Lạc lõng giữa Thủ đô

(ANTĐ) - Hơn hai tuần trở về sống với Hà Nội vào mùa xuân thứ một nghìn của kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội, tôi đã rong ruổi từ những con phố Hàng Ngang, Hàng Đào cũ kỹ thân quen của ba mươi sáu phố phường đến những con đường thênh thang Linh Đàm, Mỹ Đình mới mẻ, lạ lẫm. Tôi đã ở trong ngôi nhà trăm tuổi mang phong cách kiến trúc Pháp gần Thành cổ. Tôi đã ngủ trong căn hộ cao tầng vừa xây xong ở khu đô thị mới Dịch Vọng. Mắt nhìn. Tai nghe. Trái tim cảm nhận. Tôi nhận ra một Hà Nội khác.

Lạc lõng giữa Thủ đô

(ANTĐ) - Hơn hai tuần trở về sống với Hà Nội vào mùa xuân thứ một nghìn của kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội, tôi đã rong ruổi từ những con phố Hàng Ngang, Hàng Đào cũ kỹ thân quen của ba mươi sáu phố phường đến những con đường thênh thang Linh Đàm, Mỹ Đình mới mẻ, lạ lẫm. Tôi đã ở trong ngôi nhà trăm tuổi mang phong cách kiến trúc Pháp gần Thành cổ. Tôi đã ngủ trong căn hộ cao tầng vừa xây xong ở khu đô thị mới Dịch Vọng. Mắt nhìn. Tai nghe. Trái tim cảm nhận. Tôi nhận ra một Hà Nội khác.

Còn đâu những giây phút thư thái hiếm hoi bên thú chơi cờ tướng tao nhã ngày nào... Nguồn ảnh: hpgrumpe.de

Còn đâu những giây phút thư thái hiếm hoi bên thú chơi cờ tướng tao nhã ngày nào...
Nguồn ảnh: hpgrumpe.de

Ngủ trong ngôi nhà cổ giữa trung tâm Hà Nội, sáng sớm tôi thức dậy trong tiếng chim ríu ran, lảnh lói. Có tiếng chim họa mi trong ngần luyến láy của loài chim nhà lâu đời. Có tiếng chích chòe thanh bình, êm ả của mảnh vườn quê tĩnh mịch. Lại có cả tiếng “bắt cô trói cột” ngậm ngùi, khắc khoải của núi cao rừng thẳm. Từ cửa sổ trên tầng gác nhìn ra ngoài, tôi không thấy vòm trời, không thấy bóng chim, chỉ thấy những mảng tường dựng đứng, những mái ngói rêu phong, những mái tôn xanh đỏ. Con chim của làng quê, con chim của núi rừng đã rời bỏ vòm trời cao rộng, rời bỏ vòm cây xanh mát về sống tù túng giữa trập trùng bê tông, giữa lô xô mái ngói. Tiếng chích chòe dõng dạc, tiếng “bắt cô trói cột” bình thản đầy mạnh mẽ, tự tin như muốn khẳng định sự có mặt, sự làm chủ của chúng ở phố phường Thủ đô.

Chiều, tôi đến khu Thanh Xuân. Trên lối đi nhỏ hẹp, giữa những dãy nhà bốn, năm tầng là san sát những gánh rau xanh, những mẹt quả, những chậu cá, những phản thịt của phiên chợ quê chuyển hộ khẩu vào thành phố. Cảnh mua bán nhốn nháo, chen chúc, âm thanh ồn ào, hỗn tạp của phiên chợ chiều đang đông đã phá mất không gian yên tĩnh của khu dân cư với không ít những cư dân là công chức và người lao động công nghiệp sau giờ làm việc mệt mỏi cần được về sống thư thả, yên tĩnh với gia đình.

Thời tôi đi học, gia đình tôi cũng sống trong một gian của khu nhà tập thể có nhiều dãy. Khoảng trống giữa hai dãy nhà tuổi thơ của tôi rộng hơn khoảng trống ở Thanh Xuân nhiều nhưng không có chợ họp. Đấy là nơi buổi chiều những người đàn ông mang ghế ra cửa ngồi đọc báo, mang chiếc xe đạp Thống Nhất ra lau, sửa, mang bàn cờ tướng ra chơi với nhau. Người đàn bà nhà này đứng nói chuyện với người đàn bà nhà bên. Bọn con gái tóc đuôi gà túm tụm nhảy dây. Bọn con trai chúng tôi đá bóng, đá cầu. Lối đi hẹp giữa những dãy nhà chung cư không phải chỉ là hành lang đi về của những bàn chân mà còn là hành lang của tình cảm chung cư, hành lang vào đời của những tâm hồn trẻ. Hành lang ấy ở Thanh Xuân đã biến thành chốn chợ quê rồi!

