Không thể tùy tiện cách tân lễ hội
(ANTĐ) - Cùng với sự trở lại các giá trị của văn hóa truyền thống, nhiều năm qua, nhiều lễ hội được phục hồi và trở thành nơi sinh hoạt tâm linh, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ... quan trọng của các địa phương. Nhưng xung quanh sự phục hồi này đang nảy sinh nhiều trăn trở, nên khơi lại dòng chảy từ xa xưa, hay nắn cho nó một dòng chảy mới?
Vẽ người ở Lễ hội Lảnh Giang |
“Đương đại tiếp thị cho truyền thống”
Bằng chứng lớn nhất cho việc “cách tân” lễ hội được thể hiện rất rõ qua hai lễ hội Tịch Điền và Lảnh Giang (Hà Nam) mới được tổ chức năm nay. Cùng với các hoạt động tế, lễ, có sự tham gia của các họa sĩ đương đại, các chương trình phụ trợ như vẽ lên lưng trâu, vẽ lên cơ thể người đã trở thành những màn biểu diễn gây tò mò cho một lượng lớn người dân đến xem.
Theo lý giải của Ban tổ chức lễ hội, các hình thức nghệ thuật đương đại được trình diễn ở đây, không phải BTC cố tình đưa ra để gây sốc bằng mọi giá, bởi “có tích mới dịch nên trò”. Theo sử sách còn ghi, khi xưa những người dân ở vùng sông nước đều phải xăm mình để chống lại thủy quái, còn những con trâu cày Tịch Điền đều được làm đẹp bằng các tấm vải đỏ trước khi xuống cày ruộng. Còn nay, nghệ thuật đương đại đã làm thay việc đó.
PGS. TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Việc đưa nghệ thuật đương đại vào trong lễ hội truyền thống hay hoạt động tâm linh cần phải được nghiên cứu thận trọng và có ý tưởng rõ ràng, làm ở đâu, làm đến mức độ nào và làm như thế nào. Cần tách lễ hội và hoạt động tâm linh ra khỏi nghệ thuật đương đại để giữ lấy tính thiêng của tín ngưỡng. Nghệ thuật đương đại là một lĩnh vực hoạt động nghệ thuật độc lập. Nó cần được biểu diễn độc lập, tuyệt nhiên không nên lồng ghép các hoạt động này vào với lễ hầu đồng như tại Lễ hội Lảnh Giang rồi coi đó như một xu thế mới trong việc bảo tồn các di sản văn hóa. |
Nói theo lời ông Bùi Quang Thắng - Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam - Tổng đạo diễn Chương trình lễ hội Tịch Điền và Lảnh Giang thì việc “dùng đương đại tiếp thị cho truyền thống” là việc rất nên làm trong thời điểm này. Nếu cứ phục dựng những lễ hội truyền thống rồi không ai đến xem thì việc này khác gì mang tiền đi đổ xuống sông, xuống biển. Những tranh luận kéo dài về việc nên bảo tồn thế nào, bảo tồn y nguyên, bảo tồn có chọn lọc hay bảo tồn phát triển đều không quan trọng.
Cái quan trọng ở đây là mang lại lợi ích thực sự cho cộng đồng. Sự thành công hay không của lễ hội phải được thẩm định qua thước đo - đó là kinh phí thu được. Chính nguồn kinh phí này sẽ được tái đầu tư để bảo tồn lễ hội. Điều này rất có ý nghĩa, bởi không thể cứ bắt Nhà nước “nuôi” mãi được. Cũng theo ông Bùi Quang Thắng, các lễ hội truyền thống nên mở rộng cửa hơn nữa, như thế nó sẽ hòa vào dòng chảy, vào sự vận động chung của xã hội và, những giá trị của nó sẽ được nhiều tầng lớp nhân dân được hưởng thụ.
“Rất cần minh bạch”
Không phủ nhận những thành công bước đầu mà các hoạt động cách tân lễ hội mang lại. Nhưng theo Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, cần phải minh bạch và phân định rõ mục đích tổ chức của lễ hội. Đâu là phục dựng lễ hội truyền thống và đâu là các sự kiện văn hóa nghệ thuật liên quan tới lễ hội. Bởi nếu cứ đánh đồng hai khái niệm này với nhau rất nguy hiểm. Việc phục dựng lại các lễ hội cổ truyền là để cho lớp trẻ hôm nay, cho con người đương đại tiếp cận với quá khứ. Vì thế, cần nhất là bảo tồn nguyên trạng.
Nếu ta cứ mặc cho nó hòa chung vào dòng chảy đương đại thì chỉ vài chục năm nữa thôi, chúng ta sẽ không còn nhớ khuôn mặt quá khứ thế nào, con cháu muôn đời sau cũng sẽ không biết đến lễ hội gốc là gì. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cũng cho rằng, đừng dựa vào lý do thưa vắng người xem mà cài vào những chiêu hút khách bởi trong suốt quãng đời nghiên cứu của mình, ông chưa thấy lễ hội nào vắng cả”. Vì thế việc đó đặt ra là thừa. Địa phương nào muốn tuyên truyền quảng bá thì nên tổ chức một cách khôn khéo hơn.
Để hạn chế các hoạt động cải biên lễ hội, Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan đề xuất, cần phải bắt đầu từ việc Bộ VH-TT&DL ban hành một Quy chế phục dựng lễ hội một cách cụ thể, chi tiết và phân cấp rõ ràng cùng những quy định về quy mô và không gian tổ chức. Cũng không thể vì nguồn kinh phí “xã hội hóa” mà phó mặc cho địa phương làm gì thì làm. Nghi lễ, lễ hội là hoạt động tín ngưỡng - văn hóa của nhân dân vì thế, phải hết sức tránh cách làm áp đặt xuất phát từ ý tưởng chủ quan hoặc từ một ý thích nhất thời nào đó rồi đổi mới, hiện đại hóa một cách tùy tiện. Bởi sự đổi mới tùy tiện này, nhiều khi không đem lại thành công.
Quỳnh Vân