Làm sao hiện thực ước mong phát triển du lịch của ngư dân bám biển?

ANTD.VN -Đã hơn 2 tháng kể từ khi cơn bão số 10 mưa trắng trời và gió giật điên cuồng đổ bộ vào miền Trung, gây nên thiệt hại nặng nề cho những người dân chài lưới tại xã Cẩm Nhượng ven biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) nhưng hậu quả của bão vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Ngư dân tiếp tục ra khơi, mùa đông đi biển xa hơn và để dành ngày cuối tuần ngóng trông khách du lịch.

Làm sao hiện thực ước mong phát triển du lịch của ngư dân bám biển? ảnh 1

Vẻ đẹp hoang sơ của biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh

Ông Quang, một người đàn ông làng chài Cẩm Nhượng tuổi ngũ tuần gầy gò, da rám nắng đứng hắt hiu bên chiếc xe điện màu xanh. Sau nhiều năm tích góp, ngày 22-4 năm ngoái, ông đã mua được chiếc xe này với giá 125 triệu đồng để chở du khách tham quan biển Thiên Cầm nhằm kiếm thêm thu nhập. Ông không thể ngờ, chiếc xe điện lấy về lại đúng vào thời điểm biển miền Trung cá chết hàng loạt.

Chim trời cá nước: khó nói

Số tiền ông Quang được hỗ trợ sau sự cố Formosa xả thải là 17 triệu 500 nghìn đồng. Với kinh nghiệm chạy xe điện chở du khách khoảng 4 năm, trước khi quyết mua xe mới, ông Quang đã tính: “Xe này chạy 2 năm là hòa vốn”. Vậy mà năm ngoái “móm” vì biển cá chết hàng loạt, năm nay bão to bão nhỏ kéo về, phép tính của ông Quang trở nên phức tạp hơn: “Trước người ta mua xe ra của ăn của để, đi ăn đi chơi, tôi mua xe kiếm cơm kiếm gạo. Lấy lại vốn xe khó lắm”.

Người đàn ông này đăm chiêu: “Cứ 2 năm phải thay một bình sạc điện cho xe, mất khoảng 22 triệu đồng. Năm 2017, một hợp tác xã được thành lập, người ta ghi sổ sách từ đầu năm đến cuối năm rồi chia thu nhập, những người lái xe điện từ 4 giờ sáng đến 11 giờ đêm ven biển Thiên Cầm trung bình một năm chỉ được tầm 30 triệu đồng”.

Ông nhớ lại: “Năm kia (2015), đầu tư mua xe điện chở khách tham quan trở thành một trào lưu đối với ngư dân ven biển Thiên Cầm, nên nhiều người không tính toán. Tôi giả sử có nơi này có 1000 phòng nghỉ cho khách, đông nhất là 3000 khách, càng nhiều xe điện, chia ra mỗi người được ít tiền hơn, có người khi mua xe là vay mượn, giờ vẫn chưa trả được nợ”.

Con đường ông Quang chở chúng tôi tới thăm làng chài của ông, 8h tối, tối mù tối mịt. Đường không một ngọn đèn đường, chỉ có đèn xe. Thi thoảng, vài ánh đèn nhà dân, hàng quán hắt ra. Đôi mắt ông lấp lánh, hồi tưởng trước vẻ tiêu điều: “Mùa hè đông khách đèn đường mới bật, từ 30-4 tới 2-9, trên biển sẽ lấp lánh ánh đèn của thuyền cho du khách câu mực”.

Sau bão số 10, nhiều ngôi nhà nơi đây bị tốc mái, có nhà hàng sập hết chưa khôi phục lại. Từ khi bão số 10 tan đến nay, hệ thống nước thải ở làng chài vẫn hỏng, từng vũng nước lênh láng đường. Trừ những người dân chọn sang Hàn Quốc, Đài Loan xuất khẩu lao động, những người trong làng ngày nào cũng tới đền Cả thắp hương cầu thuyền đánh bắt trở về an toàn.

Cánh tay ông Quang chỉ ra biển tháng 11, chỉ có ánh đèn sáng quẹt quẹt nơi ngọn hải đăng, biển động, người làng chài không ra biển đánh cá. Mùa đông họ thường đánh bắt xa, trên 40 hải lý, khoảng 5-7 ngày lênh đênh. Đối với họ, xem tivi, nghe đài là việc không thể bỏ qua, họ sẽ nắm tình hình biển mà ra khơi. Nhưng, “Khó nói trước cá nước chim trời, 7 người thuê chung một chiếc tàu, nếu một tuần đi biển được 20 triệu đồng sẽ hết 5 triệu tiền dầu, tiền ngư cụ, tiền ăn, tiền lưới... Phần còn lại: 50% trả cho chủ tàu, vỏn vẹn còn 7 triệu rưỡi cho 7 ngư dân chia nhau” – ông Quang đưa ví dụ đơn giản. Nhưng biển vô cùng, biển không biết trước được, có khi sau chuyến đi mỏi mệt ngay cả trả chi phí ra khơi người dân cũng không đủ trả, thành ra lỗ vốn.

