Nhạc sĩ Phú Quang:

Làm đêm nhạc còn tránh trước cả chuyện… xếp hàng

ANTD.VN - “Cho những ngày thu muộn” là tựa đề 2 đêm nhạc Phú Quang sẽ diễn ra vào tối 10 và 11-11 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhạc sĩ Phú Quang thường “bắt bệnh” cho các ca sĩ

Sau những cái tên dài lãng mạn như: “Những bài ca cho em khi mùa xuân nắng nhạt”, “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”…, nhạc sĩ Phú Quang chọn đặt cho đêm nhạc sắp tới của mình một tựa đề ngắn gọn giản dị hơn -  “Cho những ngày thu muộn”.

Lời phán vui của thầy tướng số

Tác giả của những bản tình ca hài hước lý giải: “Vì mình không còn khỏe như ngày xưa, mệt rồi nên nói ngắn thôi”. Nói vui vậy chứ Phú Quang bộc bạch, ông thích cái khoảnh khắc ngắn ngủi muộn màng của mùa thu Hà Nội, khi những cơn gió heo may bất chợt ùa về, chạm khẽ vào vai áo, vào cả những rung động sâu thẳm nhất trong mỗi con người. Ở trong khoảnh khắc ấy, người ta dễ cảm thấy cô đơn, dễ trải lòng và hoài niệm về những điều đã mất. Nhiều ca khúc được Phú Quang viết trong những khoảnh khắc ấy như: Heo may, Dương cầm lạnh, Khúc mùa thu…

Gần chạm ngưỡng “thất thập cổ lai hi”, Phú Quang tự nhận mình đã già. Dù vậy ông chưa bao giờ sợ tuổi già lao sầm sập đến. Bởi xưa có một ông thầy tướng rất giỏi từng “phán”, đáng ra Phú Quang sống đến năm 100 tuổi nhưng với bản tính yếu đuối của người nghệ sĩ nên tới năm 99 tuổi thì tự tử vì… thất tình. Dĩ nhiên, ông rất khoái chí với lời phán vui này và hào hứng chờ đến cái ngày thi vị ấy.

Vài năm trở lại đây, Phú Quang duy trì việc đều đặn mỗi năm nhắc khán giả Hà Nội gặp mình 2 lần trong đêm nhạc riêng diễn ra vào thời điểm tháng 3 và tháng 11. Đêm nhạc nào, ông cũng khéo léo gợi người nghe về sự giao mùa của thời tiết, kiểu như mùa xuân nắng nhạt, mùa thu chớm tới, mùa đông sẽ qua…

Có người hỏi sao không đổi sang làm đêm nhạc vào mùa khác, Phú Quang quả quyết, ông chẳng quan trọng chuyện làm vào mùa nào, miễn sao thời gian tiện nhất mà không phải chen chúc với xếp hàng. Tác giả “Em ơi Hà Nội phố” thổ lộ, từ bé tới giờ, ông sợ nhất là phải xếp hàng nên hễ cứ phải xếp hàng làm việc gì là ông thư thả ra chỗ khác. 

“Bắt bệnh” cho ca sĩ

Góp giọng trong hai đêm nhạc sắp tới của Phú Quang vẫn là những cái tên đã thành công khi hát nhạc của ông như: Thanh Lam, Tấn Minh, Mỹ Hạnh, Đức Tuấn, Minh Chuyên… Cùng với đó còn có nữ ca sĩ Minh Thu - giọng hát như Phú Quang nhận xét là “không phải cao thủ ghê gớm nhưng chân thành” khi thể hiện các sáng tác của mình. Vị nhạc sĩ tài hoa nói vui, có lẽ vì đo được giọng của ca sĩ nên ông biết cần phải mời ai và mời vào thời điểm nào. 

