Khúc bi tráng của anh hùng Lê Lợi

(ANTĐ) - Rạp Hồng Hà vừa giới thiệu tới khán giả Thủ đô vở cải lương lịch sử “Gươm thiêng trao trả rùa thần” - tác giả kịch bản Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai. Vở diễn không chỉ tái hiện hào khí ngút trời những ngày nghĩa quân của Lê Lợi quét sạch bóng quân Minh ra khỏi kinh thành Thăng Long yêu dấu, mà còn là những lát cắt đầy tâm sự của một vị minh quân đã phải hy sinh tình cảm riêng để trả nợ nước thù nhà.

Khúc bi tráng của anh hùng Lê Lợi

(ANTĐ) - Rạp Hồng Hà vừa giới thiệu tới khán giả Thủ đô vở cải lương lịch sử “Gươm thiêng trao trả rùa thần” - tác giả kịch bản Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai. Vở diễn không chỉ tái hiện hào khí ngút trời những ngày nghĩa quân của Lê Lợi quét sạch bóng quân Minh ra khỏi kinh thành Thăng Long yêu dấu, mà còn là những lát cắt đầy tâm sự của một vị minh quân đã phải hy sinh tình cảm riêng để trả nợ nước thù nhà.

Lấy nước mắt của khán giả

Là vở diễn về đề tài lịch sử, lại được giao vào tay Hoàng Quỳnh Mai - một đạo diễn trẻ dàn dựng, vì thế, cái chất “cổ” ấy đã được thổi vào những hơi thở đương đại. Nặng về lịch sử khi khắc hoạ người Anh hùng dân tộc Lê Lợi với nhiều tâm sự giằng xé nhưng lại có kết cấu khá gọn nhẹ với nhiều lớp cảnh nối tiếp nhau một cách chặt chẽ. Vì thế, tư tưởng của kịch bản gốc được truyền tải tới khán giả một cách đầy nghệ thuật.

Hình ảnh đầy oai phong của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi
Hình ảnh đầy oai phong của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi

Chỉ diễn ra trong hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng vở cải lương đã lấy đi bao nước mắt của khán giả với những xung đột kịch  tính được đẩy lên cao trào. Ngay từ các màn đầu tiên, khán giả thấy được nỗi đau của Lê Lợi khi người vợ yêu quý bị giặc giết để bảo vệ đường tiến cho nghĩa quân, đến cả đứa con gái yêu cũng bị giặc bắt đi. Ở lớp cảnh này, sự sáng tạo của đạo diễn được thể hiện bằng việc dùng những sợi dây thừng buông thõng trên sân khấu, tạo cảnh trí lạ, vừa như một ẩn ý, khi những làn dây thừng như muôn ngàn roi quất vào da vào thịt những người thân trong gia đình Lê Lợi. Là một nữ đạo diễn, vì thế Hoàng Quỳnh Mai đã dùng chính sự nhạy cảm và tinh tế của người phụ nữ, để diễn tả nỗi lòng người mẹ.

Ở vở diễn này, chị đã rất thành công khi làm cho lớp cảnh người vợ thứ 2 của Lê Lợi tự nguyện trở thành vật hiến tế thần linh để thổ thần phù trợ cho nghĩa quân Lam Sơn đánh thắng giặc Minh. Hiệu ứng âm thanh với tiếng khóc xé lòng của đứa trẻ còn bế ẵm trên tay người vợ khi bà trẫm mình xuống dòng sông đã làm gia tăng tính bi ai của cảnh diễn. Quỳnh Mai còn dùng tới hình ảnh của những chiếc lá được các nữ diễn viên mặc váy màu trắng sử dụng dần dần che lấp hình ảnh của bà khi bước xuống dòng sông để thể hiện sự trầm mình của người vợ Lê Lợi. Một hình ảnh sân khấu vừa lãng mạn lại vừa đau thương. Qua những cảnh đó, người xem như thấu hiểu nỗi mất mát và hy sinh hạnh phúc riêng của một bậc minh quân cho lợi ích chung của dân tộc.

Lấy cảm hứng từ thực tế

Trước khi bắt tay vào dàn dựng vở diễn, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã có những chuyến đi thực tế. Một mình ngồi trong đền Ngọc Sơn, lắng nghe những âm thanh xao động của nước, đưa mình về với ngày xưa khát vọng đất nước thanh bình sau những ngày chinh chiến đã giúp chị có những ý tưởng thú vị. Tiếng vó ngựa tượng trưng cho bước tiến của nghĩa quân Lam Sơn hướng về kinh thành Thăng Long đã làm nức lòng người xem như một chiến thắng tất yếu cho lòng quả cảm và chính nghĩa.

Rồi tiếng đàn lả lơi nơi kinh thành lại mở ra trước mắt người xem một chốn phồn hoa đô thành diễm lệ. Nhưng đan xen trong niềm hân hoan hạnh phúc khi vua Lê trao trả gươm cho rùa thần, dường như khán giả vẫn cảm nhận được nỗi đau lặn sâu trong đáy lòng của vị vua anh minh.

Các nghệ sỹ của Nhà hát Cải lương Trung ương đã hoá thân vào các vai diễn rất thành công. Họ đã sống cùng nỗi đau và niềm hạnh phúc của nhân vật. Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của vua Lê khi chứng kiến sự ra đi của 2 người vợ. Những câu cải lương mùi mẫn đã làm tăng thêm tính bi hùng của vở diễn. Khán giả đã được thoả mãn niềm yêu thích cải lương qua vở diễn với những giọng ca xuất sắc. Vở diễn đã khép lại với dư vị ngọt ngào đan xen cùng niềm cảm xúc xót xa với hình tượng oai phong lẫm liệt của người Anh hùng Lê Lợi.

Phạm Thu Hương