Đoàn khảo sát dâng hương tại Khu lưu niệm Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)

Kết nối với Hà Nội, Quảng Ninh: du lịch Hà Tĩnh cần phát triển có trọng tâm

Những người đàn ông lái xe điện ven biển không biết xoay sở làm sao để nhiều du khách hơn, bám biển hay đợi du khách đều khó. Vợ họ thường bán tạp hóa, hoặc làm hợp tác xã, con cái học hành rồi làm xa. Còn những người thanh niên ven biển “thừa sức khỏe, thiếu việc làm”, mong muốn của họ là có một công việc ổn định trên quê hương mình. Có người học hết lớp 12 lại trở về bám biển bấp bênh, kiến thức về biển họ có thường là kinh nghiệm truyền miệng. Muốn tham gia vào làm du lịch, những người thanh niên nhận ra cần được đào tạo kiến thức, bồi dưỡng các kỹ năng. Hằng ngày, người dân làng chài họp chợ cá trên bến dưới thuyền, đến hợp tác xã làm tôm nõn, làm cá khô, nước mắm...  du lịch trải nghiệm khắp mọi miền phát triển, điểm đến của họ vẫn đơn sơ, loay hoay hút khách.

Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chương trình khảo sát một số tuyến điểm du lịch trọng điểm và dịch vụ mới tại Hà Tĩnh nhằm kết nối tour du lịch giữa Hà Tĩnh – Hà Nội – Quảng Ninh. Hầu hết, các doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh muốn thu hút nhân tài ở khắp mọi miền đất nước về đây cống hiến xây dựng ngành du lịch khởi sắc mà lại không nhắc đến yếu tố nguồn lực từ chính người dân địa phương, trong khi người dân có thể tham gia trực tiếp vào du lịch và hưởng lợi nhờ đó.

Hà Tĩnh có tiềm năng du lịch thấy rõ: bãi biển Xuân Thành, biển Cửa Sót và biển Thiên Cầm đẹp hoang sơ, du thuyền “Giang Đình cổ độ” (Bến cũ Giang Đình) trên sông Lam mới đi vào hoạt động; quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, khu lăng mộ Trần Phú -  Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; nghệ thuật trình diễn dân ca: ca trù, lẩy Kiều hát ví giặm; điểm du lịch mới: sân golf, trường đua chó...

Theo ông Phan Văn Mạnh, đại diện Công ty du lịch Rồng Vàng Phú Quốc nói: “Du lịch Hà Tĩnh cần tìm ra điểm nhấn chủ đạo, khách du lịch đến Hà Tĩnh không biết tiêu tiền vào việc gì bởi các dịch vụ còn quá ít”. Ngoài ra, nhiều đơn vị lữ hành cũng có chung những ý kiến đóng góp đối với tỉnh Hà Tĩnh, bởi có khi đoàn lên tới 1000-2000 du khách, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, vệ sinh chung, bổ sung các điểm giới thiệu và bán các sản vật địa phương cho du khách có nhu cầu được thưởng thức và mua về làm quà rất cần thiết. Hà Tĩnh cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón khách từ những chi tiết nhỏ như tạo quảng trường tại bờ biển với biển chào đón du khách, vừa là nơi để du khách làm mốc cho du khách tập trung, vừa để khách dễ dàng check-in lan tỏa thông tin điểm đến tới bạn bè qua mạng xã hội; cần tìm ra câu slogan (khẩu hiệu) cho du lịch tỉnh, ví như “Đi mô mà cũng nhớ về Hà Tĩnh”...

Ông Trần Xuân Tùng, Trưởng phòng Quản lý lữ hành – Sở Du lịch Hà Nội khẳng định: “Việc liên kết giữa ba tỉnh Hà Tĩnh - Hà Nội - Quảng Ninh trong giai đoạn này là vô cùng phù hợp để cùng phát triển du lịch. Các doanh nghiệp cần sớm kết nối, nghiên cứu để xây dựng những sản phẩm du lịch mới, tạo điều kiện đưa khách của Hà Nội và Quảng Ninh đến với Hà Tĩnh”.

Ông Lê Trần Sáng – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Tĩnh cho biết: “Trước mắt, mô hình "Trải nghiệm du lịch nông thôn mới kiểu mẫu” sẽ được triển khai tại nơi đây, du khách thành phố đến Hà Tĩnh bên cạnh du lịch tâm linh, du lịch sinh thái... có thể tới thăm các làng quê trải nghiệm bắt cá, hái chè, gặt lúa...; đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiêp mở các văn phòng đại điện ở trong nước và Thái Lan nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn”.