Ví như xưa có lần Thanh Lam từng nửa đùa nửa thật trách Phú Quang: “chú chẳng cho cháu hát nhạc chú gì cả”. Đáp lại, ông cười khà khà giải thích việc chưa mời nữ “diva” hát trong đêm nhạc của mình là vì: “Thân nhiệt của người thường chỉ 37 độ, cháu toàn lên tới 41 độ. Chưa kể, người ta chỉ được phép điên 3 thì cháu lên đến 10 nên ai mà dám mời”.

Một năm sau đó, gặp lại ông, Thanh Lam háo hức khoe: “Giờ cháu chỉ 37 độ và điên độ 3 thôi”. Từ bấy trở đi, ông yên tâm mời Thanh Lam hát trong các đêm nhạc riêng và gật gù khi thấy nữ ca sĩ quả là đã biết tiết chế cảm xúc khi đứng trên sân khấu. Về phía mình, Thanh Lam từng thật thà giãi bày, hát nhạc Phú Quang “sợ chết” vì cứ phải vừa hát, vừa nhìn vào trong sân khấu xem ông có nhăn mặt không. 

Phú Quang tự tin là ông biết nhìn ra viên ngọc từ khi nó còn là hòn đá thô ráp và “bắt bệnh” của những ca sĩ đến với nhạc của mình. Chả vậy mà ngày trẻ, khi Thanh Lam với Hồng Nhung mới vào TP.HCM hát, nhiều người ngồi ở dưới thì thào không biết hai cô này thì hát cái gì. Nghe thế, ông chỉ bảo, cứ chờ đấy, nghe họ hát xong hãy nói. Và quả thực, nghe cả hai hát xong, chẳng ai nói được gì.

Hay như khi lúc NSND Lê Dung còn sống, ông từng góp ý với bà về cách hát sao cho mềm mại cảm xúc hơn chứ không phải lúc nào cũng gắng gồng căng thẳng. Ngay như Tấn Minh, từ chỗ ông thẳng thắn góp ý, nam ca sĩ này cũng đã hát bớt nắn nót hơn. Phú Quang nói vui, ông chỉ “bắt bệnh” thế, còn đâu toàn mọi người tự chữa.

Cố gắng để giá vé không… lũy tiến

Hỏi Phú Quang trong hai đêm nhạc tới có lên sân khấu hát không, ông hào hứng thổ lộ: “Nếu khán giả thích thì mình vẫn lên”, vì rằng suốt cả chương trình mọi người đã được nghe toàn ca sĩ hay rồi, nhưng không dễ gì trong đời mỗi người lại được nghe một nhạc sĩ hát chán cất giọng. Phú Quang bảo, ông tự chỉ đạo nghệ thuật cho chương trình của mình nên sẽ chủ động xuất hiện trên sân khấu, không quan trọng chuyện ra sau hay ra trước, hát bài cũ hay bài mới. 

Cũng theo vị nhạc sĩ này, lần nào làm chương trình ông cũng nhận được câu hỏi “có bài gì mới không” và câu trả lời lần này của ông vẫn thế, rằng ông quan niệm trong âm nhạc, không có bài mới hay bài cũ, chỉ có bài hay hoặc bài dở. Phú Quang tâm sự, cái đích của ông là làm hài lòng khán giả, không có chuyện làm chơi, hát chơi. Và một khi đã bán vé hẳn hoi, thì điều duy nhất ông cố gắng làm là để giá vé không bị lũy tiến. 

Nhiều năm nay, Phú Quang tự đặt ra cho mình thời gian biểu: mỗi năm làm đủ 10 đêm nhạc ở Hà Nội, 10 đêm còn lại chia đều cho các tỉnh thành khác. Tính ra một năm có 12 tháng thì ông làm tới 20 đêm nhạc. Lý do của sự miệt mài và bận rộn ấy, đơn giản như ông nói là vì quen làm việc rồi, làm cho đỡ chán và ông làm vì nhu cầu được đến với khán giả chứ không phải vì tiền. Vì vậy mà khoảng thời gian trống ít ỏi giữa các đêm nhạc, ông lại ngồi cặm cụi sáng tác cho đỡ… “rồ” người!