Đáng tiếc nhất là không gian sâu lắng của buổi chiều dìu dặt không còn nữa. Tàn phá quyết liệt nhất, bền bỉ nhất không gian sống của những khu dân cư Hà Nội chính là tiếng loa của đài truyền thanh phường vang vang trong chương trình phát thanh sớm chiều. Giữa  lao xao chợ búa, tôi chú ý lắng nghe tiếng loa nhưng chỉ nghe được lõm bõm tiếng được tiếng mất như tiếng chuộc, chuộc, chẳng chuộc trong đêm ở Dịch Vọng, không biết tiếng loa đưa thông tin gì!

Ngày nay mọi người đều có máy điện thoại nhỏ gọn bên mình, mọi nhà đều có máy thu hình ngay trong phòng ngủ thu sóng Đài Truyền hình Trung ương, đài truyền hình tỉnh, thành, có internet ở bàn làm việc của người lớn, ở bàn học trẻ con, từ cấp phường đều có bản tin giấy, từ cấp tỉnh, thành có báo giấy, báo mạng… thì chiếc loa phường lù lù bóng dáng của chiếc loa công cộng trên cây đa đầu làng chỉ gây thêm nhiễu tiếng ồn cho môi trường sống đô thị vốn tiếng ồn đã vượt quá xa chỉ số cho phép.

Tiếng loa mở hết công suất, ầm ầm sôi sục dội giữa những bức tường sừng sững như vách núi, xô đuổi, va đập nhau dồn dập như sóng ầm ào không còn rõ lời. Làng quê yên tĩnh, từ ngàn xưa tiếng mõ rao là phương tiện thông tin hữu hiệu. Nền sản xuất nông nghiệp thô sơ, ý thức cá nhân chưa được hình thành, cuộc sống riêng tư của cá nhân chưa được nhìn nhận thì thói quen tiếp nhận thông tin ở làng quê là nghe, nhiều người cùng nghe chung một tiếng mõ rao, cùng tiếp nhận một thông tin ngắn gọn, ít ỏi. Trong xã hội công nghiệp, trong cuộc sống đô thị, ý thức cá nhân đã hình thành đòi hỏi đời sống cá nhân phải được nhìn nhận và tôn trọng.

Lượng thông tin ở xã hội công nghiệp, ở đô thị cũng vô cùng phong phú và dồn dập. Mỗi cá nhân đều có nhu cầu tự tìm lấy thông tin cho mình. Thói quen tiếp nhận thông tin ở đô thị là đọc. Mỗi người lại có một cách đọc và một loại hình, một phương tiện đọc riêng. Đọc báo giấy. Đọc báo mạng. Báo giấy, báo mạng cũng có rất nhiều đầu báo. Mỗi người lại chọn cho mình những đầu báo riêng. Thông báo ở cơ quan, bản tin ở tổ dân phố cũng đều phải tận mắt đọc. Ở đô thị không thể bắt mọi người cùng nghe chung một tiếng loa trên ngọn cây!

Khắp Hà Nội giăng giăng những băng chữ vải, băng chữ điện tử kêu gọi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và biểu lộ quyết tâm xây dựng Thủ đô văn minh, lịch sự. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải chỉ là những nhà máy, những công trình hoành tráng, hiện đại mà trước hết phải là lối sống công nghiệp, là đời sống xã hội được tổ chức theo nề nếp công nghiệp, không gian sống được phân định chức năng riêng biệt, rạch ròi. Không gian kinh tế. Không gian văn hóa. Không gian tín ngưỡng. Không gian làm việc. Không gian nghỉ ngơi. Không gian công cộng. Không gian riêng tư... Không gian công cộng cần được tôn trọng thì không gian riêng tư càng cần được tôn trọng! Có nhiều tiêu chí về một xã hội văn minh và tiêu chí hàng đầu là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, lợi ích cộng đồng được đề cao và cuộc sống riêng tư của cá nhân cũng được tôn trọng.

Tôi đến chùa Quán Sứ dự lễ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cầu siêu cho các nhà văn Việt Nam đã khuất. Đến quá sớm, tôi chưa thấy bóng một nhà văn nào. Sát rằm tháng Giêng, khách viếng chùa tấp nập. Tôi đi sau hai cô gái bước vào cổng chùa. Bỗng tôi sững lại khi nghe cô áo đỏ, tóc ngắn quay sang nói to với cô mặc toàn đồ đen, tóc dài:

- Cúng rằm thì cúng tối mười bốn chứ ai cúng mười “năm”. “Nàng” mày cúng mười “năm” "nà" cả “nàng” mày chả… biết gì cả!

Cô áo đen nói lại cũng rất to:

- “Nàng” mày khác, “nàng” tao khác! Người ta nói “nễ” Phật quanh năm không bằng “nễ” rằm tháng giêng chứ ai nói “nễ” mười bốn tháng giêng!

Bất giác, bước vào chùa Quán Sứ giữa Thủ đô nghìn năm văn hiến mà tôi tưởng như mình đi lạc vào ngôi chùa làng ở một miền quê heo hút!

PHẠM ĐÌNH TRỌNG