"Lặng phố" - cuốn sách "độc bản" về tình yêu Hà Nội

ANTD.VN -  “Lặng phố”, cuốn sách có sự kết hợp giữa thế hệ cầm cọ 7X (họa sỹ Phạm Bình Chương) và thế hệ cầm bút 9X (nhà văn Lê Nguyễn Nhật Linh) vừa ra mắt bạn đọc. Điểm độc đáo của tác phẩm là sự hòa quyện giữa văn chương và hội họa để khắc họa  tình yêu Hà Nội.  

Tình yêu chung dành cho Hà Nội

Họa sỹ Phạm Bình Chương sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Còn nhà văn trẻ Lê Nguyễn Nhật Linh sinh ra tại Hà Tĩnh. Dù khác nhau về nơi sinh nhưng cả hai đều nhận mình rất yêu Hà Nội. Bằng cớ là họ đã cùng nhau tạo dựng và cho ra mắt cuốn sách “Lặng phố” mang dáng dấp của những con phố Hà Nội.

Nhật Linh chia sẻ, cô luôn có một chút lo lắng khi viết về Hà Nội bởi mảnh đất này đã có quá nhiều cây bút kỳ tài khai thác và để lại dấu ấn sâu đậm. Hơn thế, Nhật Linh không được sinh ra tại nơi đây nên cô chỉ có thể viết về Hà Nội bằng ký ức hữu hạn chứ không phải bởi tháng năm dài lâu. Thế nhưng, một ngày Nhật Linh nhận ra, Hà Nội vẫn luôn ở đó, trong ký ức và nỗi nhớ của mỗi người.

Do vậy, Nhật Linh đã lựa chọn cách viết tự nhiên, bằng cảm xúc chân thành của một người yêu Thủ đô. Cô đã đi qua bốn mùa của Hà Nội bằng cảm nhận về mùi vị, màu sắc, phố phường, nỗi nhớ về Thủ đô. ..Chỉ nhẹ nhàng như vậy nhưng khi đọc những con chữ, người xem đều cảm nhận được giọng văn mạnh mẽ, nội lực và rất xúc cảm của nhà văn trẻ.

Họa sỹ Phạm Bình Chương

Trong khi ấy, họa sỹ Phạm Bình Chương lại có ký ức bền bỉ về Hà Nội – nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Hà Nội với anh không chỉ là những cảm nhận từ ngày thơ bé mà đó còn là ký ức hào hùng của mảnh đất ngàn năm văn hiến qua lời kể của đấng sinh thành ra mình. Vì thế, Phạm Bình Chương vẽ về Hà Nội bằng trường phái biểu hiện hiện thực không khó hiểu. Nhưng để đi đến tận cùng của con đường ấy, ít ai biết anh đã từng có những tháng ngày loay hoay trong nghệ thuật. Và cuối cùng anh nhận ra, chỉ với phong cách vẽ tỉ mỉ, chi tiết về phố phường Hà Nội mới đưa anh trở lại chính mình.

Trong tranh có chữ, trong chữ có tranh

Phố trong tranh Phạm Bình Chương chính là những bóng nắng ngày hè, là những bậc cầu thang lên xuống như những phím đàn piano, là những cửa sổ cũ kỹ, mộc mạc nhưng thân thương… Và trong cuốn sách “Lặng phố”, Phạm Bình Chương đã đưa tới người đọc những bức tranh đầy cảm xúc về Hà Nội đã được anh miệt mài vẽ trong nhiều năm. Sự tách bạch giữa hội họa và văn chương đã được xóa nhòa trong cuốn sách cũng bởi tính nhịp nhàng và ăn nhập giữa những con chữ và các bức tranh. Trong tranh có chữ và ngược lại, trong chữ có tranh.

Nhà văn trẻ Nhật Linh

Họa sỹ Thành Chương đã đánh giá cao sự kết hợp ấy và chia sẻ: “Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi thấy tranh và văn rất ăn nhập với nhau. Các đoạn văn tả về Hà Nội như các bức tranh hiện thực, không đi chệch ra khỏi hướng đi chung của toàn bộ cuốn sách”.

Không quá khi nói rằng “Lặng phố” chính là sự kết hợp về tư tưởng nghệ thuật của nhiều thế hệ nghệ sỹ dành cho Hà Nội. Cuốn sách không có mã vạch và không bán trên thị trường. Mục đích của 2 tác giả là tạo nên các cuốn sách độc bản bằng việc in giới hạn số lượng. Điều này nghe tưởng như vô lý nhưng lại được nhà văn Nhật Linh giải thích rằng, chính vì hiếm, không có trên kệ sách nên 500 bản in này mới được coi như độc bản. “Lặng phố” sẽ được người đọc thưởng thức một cách chậm rãi, thong thả. Chỉ có như vậy, hồn phố, hồn người Hà Nội trong từng câu chữ, trong từng nét vẽ mới thấm tới từng độc giả.

Theo tiết lộ của họa sỹ Phạm Bình Chương, hầu hết các bản in của “Lặng phố” đến nay đã có chủ. Cuốn sách sẽ là món quà năm mới dành tặng mọi người, để cùng cảm nhận về mảnh đất nghìn năm văn hiến ở chiều của văn chương và hội họa.