Làm đẹp thời quá vãng

(ANTĐ) - Tuy các triều đại phong kiến không có quy định cụ thể nhưng tóc của vợ con quan lại trong triều, quan đầu tỉnh khác với tóc của phụ nữ thường dân. Do không phải chân lấm tay bùn nên tóc của họ kiểu cách hơn.

Làm đẹp thời quá vãng

(ANTĐ) - Tuy các triều đại phong kiến không có quy định cụ thể nhưng tóc của vợ con quan lại trong triều, quan đầu tỉnh khác với tóc của phụ nữ thường dân. Do không phải chân lấm tay bùn nên tóc của họ kiểu cách hơn.

Thiếu nữ Hà Nội xưa với kiểu tóc vấn

Thiếu nữ Hà Nội xưa với kiểu tóc vấn

Với phụ nữ thường dân, kiểu tóc được chia làm 2 loại rõ rệt. Các cô gái trẻ thường vấn tóc đuôi gà. Tóc được vấn để hở phần đuôi sau đó vấn quanh đầu và bằng ghim tre (nhà khá giả thì bằng ghim sừng), để lộ ra cái đuôi tóc. Trông nghịch ngợm và khỏe khoắn. Dân gian có câu "Cô kia vấn tóc đuôi gà. Nắm tay giật lại hỏi nhà cô đâu...". Với phụ nữ có gia đình, họ vấn hết tóc bằng vải, nếu ai tóc thưa  thì độn thêm con lơn (nhồi bông hay vải vụn bên trong), quấn quanh đầu sau đó trùm thêm khăn vuông màu đen và buộc ra phía sau. Hai kiểu tóc trên gọn gàng phù hợp với phụ nữ thường dân quanh năm phải lao động. Những kiểu tóc như vậy kéo dài qua nhiều thế kỷ.

Tháng 7-1885, một phòng sửa tóc và trang điểm theo kiểu Paris (salon parisien) đầu tiên ở Hà Nội đã khai trương ở phố Tràng Tiền. Chủ nhân là người đàn bà Pháp trung tuổi. Salon phục vụ vợ, con gái các quan chức chính quyền và sĩ quan Pháp đóng ở Đồn Thủy. Theo thời gian, các kiểu tóc của phụ nữ nông thôn không thay đổi nhưng con gái Hà Nội thì dần bị ảnh hưởng các kiểu tóc của phụ nữ phương Tây.

Con gái nhà lành không bao giờ dám nghĩ đến uốn tóc, song các cô đã gia nhập "làng Tây" bắt đầu phi-dê. Thập niên 30, 40 của thế kỷ 20, nhiều phụ nữ Hà Nội không còn vấn khăn. Người có tuổi thì búi, trẻ hơn thì chải hất ngược và kẹp  hai bên mái, kiểu này để lộ toàn bộ khuôn mặt tạo nên vẻ  đàng hoàng. Đây là kiểu tóc đặc trưng cho phụ nữ Hà Nội suốt một thời gian dài.

Trước năm 1945, Hà Nội có rất ít các tiệm uốn tóc nữ và hầu hết chủ  tiệm  là người Hoa. Tiệm cắt tóc nam cũng không nhiều. ở phố Chả Cá có ông chủ tiệm trước đó chuyên nhuộm vải vóc, quần áo tên là Phạm Tá đã bỏ tiền thuê nhà ông Trần Phềnh (người chuyên vẽ pa nô cho các vở diễn sân khấu) đặt 8 ghế để tạo việc làm cho các  thanh niên nghèo khó có nghề cắt tóc.

