nào cho nghề này.

Hầu hết các thuyết minh phim hiện có đều xuất thân từ các trường đại học Ngoại Ngữ, vừa biên dịch vừa thuyết minh. Với đặc thù nghề nghiệp, đòi hỏi họ không chỉ phải có một giọng nói chuẩn, tròn vành rõ tiếng mà phải có sắc thái riêng, truyền cảm, thể hiện tốt sự vui buồn của nhân vật, khi giọng đi qua micro phải lột tả được cảm xúc (người trong nghề gọi là “ăn mic”).

Sở dĩ hầu hết những người làm công việc thuyết minh đều được lựa chọn từ các phát thanh viên vì họ là những người được công nhận đạt yêu cầu về giọng nói. Tuy nhiên, theo BTV Phương Dung, ngoài yếu tố giọng nói, người thuyết minh cần biết ngoại ngữ, là người trực tiếp biên dịch, biên tập phim, hiểu nội dung, tâm lý nhân vật thì sẽ có nhiều lợi thế hơn, dễ dàng điều chỉnh câu sao cho ngắn gọn, dễ hiểu nhất. Ông Ngọc Thạch cũng cho rằng “Tốt hơn hết người thuyết minh là người biên dịch”.

Một công việc tưởng chừng giản đơn như vậy, nhìn chữ và đọc nhưng ở trong nghề mới biết được để có được những sản phẩm hoàn thiện phục vụ khán giả, những người làm thuyết minh cũng phải đối mặt với không ít tai nạn nghề nghiệp. Chẳng hạn như đúng hôm phải đọc thì lại bị viêm họng, ngạt mũi.

Hoặc đang nói thì ho, hắt hơi, thuyết minh xong quên không tắt mic và hồn nhiên nói chuyện khiến khán giả ngơ ngác. Hoặc đuổi theo cảm xúc nhân vật mà bị “trượt cảnh”... Hoặc ù tai, chóng mặt khi phải ngồi phòng thu 4-5 tiếng liền với chiếc headphone luôn áp sát hai bên tai. Tất cả những rủi ro đó hầu như ai trong nghề cũng đều mắc phải nhưng thời gian, kinh nghiệm và sự yêu mến của khán giả cũng những thần dược rất đời thường như ô mai ngậm, chanh muối và những cốc nước thật to đã giúp họ trưởng thành và ngày càng đến gần với khán giả hơn.

Khánh Hòa