Kỳ đài Hà Nội
(ANTĐ) - Kỳ đài là đài cờ. Xét hai Kinh thành Huế và Thăng Long, thời Nguyễn, đều có kỳ đài. Kỳ đài là một hạng mục không thể thiếu đối với những thành quách ở kinh đô và cựu đô ở thời Nguyễn. Sách “Đại Nam nhất thống chí”, đời Nguyễn chép:
“Kinh thành: Chu vi 18 dặm, cao 1 trượng 5 thước 3 tấc, dày 5 trượng (1), xây gạch, mở một cửa phía trước. Bốn cửa (khác) là Thể Nhơn, Quảng Đức, Chính Nam và Đông Nam; phía tả 3 cửa là Chính Đông, Đông Bắc và Trấn Bình; phía hữu 2 cửa là Chính Tây và Tây Nam; phía sau 2 cửa là Chính Bắc và Tây Bắc; hào chu vi là 19 dặm linh, rộng 7 trượng 5 thước, sâu 1 trượng. Các cửa thành đều bắc cầu đá qua hào. Mặt trước chính giữa xây kỳ đài. Bốn phía trên mặt thành xây 24 pháo đài” (NXB Khoa học Xã hội, 1969, tập I, trang 14).
Về kỳ đài (đài cờ), vẫn sách trên, trang 43 chép: “Kỳ đài, ở phía Nam, trong kinh thành, thẳng mặt Ngọ môn; đài xây ba tầng: tầng dưới cao 1 trượng 4 thước; tầng giữa cao 1 trượng, 4 thước, 5 tấc, xây cửa tròn rộng 1 trượng; tầng trên cao 1 trượng 5 thước, cửa tròn rộng 5 thước; cột cờ gồm 2 tầng, đều cao 7 trượng 1 thước 5 tấc; năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) dựng cột cờ mới dài suốt 7 trượng 6 thước 5 tấc. Trên đài đặt Vọng đẩu. Phàm từ việc chầu mừng, tuần du cho đến việc báo cấp đều có hiệu cờ; thỉnh thoảng lên Vọng đẩu, dùng kính thiên lý nhòm ra biển; trên đài đặt xưởng đại bác”.
Như vậy là Kỳ đài Huế, cả đài lẫn cột cờ xây từ thời Thiệu Trị, cao gần 40m... là địa điểm vừa là pháo đài tiền tiêu trước kinh thành, là đài quan sát, cũng là nơi thông báo những ngày lễ tiết quan trọng hoặc tình hình an ninh của kinh thành... Và Tết Mậu Thân năm 1968, khi bộ đội ta vào giải phóng Huế trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy, và ở đó chiến đấu suốt một tháng trời cũng đã treo lên cột cờ này một lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam cực lớn, rộng tới 90m2...
Còn kỳ đài Thăng Long mà dân chúng quen gọi là cột cờ Hà Nội, cũng sách Đại Nam nhất thống chí chép, đời vua Gia Long “năm thứ tư, sai quan đốc sức việc xây đắp, trong thành dựng kỳ đài với hành cung với hai điện chính, một tả vu, một hữu vu, sau điện dựng lầu Tinh Bắc, quanh nội điện đều xây tường gạch; đằng trước chính điện xây một đường ống bằng đá, thẳng đến Đoan Môn... ngoài cửa dựng nhà bia, xây kỳ đài, quy mô rộng lớn!” (tập III, trang 166).
Thành đã được đổi là Bắc thành, đến thời Minh Mạng, đổi nữa, thì Thăng Long được gọi là Hà Nội, thành cũng gọi là thành Hà Nội: Thành là lị sở của các quan tổng đốc, tuần phủ, án sát, bố chính, đề đốc, và cũng là một doanh quân lớn, trấn giữ phía Bắc.
