Khuất bóng một trí thức lớn

(ANTĐ) - GS. Vũ Đình Hòe đã từ trần vào sáng 29-1 tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM trong sự thương tiếc của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và công tác giáo dục cả nước. Ông là một trí thức lớn, hoạt động trong các lĩnh vực báo chí, giáo dục, pháp luật. Ông là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục từ tháng 8-1945 đến tháng 3-1946 rồi làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm sau đó.

Khuất bóng một trí thức lớn

(ANTĐ) - GS. Vũ Đình Hòe đã từ trần vào sáng 29-1 tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM trong sự thương tiếc của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và công tác giáo dục cả nước. Ông là một trí thức lớn, hoạt động trong các lĩnh vực báo chí, giáo dục, pháp luật. Ông là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục từ tháng 8-1945 đến tháng 3-1946 rồi làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm sau đó.

Vũ Đình Hoè là chít nội của TS. Vũ Tông Phan, một danh sĩ ưu dân ái quốc, có con cháu tham gia tích cực phong trào văn thân chống Pháp hồi cuối thế kỷ XIX. Cũng như những người bạn cùng trang lứa như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Đỗ Đức Dục... Vũ Đình Hoè quyết chí học hành, trau dồi cho mình một vốn kiến thức mới để có thể lập thân.

Anh dạy học tư, kèm cặp các cậu ấm, cô chiêu để kiếm tiền ăn học bằng hình thức gửi thư xin bài, nộp bài sang tận Paris, hết phần I tú tài Tây, rồi  trường Trung học Albert Sarraut để thi đỗ phần II. Vũ Đình Hoè quyết chí học lên cao nữa: anh nộp phí ghi tên vào Luật khoa của Đại học Đông Dương. Tấm bằng cử nhân luật là tiền đề tốt để được tuyển làm quan trong bộ máy cai trị thuộc địa của Pháp nhưng Vũ Đình Hoè chọn nghề dạy học ở các trường tư thục nổi tiếng Thăng Long và Gia Long.

Vũ Đình Hoè không chỉ là thầy giáo mà còn là một người đi tiên phong trong nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam, từ trước 1945 ông đã viết nhiều bài về giáo dục bình dân và cải cách giáo dục. Không ít ý tưởng nhà giáo dục học Vũ Đình Hoè đề xuất từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự như: triết lý giáo dục vị nhân sinh, định hướng thực nghiệp, liên thông giữa phổ thông trung học có chuyên ban và phổ thông chuyên nghiệp.

Đầu tháng 7-1945, ông gia nhập Đảng Dân chủ trong Việt Minh. Ông nhận nhiệm vụ vào Bắc Bộ phủ (nhờ có Nguyễn Văn Huyên giới thiệu) thuyết phục Khâm sai Phan Kế Toại từ chức, sau đó đi Huế thuyết phục hai người đồng sáng lập Thanh Nghị là Phan Anh và Vũ Văn Hiền rút ngay ra khỏi chính phủ Trần Trọng Kim. Vì thời cơ đã đến, một ngày cuối tháng 7-1945, Chủ nhiệm Thanh Nghị Vũ Đình Hoè và Thư ký toà soạn Đỗ Đức Dục, với tư cách các uỷ viên Trung ương Dân chủ, được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông Vũ Đình Hoè, 33 tuổi, được cử vào Chính phủ Nhân dân lâm thời, giữ chức Bộ trưởng Quốc gia giáo dục. Một tuần sau Lễ độc lập, ông đã trình Hồ Chủ tịch ký 2 sắc lệnh: về thanh toán nạn mù chữ và về thành lập một ngành học chính thức mới trong hệ thống giáo dục quốc dân - Bình dân học vụ.

Chỉ non 3 tháng sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, theo lệnh của Chính phủ Nhân dân lâm thời, Bộ trưởng Hoè cho mở cửa lại Đại học Đông Dương, từ nay là Đại học Quốc gia Việt Nam giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt. Vài tháng sau, ông đã trình Hồ Chủ tịch Đề án cải cách giáo dục với mục tiêu “giáo dục vị nhân sinh” và trên các nguyên tắc dân chủ, dân tộc và khoa học, về cơ bản phù hợp với các phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng trong Đề cương văn hoá của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946, luật gia Vũ Đình Hoè được cử vào Ban dự thảo điều lệ Tổng tuyển cử. Quốc hội họp phiên đầu tiên, Hồ Chủ tịch điều ông Vũ Đình Hoè sang nắm giữ Bộ Tư pháp trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời. Khi lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, đề cử ông Hoè vào cương vị Bộ trưởng Tư pháp, Cụ Hồ giới thiệu trước toàn thể Quốc hội: “là một trong đám người trí thức và đã hoạt động rất nhiều trong công cuộc cách mạng”. Vũ Đình Hoè đã hoàn thành sự uỷ thác của Hồ Chủ tịch, củng cố Bộ Tư pháp, xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp từ Trung ương đến địa phương, đắc lực giúp Người đặt nền móng cho Nhà nước pháp quyền nhân nghĩa, trong suốt 14 năm (1946 - 1960) đứng đầu Bộ.

Năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể (đến năm 1981 mới lập lại), ông Vũ Đình Hoè được chuyển về Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp. 15 năm ông lặng lẽ, miệt mài làm công tác nghiên cứu, chủ biên và tham gia nhiều công trình luật học giảng dạy Luật Dân sự và Luật Kinh tế ở trường Đại học Kinh tế.

Năm 1975, ông về hưu, không một huân, huy chương. Từ sau khi Đảng có chính sách đổi mới, danh tính Vũ Đình Hoè xuất hiện trở lại. Dẫu lúc ấy đã ngoài 70, ông đem hết tâm huyết và trí tuệ phục vụ công cuộc đổi mới, tham dự và đọc tham luận về tư tưởng pháp lý, tư tưởng giáo dục, tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các hội thảo do Bộ Tư pháp, Quốc hội và Bảo tàng Hồ Chí Minh hoặc Ban Khoa học Xã hội. Năm 1996, GS. Vũ Đình Hoè được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, rồi được công nhận là “Cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa”.

Minh Thư

GS. Vũ Đình Hoè không chỉ là thầy giáo mà còn là một người đi tiên phong trong nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam, từ trước 1945 ông đã viết nhiều bài về giáo dục bình dân và cải cách giáo dục. Không ít ý tưởng nhà giáo dục học Vũ Đình Hoè đề xuất từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự như: triết lý giáo dục vị nhân sinh, định hướng thực nghiệp, liên thông giữa phổ thông trung học có chuyên ban và phổ thông chuyên nghiệp...