Làm sống lại lễ hội Trung thu xưa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

ANTD.VN - Lần đầu tiên, một không gian đúng “chất” Tết Trung Thu xưa sẽ được tái hiện ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Gần 500 nghệ sĩ cùng những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đã cùng chuẩn bị cho sự kiện độc đáo này. 

Làm sống lại lễ hội Trung thu xưa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ảnh 1Các em nhỏ sẽ có một không gian Trung thu đậm màu văn hóa Việt

1. Nghệ sĩ Xuân Bắc kể, có lần đi ngoài đường thấy trẻ em cầm bánh nướng, bánh dẻo ném nhau, anh thấy rất xót xa. Sự xót xa đó không chỉ đơn giản là tiếc của mà còn bởi tiếc vì các em không hiểu được giá trị và ý nghĩa của một nét giá trị văn hóa đặc trưng mỗi dịp Tết Trung thu. Cũng theo Xuân Bắc, nhiều lúc anh cũng như nhiều bậc làm cha làm mẹ, rơi vào tình trạng không biết đưa con đi đâu để bọn trẻ biết và được sống trong không khí Trung thu thực sự. 

Cũng bởi thế nên khi biết sẽ có một lễ hội đậm chất Trung thu được tổ chức tại Hà Nội, anh và đồng nghiệp Tự Long đã hào hứng xếp sắp lại mọi việc để được là một trong những người chung tay góp sức xây dựng chương trình này. Xuân Bắc chia sẻ, với những gì mà êkip lên tới gần 500 người là nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử… đang nỗ lực chuẩn bị thì anh tin, các em nhỏ sẽ có một không gian Trung thu đậm màu văn hóa Việt.

Ở đó, các em sẽ có chỗ để ngắm trăng, xa rời sự ồn ào náo nhiệt ngay phía bên kia bức tường... và quan trọng nữa là sẽ được trở lại với các trò chơi dân gian truyền thống đúng nghĩa như: nu na nu nống, ô ăn quan, bắn bi, rồng rắn lên mây, nhảy dây… Bản thân Xuân Bắc và Tự Long cũng đã học thuộc các bài đồng dao được truyền miệng từ đời xưa để đọc cho các em nhỏ thời nay nghe, cũng là để nhắc những người lớn nhớ lại tuổi thơ đầy ắp tiếng cười trong trẻo và hồn nhiên.

2. “Thu vọng nguyệt” được chọn là tên gọi cho sự kiện nghệ thuật ý nghĩa trên. Đặc biệt, chương trình sẽ được tổ chức ngay trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bà Phạm Bích Hạnh - đại diện đơn vị tổ chức cho biết, Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang những giá trị không chỉ về lịch sử, văn hóa, kiến trúc mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Mong muốn góp phần giáo dục các em, những thế hệ măng non về ý nghĩa của dịp Tết Trung thu thông qua chương trình này cũng là điều mà những người làm “Thu vọng nguyệt” hướng tới. 

Ví như, không chỉ mang đến sân chơi thuần túy cho các em, chương trình còn là dịp để các thành viên nhiều thế hệ cùng nhau ngược dòng lịch sử, tìm về không khí ngày Tết Trung thu xưa qua những lời kể, hồi ức, tư liệu của các nghệ nhân dân gian, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử như: nhà sử học Dương Trung Quốc, nghệ nhân phục dựng Trần Bách, Tiến sĩ Nguyễn Nhã… Không chỉ vậy, các em còn được tương tác với các nghệ nhân trong việc làm đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, làm giỏ thiên nga bông, giỏ thị… Các nghệ nhân ở khắp mọi miền đất nước cũng sẽ tham gia trình diễn nghệ thuật cắt tỉa và sắp đặt rau củ quả, hướng dẫn các em bày mâm cỗ Trung thu đúng chất Hà Nội xưa, làm bánh Trung thu truyền thống, đùm cốm lá sen….

Lần đầu tiên diễn ra song những người làm chương trình kỳ vọng, đây sẽ là sự kiện văn hóa được tổ chức hàng năm, góp phần tạo nên dấu ấn đặc trưng của Hà Nội mỗi dịp Tết Trung thu về. Vé tham gia sự kiện được bán với giá 390.000 -2.900.000 đồng/người.

3.  Đảm nhận vai trò dàn dựng chương trình, Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam chia sẻ, anh tin rằng mọi người sẽ không nhận ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi đến với “Thu vọng nguyệt”. Bởi lẽ, từ những bức tường bao quanh giếng Thiên Quang cũng sẽ được họa sĩ Lê Thiết Cương - Giám đốc mỹ thuật của chương trình biến thành các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt lung linh và đầy kỳ ảo. Không chỉ vậy, mọi người sẽ có cơ hội được ngắm nhìn và cảm nhận “dòng sông ánh sáng” của những nghệ sĩ sắp đặt hàng đầu Việt Nam. 

 Cũng theo Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam, sau khi tham gia các trò chơi dân gian và thưởng lãm ở khu vực phía ngoài, công chúng cũng sẽ được thưởng thức các màn trình diễn nghệ thuật trên sân khấu ở khu vực phía trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cụ thể, “Thu vọng nguyệt” sẽ diễn ra trong 3 ngày 29, 30-9 và 1-10-2017 và vào mỗi tối sẽ diễn ra một đêm nghệ thuật với chủ đề nhất định.

Theo đó, đêm đầu tiên sẽ thiên về hoài cổ và truyền thống; đêm thứ hai mang tính chất “tân cổ giao duyên” với việc thiên về thì hiện tại; đêm cuối cùng dành riêng cho các em nhỏ. Tất cả sẽ là sự hòa quyện của âm nhạc, mỹ thuật, ánh sáng và cảm xúc, tạo nên bản hòa tấu Tết Trung thu đa sắc màu nối liền quá khứ và hiện tại. Bộ ba nhà thiết kế Anh Thư, Hà Linh và Đức Hùng sẽ lần lượt ra mắt bộ sưu tập áo dài tương ứng với chủ đề của mỗi đêm nghệ thuật.

Chia sẻ về sự xuất hiện của mình trong đêm nghệ thuật đầu tiên, nhà thiết kế Anh Thư tiết lộ, gia đình cô vốn là người Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hàng Đào nên tình yêu Hà Nội luôn gắn bó, hiện hữu và nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi vậy, cô đã dành tâm huyết sáng tạo nên 30 mẫu áo dài trong bộ sưu tập mang tên “Khúc nguyệt ca” ra mắt vào đêm nghệ thuật đầu tiên  29-9 tới. Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ những nét đẹp của Hà Nội xưa và mùa thu Hà Nội.