Kiệt tác văn học Ba Lan tới Việt Nam
(ANTĐ) - Với người VIệt Nam, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là kiệt tác văn học, thì với người Ba Lan, Chàng Tadeush cũng là một kiệt tác văn học lớn của đại thị hào Ađam Mickiêvich. Tác phẩm này rất khó chuyển ngữ, nhưng mới đây, dịch giả Nguyễn Văn Thái đã chuyển ngữ được sang tiếng Việt và được đông đảo công chúng đón nhân.
Sau 40 năm mới có bản dịch hoàn thiện
Chàng Tadeush do Viện sách Ba Lan, Đại sứ quán Cộng hoà Ba Lan tại Hà Nội đã hỗ trợ Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt cuốn sách này. Đó là thành công lớn của giới dịch giả Việt Nam.
Năm 1968, Nhà xuất bản Văn học đã cho ra đời cuốn THƠ MICKIÊVICH do Nguyễn Xuân Sanh và Hoàng Trung Thông dịch, trong đó tác phẩm Chàng Tadeush được Nguyễn Xuân Sanh chọn dịch vài đoạn ngắn (dưới đầu đề Ông Tađê). Các nhà thơ lớn hồi ấy đã bộc bạch rằng, tác phẩm phong phú và sâu sắc của Mickiêvich rất khó dịch. Bản dịch hồi ấy cũng còn nhiều thiếu sót, mới chỉ là những phỏng dịch bước đầu, hoặc bản dịch nghĩa.
Dịch giả các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc đã kỳ công dịch tác phẩm này, và mới đây tại Việt Nam. dịch giả Nguyễn Văn Thái sau. nhiều năm dịch thuật đã đưa được Chàng Tadeush đến với độc giả Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thái đã đi tiếp con đường của các tiền bối là dịch toàn bộ Chàng Tadeush ra tiếng Việt dù biết rõ chuyển ngữ tác phẩm văn học kinh điển này không dễ dàng với một người làm khoa học kỹ thuật. Nhưng tâm trạng mắc nợ cuộc đời, mắc nợ quê hương đã khích lệ ông Thái vượt qua chính mình, đưa tác phẩm bất hủ này đến với các độc giả Việt Nam thân yêu.
Đó cũng là cách thiết thực của ông trả ơn cả hai dân tộc, góp phần nhỏ bé vào việc tăng cường sự hiểu biết giữa Việt Nam và Ba Lan.
Đường Chàng Tadeush đến Việt Nam
Khi còn đang học phổ thông trung học ở một tỉnh miền núi phía Bắc, ông Nguyễn Văn Thái đã biết tới Ba Lan qua những vần thơ mượt mà của nhà thơ Tố Hữu trong bài Em ơi…Ba Lan...
Mùa thu năm 1964 ông đặt chân tới những con đường bạch dương sương trắng nắng tràn vì được sang Ba Lan học tại trường Đại học Bách khoa Warszawa . Từ đó số phận ông gắn bó với Ba Lan.
Mê văn chương từ ấu thơ, nhưng ông lại bảo vệ luận án Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học. Ông đến với Ađam Mickiêvich bởi lòng ngưỡng mộ và biết ơn đại thi hào đã nói giúp ông những suy nghĩ và tình yêu quê hương đất nước khi xa nước Việt.
Khi xao xuyến trong cô đơn đất khách
Bỗng mơ thèm từng giọt nắng quê hương
Hoặc chỉ cần nhìn thấy:
Một cụm sáng mờ in trên tuyết trắng
Bỗng nhớ cồn cào ánh trăng, hàng tre
... Kỷ niệm tuổi thơ mỗi lần trỗi dậy
Bỗng thấy mình mắc nợ cả rừng cây
Chàng Tadeush viết ở thể thơ 13 chữ - thể thơ đã đạt đến đỉnh cao của thi ca, luôn gây ngỡ ngàng cho độc giả bởi vẻ đẹp tuyệt vời của nó. Nội dung tác phẩm đậm bản sắc dân tộc, thấm đẫm tinh thần yêu nước, góp phần nuôi dưỡng và duy trì trong nhân dân Ba Lan tình cảm, niềm tin vào sự hồi sinh của Tổ quốc đang rên xiết dưới gông xiềng của 3 kẻ thù xâm lược.
