Ký ức 30-4 của những người đi qua cuộc chiến

ANTD.VN - Tròn 30 năm sau giải phóng miền Nam, ngày 30-4-2005 đạo diễn Nguyễn Thước, nhà biên kịch Đào Thanh Tùng cùng Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương đã trở lại Sài Gòn để thực hiện bộ phim “Ngày cuối cùng của chiến tranh”. Bộ phim với những chi tiết đặc biệt xúc động đã gây được tiếng vang lớn ở thời điểm đó. Nó không chỉ là câu trả lời cho câu hỏi: Ngày cuối cùng của cuộc chiến có vóc dáng thế nào, mà còn là câu trả lời về những người đã đi qua cuộc chiến ấy bây giờ ra sao?

Phim tài liệu “Ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh” sản xuất năm 2005 nhân kỷ niệm 30 năm Giải phóng miền Nam

Ngày mai mình sẽ làm gì?

Ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh chia cắt hai miền Nam-Bắc trong suốt 20 năm cũng là ngày mà 5.000 người lính đã ngã xuống ở ngay cửa ngõ Sài Gòn. Họ đã không được chứng kiến khoảnh khắc hạnh phúc của dân tộc, không được ca khúc khải hoàn. Cũng trong ngày đó, ở Sài Gòn, 11 đứa trẻ ra đời, hầu hết được đặt tên là Hòa Bình, Giải Phóng, Thống Nhất, Chiến Thắng, Trường Sơn… Bắt đầu bằng tâm sự của những đứa trẻ đã sinh ra trong cái khoảnh khắc vỡ òa trong chiến thắng của cả dân tộc, bộ phim đề cập đến cuộc chiến ở một góc nhìn chiều sâu nội tâm.

Trong ngày hôm ấy, ký ức của cựu binh Chu Lai là một kỷ niệm đẹp. Ngày 29-4, ông cùng các đồng đội đánh chiếm một cây cầu sắt, dọn đường cho đại quân tiến vào Sài Gòn. Nguyên Đại đội trưởng đặc công ven Sài Gòn kể, sau khi hoàn tất việc chiếm chiếc cầu, ông cùng 7 đồng đội nữa nằm chờ cánh quân của ta. Đặc công đánh trận thường chỉ mặc quần đùi và ngụy trang đen đúa. Cứ nằm chờ cả đêm, nhưng ngặt nỗi, 5h sáng đã rõ mặt người rồi.

Cả 8 người ở giữa cánh đồng chẳng khác gì 8 mục tiêu ngon lành cho kẻ địch. Nghĩ là sẽ chết, tất cả đã nhìn nhau bằng ánh mắt từ biệt, thế rồi phía xa vọng lại tiếng động cơ quen thuộc của xe thiết giáp quân ta tiến đến. Trong cái khoảnh khắc hạnh phúc đó, 8 con người nhìn nhau và “cười như những kẻ điên rồ”. Bây giờ, Chu Lai đã là một Đại tá quân đội, một nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm chân thực về chiến tranh, về cuộc sống của người lính thời hậu chiến. Đôi khi, ông còn là gương mặt của showbiz khi trở thành khách mời trên truyền hình, nói về vấn đề gì cũng hay. 

Khoảnh khắc chiến thắng tuyệt vời ngày 30-4 với cựu binh Nguyễn Văn Thọ (Trung đoàn 593) là hình ảnh của một người lính phía bên kia. Ông cùng đồng đội bất ngờ gặp anh ta ở trong ngôi nhà ven đường khi quân ta đang tiến vào Sài Gòn. Người lính đó trúng đạn ở 2 chân, khi ông và các đồng đội ập vào, mắt anh ta như dại đi. Có chiến sỹ đã tuốt lê khi nhận ra kẻ địch. Nhưng đúng lúc đó, chiếc radio bên cạnh phát đi lời đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh.

Nguyễn Văn Thọ bảo với người lính phía bên kia, thôi chiến tranh đã kết thúc rồi. Và ông đưa cho anh ta những cuộn băng còn lại trong hộp cứu thương của mình. Cũng chính trong lúc cả dân tộc ca khúc khải hoàn đó, người lính Nguyễn Văn Thọ chợt nảy trong đầu một câu hỏi đầy hoang mang: “Ngày mai mình sẽ làm gì?”. Đó không phải là câu hỏi của riêng Nguyễn Văn Thọ, đó là câu hỏi của tất cả những người đã sống và đi qua cuộc chiến.

Nhập ngũ từ năm 16 tuổi, Nguyễn Văn Thọ đã thuộc lòng cách sinh tồn trong chiến tranh, cách nổi lửa nấu cơm giữa trời mưa trong rừng mà không để kẻ địch phát hiện, cách phân biệt tiếng bom, tiếng pháo… Nhưng cách để trở về một cuộc sống đời thường thì anh lại đầy bỡ ngỡ. Tất nhiên, khi ấy người lính trẻ Nguyễn Văn Thọ chẳng ngờ được mấy chục năm sau mình sẽ trở thành một nhà văn thành danh trên văn đàn dù cho có phải trải qua bao nhiêu năm bôn ba trời Âu. 