Cột cờ thành Hà Nội thời ấy, chắc cũng như trong Huế, cũng từng là pháo đài, được đặt thần công, và chắc cũng trải qua hai lần chiến trận khi quân Pháp từ Nam Kỳ ra đánh vào những năm 1873 và 1882, mà hai quan Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã hy sinh oanh liệt. Ngày ấy, sông Hồng, sông Tô Lịch ở phía trước mặt cửa Bắc, nhà cửa còn thấp và ít, thì cột cờ hẳn là một trạm quan sát quan trọng, để theo dõi tình hình tàu chiến địch, áp sát bờ sông Hồng đổ quân lên... Cuốn “Đường phố Hà Nội” của Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá (NXB Hà Nội, 1979), ở mục Điện Biên Phủ, có ghi: “... Ngày 7-5-1954, trong không khí toàn dân tưng bừng kỷ niệm chiến thắng lịch sử (Điện Biên Phủ - NVP) này, vào lúc 17h30, quân và dân Hà Nội đã tổ chức lễ trọng thể đổi tên đường Cột Cờ ra là đường Điện Biên Phủ.”
Về cột cờ (kỳ đài), sách viết: “ Cột cờ nay vẫn còn và thường được coi như một biểu tượng của Hà Nội. Nó được xây dựng năm 1812. Dưới là nền tam cấp gồm ba tầng hình vuông xây gạch, tầng dưới mỗi chiều dài 42 mét, tầng giữa có bốn cửa nhìn ra bốn phía, trên ba cửa còn ghi tên bằng chữ Hán: Nghênh húc (đón ánh nắng ban mai) ở phía Đông; Hướng minh (hướng về ánh sáng) ở phía Nam; Hồi quang (ánh sáng phản chiếu lại) ở phía Tây. Tầng trên cùng mỗi chiều dài 15 mét. Trên tầng này là cột cờ hình lục lăng, cao 60 mét. Bên trong có hai cầu thang xoáy ốc đưa tới đỉnh, tại đây có biển đề hai chữ: Kỳ đài...” (trang 90).
Nhưng cột cờ Hà Nội, trong những ngày chiến thắng thực dân Pháp oanh liệt, khiến quân đội Pháp phải rút lui khỏi Hà Nội, thi hành Hiệp định Paris, cái ngày lịch sử năm 1954 ấy, đã được nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Rô-măng Các-men của Liên Xô cũ, người đã quay bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”, trong đó có cả cảnh tướng De Castrie cùng lũ lính tù binh Pháp ra hàng ở Điện Biên Phủ, đã ghi về cột cờ Hà Nội như sau, khi bộ đội ta từ 5 cửa ô tiến vào giải phóng Hà Nội:
“... Dẫn dầu trung đoàn là anh hùng Nguyễn Quốc Trị, chỉ huy trung đoàn. Trên đầu anh phấp phới lá cờ trung đoàn đã bạc màu vì mưa gió, khói sương và bụi đường, thủng lỗ chỗ vì mảnh bom, đầu đạn, được mang theo năm tấm huy chương.
... Vào lúc ba giờ chiều (ngày 10 tháng 10 năm 1954) tại một bãi rộng trong thành đã diễn ra nghi lễ trọng thể kéo cờ lên tháp cổ cao một trăm mét (tức kỳ đài, cột cờ Hà Nội - NVP). Trung đoàn Thủ đô đứng thành hàng ngũ, vinh dự kéo cờ được trao cho đồng chí Nguyễn Quốc Trị, chỉ huy trung đoàn...
... Lá cờ kiêu hãnh bay trên tháp cổ của thành Hà Nội. Từ mọi nơi xa nhất của thành phố vĩnh viễn được tự do đều nhìn thấy lá cờ”. (Trích “ánh sáng trong rừng rậm”, NXB Nhà văn Xô Viết, Matxcơva, 1957, Thúy Toàn dịch).
Một công trình lớn của thành phố Hà Nội tồn tại gần hai trăm năm nay ở ngay trong hoàng thành cũ, tới nay, vẫn là một trong những danh thắng, thuộc cụm di tích Hoàng thành được nhiều người chiêm ngưỡng.
Ngô Văn Phú