Làng cổ hơn 500 năm với huyền thoại gốm tiến Vua

ANTD.VN - Làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) là một trong hai ngôi làng cổ được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (cùng làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Hơn 500 năm qua, người dân ở đây vẫn giữ được những nét tinh túy nhất của một làng quê cổ miền Trung, giữa dòng đời vạn biến.

Miếu cây Thị, một di tích nổi bật trong làng Phước Tích với cây thị cổ có tuổi đời trên 600 năm, đã được tôn vinh là Cây di sản Việt Nam

Nếu muốn tìm một chốn thật êm đềm, tĩnh mịch để tránh xa những ồn ào của phố thị, thì Phước Tích là một nơi lý tưởng. Thậm chí, những người yếu tim nếu đến Phước Tích vào một buổi trưa thanh vắng, sẽ còn cảm thấy hơi… rùng mình bởi sự u tịch đến gai người. 

Không bị “bê tông hóa”

Làng Phước Tích được thành lập vào khoảng thế kỷ 15, gần với thời gian mở mang bờ cõi về phương Nam của nhà nước phong kiến Đại Việt. Ngôi làng nằm bên sông Ô Lâu, lúc đầu làng có tên gọi là Phúc Giang như mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc. Đến đời Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích, với nguyện ước của người dân là tích phúc cho con cháu. Từ đó đến nay, trải qua bao đời, các thế hệ dân cư của làng tiếp nối truyền thống ông cha, xây dựng một làng quê tươi đẹp với những nét kiến trúc cổ kính đậm chất Huế, những nét văn hóa độc đáo mà không ở đâu có được.

Ông Lê Trọng Diễn, người sở hữu kho tàng gốm cổ

Con đường vào làng Phước Tích, đẹp một cách hiền hòa và bình yên. Ai đến đây đều có chung một cảm nhận như bước vào thế giới khác, một thế giới của làng quê thanh bình, yên ả từ những thế kỷ trước. Đường làng được trải gạch, phủ đầy lá rụng và tuyệt nhiên không có bóng dáng trâu bò, lợn gà thả rông, mà vô cùng sạch sẽ, trong lành. 

Phước Tích không có bất cứ dấu hiệu nào của “bê tông hóa”, và đó chính là điều tạo nên giá trị cổ kính của ngôi làng. Trong tổng số 117 nóc nhà của làng, hiện còn tới 27 ngôi nhà cổ, đa số là nhà rường 3 gian 2 chái và 10 nhà thờ họ cổ. Trong đó có 12 nhà rường có tuổi thọ hàng trăm năm, được xếp vào loại có giá trị đặc biệt và vô cùng quý hiếm. Điểm chung của những ngôi nhà này là luôn vắng lặng, do người dân hầu hết đã xa xứ làm ăn.

Điều lý thú là các ngôi nhà rường cổ ở Phước Tích liên kết với nhau, chỉ cách nhau một khu vườn rộng với những hàng chè tàu xanh mướt, đều tăm tắp uốn lượn theo trục đường làng, ngõ xóm và lối đi vào cổng nhà. Tất cả tạo nên một sức hút kỳ lạ. Cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê gần gũi của người Việt ở vùng Bắc Trung bộ, hàm mang triết lý “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Dòng sông Ô Lâu hiền hòa và xanh ngắt quanh năm, bao bọc lấy ngôi làng khiến nơi đây như một hòn đảo nhỏ. Quanh làng có di tích 12 bến nước tượng trưng cho 12 con giáp. Không khí ở đây vô cùng lý tưởng. Có lẽ cũng bởi điều kiện sống này mà dân làng Phước Tích có tuổi thọ rất cao. Trong 327 khẩu thì có khoảng 100 người độ tuổi 70 đến 103. Trong đó có 40 người từ 80 tuổi trở lên. 

Nghệ nhân Lương Thanh Hiền, người hiếm hoi bám trụ lại với nghề gốm ở Phước Tích giữa cuộc sống khó khăn thường ngày

Dấu tích huyền thoại gốm

Phước Tích còn nổi tiếng với nghề gốm từ hơn 500 năm nay với kỹ thuật nung bằng rơm, tạo ra những sản phẩm nức tiếng một thời dùng để tiến Vua.  “Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân”, câu thơ vẫn được người đời truyền tai nhau nhắc nhớ về một huyền thoại gốm Phước Tích. Đây là lò gốm cổ duy nhất còn sót lại sau bao thăng trầm của làng.

Gốm Phước Tích từng là một đặc phẩm hảo hạng của dải đất miền Trung. Không chỉ sản xuất dưới các dạng đồ gia dụng như: chậu, om, niêu, ấm, tộ, bình vôi, chum,… gốm Phước Tích còn được trưng dụng trong hoàng cung triều Nguyễn với nhiều cổ vật tinh xảo, đến nay còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế.

Gốm từng là niềm kiêu hãnh của người dân Phước Tích, nhưng để thấu hiểu và nghe những câu chuyện đầy tính chiêm nghiệm về điều đó, cần phải gặp ông Lê Trọng Diễn. Ngôi nhà cổ của ông Diễn hiện có đến hàng nghìn hiện vật cổ, được xem là bảo tàng lưu giữ lại ký ức vàng son một thời của gốm Phước Tích. 

Theo ông Diễn, trong hàng nghìn sản phẩm đó, có nhiều thứ được tạo ra từ thời ông nội của ông. Thưở còn trong loạn lạc, hầu hết được gia đình chôn xuống đất để tránh bị hư hỏng, và nó đã được bảo tồn nguyên vẹn cho đến hôm nay. “Có nhiều người hỏi mua nhưng gia đình không bao giờ bán. Tất cả những vật phẩm này đều do cha ông để lại. Với chúng tôi, nó còn quý giá hơn là của hồi môn vì đó chính là linh hồn của gốm Phước Tích, của xứ Huế một thời”, ông Diễn nói.