Khuyến khích các chùa tổ chức đại lễ Phật đản trực tuyến, đảm bảo giãn cách phòng dịch

ANTD.VN -Theo thông tin từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Lễ Phật đản năm nay sẽ được tổ chức trang nghiêm nhưng gọn nhẹ, không tập trung đông người, đảm bảo đúng tinh thần giãn cách, phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2564 - Dương lịch 2020) sẽ tổ chức gọn nhẹ, không lễ đài, không tập trung đông người, không có đoàn xe hoa rước, không tổ chức các chương trình nghệ thuật chào mừng thu hút đông người”.

Lễ tắm Phật tại các chùa được thực hiện trang nghiêm, đảm bảo không tập trung quá đông người (không quá 30 người). Giáo hội cũng khuyến khích các chùa tổ chức đại lễ Phật đản trực tuyến để đảm bảo giãn cách, Phật tử có thể theo dõi trên các nền tảng số.

Chính lễ mừng Phật đản sẽ diễn ra vào 15 tháng 4 âm lịch (ngày 7/5 dương lịch) tại chùa Quán Sứ- trụ sở của Giáo hội. “Nghi lễ cử hành trang nghiêm, truyền hình trực tiếp trên các kênh của An Viên, VTV cab, mạng xã hội để người dân theo dõi lễ Phật đản ấm áp, đúng tinh thần phòng dịch, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Đặc biệt, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2564, Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra thông điệp đề cập sự đồng thuận xã hội: “SARS-CoV2 làm cho hơn ba triệu người bị nhiễm bệnh, hàng vạn người tử vong. Nó đã thực sự làm cho thế giới lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Nhân loại thực sự phải thức tỉnh trước đại dịch này. Mỗi quốc gia, mỗi công dân của một đất nước phải trở về với hành động chính niệm trong sự thức tỉnh, nhìn nhận về văn hóa sinh hoạt, về ý thức đồng thuận trong xã hội …”

Dẫn lời của Đức Pháp chủ về sự đồng thuận xã hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện đồng thời nhấn mạnh việc phong tỏa và kiềm chế tốt dịch bệnh thời gian vừa qua của Việt Nam chính là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của người dân.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bài phát biểu về “Ý nghĩa Phật đản 2020” đã nhấn mạnh, mục đích chính của Đại lễ là tôn vinh giá trị những giáo lý mà Đức Phật đã mang đến cho chúng sinh.

Lễ Phật Đản năm nay đúng vào bối cảnh Việt Nam và cả thế giới đang vất vả chống chọi với đại dịch. Covid-19 đã khiến hàng triệu người nhiễm bệnh và hàng chục nghìn người tử vong. Đồng thời, nhân loại hiện nay đang gánh chịu những tác hại to lớn của tình trạng biến đổi khí hậu trên khắp hành tinh.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm kêu gọi, toàn thể Tăng Ni, tín đồ Phật tử hãy cùng thực hiện tốt những quy định và hướng dẫn của Chính phủ, ngành y tế và công văn chỉ đạo của Trung ương Giáo hội về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, tương thân tương ái chia sẻ những phần quà thương yêu đến với những người còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm cũng yêu cầu, Tăng, Ni giảng sư hãy phát tâm thuyết giảng phát trực tuyến - Online đáp ứng nhu cầu tu tập của Tăng Ni, tín đồ Phật tử trong và ngoài nước để cùng nỗ lực chung tay góp sức trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19.

“Giờ đây, khi tác hại của sự biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới bắt buộc nhân loại phải giật mình và suy nghĩ lại xem: Xu thế phát triển của con người như hiện nay là đúng hay sai? Sự phát triển đời sống vật chất dựa trên nền tảng tiêu dùng phung phí, trong đó lợi nhuận và đồng tiền trở thành thế lực khủng khiếp chi phối toàn bộ ý nghĩ, lời nói và hành động của mỗi con người chúng ta.

Kính mừng ngày Phật Đản, toàn thể Phật tử chúng ta hãy dành nhiều thời gian để suy ngẫm thêm về những điều trên đây, và hãy biến những điều Phật dạy thành hiện thực trong đời sống xã hội, góp phần mang lại hạnh phúc cho mọi người. Đó chính là việc làm thiết thực nhân ngày Phật Đản thiêng liêng đang về với nhân loại"- Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.

  Lễ Phật đản 2020 sẽ được tổ chức như nào?

Nhằm hướng dẫn các cấp, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước, Tăng Ni và đồng bào Phật tử tổ chức lễ kỷ niệm ngày Phật đản, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký thông tư số 076/TT-HĐTS trong đó yêu cầu các nghi lễ phải diễn ra theo truyền thống nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, Giáo hội yêu cầu các cấp, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thành kính kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh trang nghiêm, tôn kính Đức Từ Phụ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni theo nghi thức tắm Phật truyền thống tại các cơ sở tự viện, tại tư gia; không tổ chức lễ đài tập trung đông người, không tổ chức rước xe hoa, không tổ chức các chương trình nghệ thuật chào mừng và tất cả các hình thức tập trung đông người.

Đúng 6h sáng ngày 15/4/Canh Tý (tức 07/52020) tất cả trụ sở các Ban Trị sự GHPGVN các cấp và tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đồng loạt cử ba hồi chuông trống Bát nhã kính mừng Phật đản.

Chính thức cử hành Đại lễ Phật đản tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam với thành phần tham dự gồm Lãnh đạo Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự (không quá 20 vị), truyền trực tuyến online (livestream) trên internet thông qua dịch vụ của mạng xã hội và website.

Giáo hội cũng yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục thực hiện cấm túc tụng kinh kính mừng Phật đản và cầu an cho đại dịch chấm dứt; chấp hành nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ;

Đối với cư sĩ, Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ và của Giáo hội trong việc giãn cách xã hội tránh dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng; mỗi gia đình tôn trí kính mừng Phật đản tại nơi trang nghiêm tại tư gia, không tập trung nhiều gia đình, không tổ chức đồng người; kết nối trực tuyến online với các chùa, cơ sở tự viện và với Trụ sở GHPGVN các cấp để bày tỏ lòng tôn kính Đức Phật và cầu nguyện bình an.