Mickiêvich tôn vinh một thế giới của sự đồng thuận và các giá trị truyền thống, trong đó Cái Thiện và Sự thật luôn chiến thắng. Và chính sự hoà giải đã chế ngự các cuộc xung đột, còn tính hài hước, bao dung và lạc quan yêu đời luôn giành ưu thế.
Giá trị của kiệt tác Chàng Tadeush không chỉ khẳng định qua giá trị nghệ thuật đặc sắc của thiên sử ca, mà dựa vào nội dung thấm đậm tinh thần yêu nước ẩn chứa trong đó.
Mặc dù tác phẩm miêu tả đời sống hiện thực của Ba Lan thời kỳ đầu thế kỷ XIX, song độc giả Việt Nam vẫn có thể tìm thấy trong đó nhiều điểm tương đồng mang tính thời sự của cuộc sống hiện đại. Trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập của Việt Nam với thế giới, những giá trị mà Chàng Tadeush mang lại cũng đang có ý nghĩa đặc biệt đối với độc giả Việt Nam.
Ngài Mirosław Gajewski, Đại sứ CH Ba Lan tại Việt Nam đã nhận định: “Việc xuất bản bằng tiếng Việt tác phẩm Chàng Tadeush là một thành tựu mới qua những hoạt động hiệu quả của các dịch giả văn học Ba Lan người Việt Nam - những người suốt mấy thập niên qua đã đưa nhiều tác phẩm văn học xuất sắc của Ba Lan đến Việt Nam. Tôi muốn chân thành cám ơn ông Nguyễn Văn Thái vì bản dịch tiếng Việt hoàn hảo, một tác phẩm đẹp tuyệt vời, song cũng hết sức khó chuyển ngữ ra tiếng nước ngoài. Hy vọng độc giả Việt Nam sẽ đánh giá đúng tài nghệ bậc thầy của tác giả thiên sử ca cũng như công sức của người dịch kiệt tác đó”..
Thế kỷ XIX, Ba Lan vang danh tên nhà soạn nhạc thiên tài Fryderich Sô - panh và đại thi hào Ađam Mickiêvich. Thế giới biết họ là đại diện tiêu biểu của nền văn hoá Ba Lan. Và Chàng Tadeush là tác phẩm lớn nhất, bản anh hùng ca có giá trị nhất mà Ađam Mickiêvich để lại cho đời.
Vài nét về đại thi hào Ba Lan
Ađam Mickiêvich sinh ra trong một gia định quý tộc nhỏ. Tuổi thơ của ông bình yên, hạnh phúc tới năm 14 tuổi thì bị đảo lộn bởi cha mất, từ đó gia đình ông lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Nhưng ông vẫn thi đậu trường đại học Tổng hợp Vilno (học Toán - Tự nhiên, sau đó chuyển sang khoa Văn), khi tốt nghiệp đã giảng dạy văn học, lịch sử và luật tại trường trung học Kovno.
Năm 1820 tác phẩm Thương nhớ tuổi thơ ra đời đã được độc giả hết sức hâm mộ. Năm 1822, tập thơ đầu tiên Tình ca và luyến khúc, được coi là tác phẩm mở đầu nền văn học lãng mạn Ba Lan với những khúc tình ca đầm ấm, giản dị, trong trẻo như ca dao và thấm đậm chất truyền thuyết dân gian.
Năm 1823, ông bị chính quyền Sa hoàng bắt đưa sang Nga và kết thân với nhà thơ A. Puskin. Năm 1829 ông được rời Nga, đi chu du châu Âu. Từ 1829, ông dạy học, sáng tác văn học, viết báo và tham gia hoạt động cho phong trào đấu tranh giành độc lập của Ba Lan. Năm 1834, ông xuất bản thiên sử ca Chàng Tadeush.
Hà Dương