Ông Quang ở  2C phố Quang Trung, người có 68 năm làm nghề cắt tóc kể rằng, để nhuộm tóc màu hung hung cho mấy bà đầm, người ta ủ tóc bằng lá móng (một loại lá để nhuộm móng chân, móng tay cho trẻ con  vào Tết mồng 5 tháng 5 âm lịch có màu đỏ nhạt). Thời Pháp tạm chiếm Hà Nội, các tiệm uốn tóc đã nhiều hơn. Thời kỳ này bắt đầu có thuốc nhuộm tóc màu đen nhưng khách nhuộm chỉ là người Pháp, còn người Việt vốn dĩ tóc đen sẵn rồi. Một số người tóc bạc sớm do "xấu máu" cũng không ai dám nhuộm.

Tiệm uốn tóc nữ nổi tiếng nhất Hà Nội thời tạm chiếm là Miwaco ở phố Hàng Trống do một nữ Hoa kiều làm chủ. Khách đến đây là các quý bà, quý cô và các "bà đầm". Tiệm đông khách từ lúc mở đến lúc đóng cửa. Mốt tóc được ưa thích nhất là cuốn từng búp rất cầu kỳ. Người thợ cuốn tóc vào kẹp sắt nóng  đủ làm tóc quăn nhưng không nóng tới mức cháy tóc. Nhà số 15  phố Hàng Khay thời bao cấp là hợp tác xã cắt tóc nam. Cửa hàng này có từ  thời kỳ Pháp tạm chiếm và là  hiệu cắt tóc tư nhân.

Năm 1960 theo chủ trương “hợp tác hoá” các bác thợ cắt tóc  phải “góp gạo thổi cơm chung”, họ mang theo đồ nghề cá nhân lập hợp tác xã. Dù  tông đơ, dao hay kéo là của Trung Quốc nhưng ghế cho khách ngồi tất cả đều là ghế xoay sản xuất ở Pháp. Cửa hàng còn có những  bình xịt nước bằng quả bóng cao su. Khách hàng hầu hết là trí thức hay những người lịch lãm. Đến đầu năm 1990, hệ thống các hợp tác xã tan rã nên cửa hàng này chuyển về đầu phố Tràng Thi.

Vì là khu trung tâm nên Hàng Khay và Tràng Tiền ngoài các cửa hàng kinh doanh thì 2 phố này còn khá nhiều các cửa hàng làm đẹp. Suốt thời gian dài, từ nam 1954 đến đầu thập niên 80 thế kỷ 20, ít người bạc tóc muốn nhuộm thành đen phần vì định kiến xã hội, phần vì không có thuốc.

Khoảng năm 1984, thuốc nhuộm tóc đen từ Thái Lan được nhập vào Việt Nam do một số người đi công tác mua về đã cho những người  bạc tóc cơ hội nhuộm lại mái tóc bị muối tiêu sớm. Năm 1987, một số chị em nghệ sỹ và "chịu chơi" đã tiên phong thay màu tóc đen nhánh bằng mốt tóc nâu.

Do chưa có thuốc nhuộm màu, các tiệm lấy nước ô xy già (một loại thuốc sát trùng dùng trong y tế ) hoà với thuốc nhuộm tóc màu đen rồi chải lên tóc. Muốn nâu, ủ chừng 15 phút còn muốn hơi ngả sang màu lông bò thì để lâu hơn. Tuy nhiên nhuộm bằng cách này tóc rất cứng. Năm 1990, Hà Nội bắt đầu xuất hiện thuốc nhuộm màu do cán bộ đi công tác châu Âu mua về làm quà, họ mang bán cho các tiệm uốn tóc.

Khoảng năm 1994, thuốc nhuộm màu từ Thái Lan tràn về Việt Nam tạo ra sự thay đổi lớn cho mái tóc phụ nữ. Song nhuộm tóc màu thực sự trở thành mốt  khi Truyền hình Việt Nam chiếu phim Hàn Quốc bởi các diễn viên trong phim, dù là nam hay nữ đều nhuộm tóc vàng hay nâu. Bây giờ thì không chỉ nam thanh, nữ tú mà phụ nữ có tuổi, các bé gái cũng nhuộm tóc, khiến những người để tóc tự nhiên lại trở thành mốt.

(Còn nữa)

Nguyễn Ngọc