Lắng bước thu về
(ANTĐ) - Những ai được sinh ra và sống ở Hà Nội từ nửa đầu thế kỷ 20, hẳn còn nhớ quang cảnh rộng thoáng, đi từ các cửa ô vào nội thành, ngả nào cũng gặp sông, hồ, ao, lấp loáng bóng nước và những chiếc thuyền nan bồng bềnh hái rau, cắt hoa sen.
Mùa thu cũng là mùa tựu trường của năm họ mới. Ảnh: Tuệ Minh |
Cách mạng tháng 8 năm 1945, ngày 19, Thăng Long thành ngập trời rực đường phố cờ đỏ sao vàng, rùng rùng bước chân đoàn người diễu hành, đội quân tự vệ từ các cuộc biểu tình, chiếm lĩnh công sở tỏa ra cùng tiếng hô khẩu hiệu vang trời, dậy đất. Từ ngày ấy, Hà Nội đón mùa thu bằng ráng đỏ và rạng rỡ gương mặt đằm thắm của người dân Thăng Long.
Thăng Long - nơi lắng hồn núi sông hùng vĩ suốt 65 năm (1945-2010) trải 30 mùa thu suốt hai cuộc kháng chiến giữ nước, tiếp đến hơn 26 năm công cuộc đổi mới, ghi dấu ấn huy hoàng vào ngày Đại lễ 1.000 nawm Thăng Long đang đến gần (10-10-2010). Và mùa tựu trường được nâng niu, chăm chút trong nền văn hiến Việt Nam. Tiếng thu về đã và đang khỏa trong tiếng trống trường gọi học sinh tới lớp. Nhộn nhịp lắm, mà cũng nhiều thầm lặng, suy tưởng của dòng truyền thống hiếu học từ đời này đến đời sau.
Năm nay, tiếp theo mùa thi ĐH-CĐ náo nức từ tháng 6 sang tháng 7, tiết lập thu chưa về, ngành Giáo dục Hà Nội đã quyết định cho các trường học từ mẫu giáo đến lớp 12, trường nào có nhu cầu và điều kiện, được tập trung học sinh ngay từ đầu tháng 8, rồi khai giảng năm học mới, không nhất thiết phải đợi đến ngày 5 tháng 9 như các năm trước.
Thế là niên khóa 2010-2011 được khởi động sớm. Khởi động ngay trong những ngày các sĩ tử dự thi cấp cao đẳng vừa làm xong bài, rời nhà trọ giữa đợt nóng nực, mưa bão cuối mùa hè. Ngỡ như mùa thu đã về nhẹ nhõm trên tầng cao.
Từ lớp hai mới trở lên, các cô cậu học sinh gần xa đã soạn sách vở cũ, hỏi xin cha mẹ mua bọc sách vở mới. Các bậc phụ huynh đã chuẩn bị tiền sắm giấy, bút, đồ dùng học tập, sách giáo khoa, áo quần đồng phục cho con cái. Nhà nào có con vào lớp đầu cấp học thì lo xin học, nhập trường. Trường công lập không nhận hết được số học sinh lớp đầu cấp, thì đã có trường dân lập. Niềm vui quyện với nỗi lo. Lo bởi hy vọng.
Phố Tràng Thi - còn gọi là Trường Thi, dấu xưa còn in rõ “nhà tràng ”trong lịch sử 36 phố phường Hà Nội. Bước sang thế kỉ 21 này, người Hà Nội đã quen mắt rồi cảnh người bé cặp to, ba lô nặng từ 2 đến 4kg sách vở của học sinh cấp tiểu học, đeo vẹo cả xương sống, xương sườn. Con chữ thì nhẹ bẫng, nhưng đồ nghề mang vào lớp lại chình chịch một ôm. Thử nghĩ: Giá mình bé lại như thế, đi học như thế, mới thấy các cháu thật dũng cảm khi đến lớp. Cấp tiểu học bây giờ vẫn còn nhiều thứ sách giáo khoa lắm. Thứ nào mới cần thiết mang tới lớp. Các cụ Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Cao Bá Quát... thuở nhỏ đi học, chỉ một quyển sách, tập giấy bản nhẹ, cây bút lông, nghiên mực, thỏi mực thôi mà đã học thành tài, trở thành danh nhân đất nước. Nghĩ vậy, không so sánh khiên cưỡng, chỉ là thương các cháu.
Thăng Long xưa vào thu cũng đã là mùa học. Mà cũng là mùa cấy cày, trồng trọt, mẹ nuôi con, vợ nuôi chồng ăn học. Có bà chồng đi thi đậu tiến sĩ, là ông Nghè vinh quy về làng, vợ vẫn còn bận làm cỏ lúa dưới ruộng. Nói tới hai chữ “hiếu học” mà chỉ dành cho người đi học, e chưa đầy đủ ý nghĩa. Còn phải tôn vinh các bà mẹ thương con, người vợ trọng chồng coi trọng sự học nữa.
Nghĩ tiếp, còn gợi tới công lao, lòng mẹ dành cho việc học của con. Lúc con đỗ đạt, thành danh, mẹ có được hưởng thụ như công sức, tuổi đời mẹ bù trì cho con không? Khi con có miếng ngon mời mẹ, thì răng mẹ yếu rồi, không nhai được. Miền đất Thăng Long không chỉ ngày xưa, mà hôm nay còn có nhiều người mẹ trẻ, bà mẹ nghèo bán rau, gánh cháo, ấm nước chè, thu nhặt đồng nát để nuôi con ăn học. Tuổi mẹ vào mùa thu, sang mùa đông lúc nào chẳng biết. Quả là ái ngại khi nơi này, chốn kia, các bà mẹ phải xếp hàng từ tối đến sáng để xin vào lớp mẫu giáo cho con. Con đỗ đại học rồi, mẹ còn phải nuôi. Con mà bỏ học, mẹ là người đau khổ nhất. Đất hiếu học rất cần cả hiếu đễ. Mùa thu tựu trường cũng là mùa của lòng nhân ái. Một lần tôi nghe một cháu gái thủ thỉ nói vui với bạn thế này: “Ấy có thấy không?
Năm học của chúng mình vừa đúng với thời gian em bé nằm trong bụng mẹ!...”. Nghe vậy, tôi sững sờ. Hai nữ sinh ấy đang học lớp 9. Nghe bạn nói, em gái kia ngẩn mặt ra, khẽ mấp máy môi: “Ừ nhỉ…”. Hẳn cả hai cháu gái ấy có ví von hay nghĩ thêm như tôi chợt nghĩ thế này hay không: Mỗi năm học là một chu kỳ thai nghén của việc học để sao đây mỗi năm lên một lớp. Mẹ nuôi con ăn học rất vất vả rồi. Mà con đi học cũng nhọc nhằn, phải thật cố gắng. Đánh vật với bài tập khó, có phải là dễ dàng đâu. Đi học cũng cần tới lòng dũng cảm, sự bền bỉ. Cụ Cao Bá Quát ngày xưa lúc còn trẻ đã dùng dây gai buộc vào búi tóc rồi treo lên xà nhà để luyện chữ, nhỡ ngủ gật thì bị lôi tóc lên mà tỉnh dậy.
Mùa mở trường ở Thăng Long nay năm nào cũng khởi đầu từ mùa thu và có duyên với Tết Trung thu. Có năm Tết Trung thu trùng với ngày khai giảng năm học mới. Lắng bước thu về, Thăng Long gửi từng mùa thu đẹp vào lịch sử Hà Nội.
Tháng 7-2010
Ghi chép của Phong Thu