Gia đình Đại tá Nguyễn Văn Tào, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động miền

Trân trọng quá khứ, xây dựng tương lai

Trong phim có một chi tiết đặc biệt xúc động. Đó là cuộc đoàn tụ trong đêm 30-4 của một gia đình, đó là Đại tá Nguyễn Văn Tào - nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động miền. “Sau khi lo cho anh em chỗ ăn chỗ ở, tôi mới đi tìm vợ con mình. Tôi chỉ biết vợ con tôi khu Thị Nghè thôi chứ cụ thể thế nào thì không rõ” - vị Đại tá tình báo kể. Vậy là ông cứ đi ngoài đường gọi to tên con gái mình lên. Xa nhau đúng 28 năm mới gặp lại, lúc ông đi hoạt động cách mạng, con gái ông còn đang nằm trong bụng mẹ. Lúc ông trở về, thì con gái đã lấy chồng và cháu ngoại đã lên 3…

“Ngày cuối cùng của chiến tranh” là bộ phim đầu tiên vào thời điểm đó đã gặp gỡ và phỏng vấn được cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Cao Kỳ. Nhờ mối quan hệ của mình, đạo diễn Nguyễn Thước đã thuyết phục được ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời phỏng vấn. Việc gặp và phỏng vấn giống như một cái duyên. Sau cả chuỗi những câu chuyện của một nhân vật sừng sỏ ở phía bên kia, đạo diễn Nguyễn Thước bảo, điều mà ông cảm nhận được từ ông Nguyễn Cao Kỳ là tấm lòng của người con nước Việt, dù đi đâu rồi cũng phải trở về nguồn cội của mình. 

Không dài nhưng “Những ngày cuối cùng của chiến tranh” khai thác về 2 lần rơi nước mắt trong đời của cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Lần đầu, đó là khi ông rời đất nước ra đi, sau khi chứng kiến mọi thứ đang diễn ra và tâm trạng thì “như mất hồn, chẳng ra sống cũng chẳng ra chết”. Khi bước lên chiến hạm của Mỹ, người hạm trưởng ra đón có nói ông ta đang đeo huy chương được ông Kỳ tặng vài năm trước. Câu nói ấy đã làm ông chảy nước mắt.

Lần thứ hai, khi trở về Tổ quốc sau rất nhiều năm xa cách, lúc máy bay báo đã vào tới không phận Việt Nam, nước mắt ông Kỳ cũng tự nhiên chảy ra. “Ngày cuối cùng của chiến tranh” không chỉ là không khí gấp gáp của thời khắc lịch sử 30-4-1975 mà còn đọng lại bao nhiêu đau thương, mất mát, những băn khoăn rất đời thường của những con người ở cả 2 bên chiến tuyến một thời. Trên hết, đó là sự trân trọng quá khứ, vun đắp hòa hợp dân tộc và chung tay xây dựng cuộc sống, xây dựng đất nước. 

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước:  Đừng gây chiến với Việt Nam

Ký ức 30-4 của những người đi qua cuộc chiến ảnh 3

Tôi với vai trò đạo diễn và anh Đào Thanh Tùng là tác giả kịch bản bộ phim cùng anh em trong đoàn khi đó phải chịu nhiều sức ép. Ví dụ như làm thế nào cho mới mẻ, trong khi trước mắt chúng tôi đã có biết bao nhiêu bộ phim tài liệu sừng sững. Thế nhưng, ngay từ khi đọc kịch bản, tôi đã rất thích vì ý tưởng của bộ phim đã đưa ra một góc nhìn rất khác.

Phim không nói về mọi thứ đã xảy ra mà khai thác cảm xúc của những người có mặt ngày hôm đó. Mỗi cảm xúc khác nhau, câu chuyện khác nhau. Nhân vật trong phim hầu hết là người lính, có cả những nhân chứng ở phía bên kia. 20 năm là một cuộc chiến rất dài, còn bao nhiêu điều để nói. Vẫn còn nhiều góc khuất mà chúng tôi chưa thể nào khai thác hết. Thậm chí, nó còn là đề tài mà nếu bóc tách sẽ chẳng bao giờ hết chuyện. 

Ví dụ, tôi rất ấn tượng với bộ phim “Đất tổ quê cha” của đạo diễn Vương Khánh Luông đề cập đến những người lính trẻ vào Nam chiến đấu hơn 40 năm trước. Rồi mấy chục năm sau, có những người con đã ngoài 30 ra Bắc tìm cha. Có người bố biết mình có con, có người không. Nhưng chiến tranh mà, những chia cắt, những nỗi đau như thế nói làm sao cho hết. Rồi có đạo diễn làm phim về những người lính sinh viên rời ghế nhà trường lên đường chiến đấu.

Tôi rất thích một câu trong cuốn hồi ký của cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ: “Người Mỹ cố thắng Việt Nam trong cuộc chiến này, nhưng điều đó không bao giờ xảy ra vì 2 dân tộc đã quá khác nhau về quan điểm triết học. Mỹ luôn muốn chinh phục hiện tại và tương lai, trong khi Việt Nam luôn nương tựa quá khứ để tồn tại”. Đạo diễn người Mỹ, Oliver Stone đã từng làm phim về chiến tranh Việt Nam. Ông ấy làm là để nói với các đời Tổng thống Mỹ sau này, đừng bao giờ mắc sai lầm tương tự.