Nghề MC ở Việt Nam:

Không phải cứ đam mê là thành công

ANTĐ - Với khoảng hơn 50 chương trình truyền hình thực tế cùng hàng trăm chương trình khác, đội ngũ dẫn chương trình (MC) hiện tại được đánh giá còn khá thiếu so với nhu cầu. 
Không phải cứ đam mê là thành công ảnh 1
Jennifer Phạm cùng Thanh Bạch trong vai trò MC chương trình Chinh phục đỉnh cao 2013

Mắc lỗi như… cơm bữa

Mới đây, khán giả lại thêm thất vọng với người đẹp Jennifer Phạm khi đêm chung kết Giọng hát Việt nhí, cô không ít lần thể hiện sự vụng về, lúng túng. Đặc biệt, khi đọc kết quả giải thưởng dành cho 3 thí sinh dừng ở bán kết, cô đọc nhầm số tiền 5 triệu đồng tiền quà tặng từ nhà tài trợ thành 5 triệu tiền mặt trong giải thưởng trị giá 55 triệu đồng. Để chữa cháy, sau đó MC Thanh Bạch đã phải công bố lại một lần nữa. Đây không phải lần đầu tiên nữ MC này mắc lỗi dù có thời gian khá dài gắn bó với chương trình. Trước đó, trong vai trò MC hậu trường khi giao lưu với các thí sinh, Jennifer Phạm cũng cho thấy cách dẫn dắt khá máy móc, ngượng nghịu. 

Những lỗi như của Jennifer Phạm không phải là quá hiếm, đặc biệt với những MC tay ngang. Nhìn vào các chương trình truyền hình thực tế, ngoài các gương mặt quen thuộc như: Phan Anh, Trấn Thành, Nguyên Khang, Thanh Bạch,… thì hầu hết đều là các tay ngang. Họ là các ca sĩ, người mẫu, diễn viên: Jennifer Phạm, Thu Thủy, Hoàng My, Khánh Thi… Thậm chí, vì nhiều lý do khác nhau, các danh hài cũng được “trưng dụng” cho vai trò này: Hoài Linh, Việt Hương, Bảo Trí… Vì là tay ngang, ít kinh nghiệm trong nghề nên không tránh khỏi những lỗi căn bản, thậm chí là vô duyên. 

Thực tế cho thấy trong khi nghề diễn viên, ca sĩ, người mẫu… được đào tạo khá chỉn chu và có nhiều cuộc thi để rèn nghề thì lĩnh vực MC lại rất hạn chế. Cho đến nay, Người dẫn chương trình truyền hình (Én vàng) là cuộc thi có quy mô và tuổi đời lâu nhất. Sau 10 năm tổ chức, hàng nghìn thí sinh đã đăng ký tham gia, góp phần tạo nên nhiều tên tuổi: Kiều Hải Chuyên, Nguyễn Hồng Phượng, Bùi Tuấn Anh, Trần Hạnh Phúc, Tú Trinh, Thành Trung…. Tuy nhiên, qua mỗi năm, BTC luôn phải đau đầu tìm ra những thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đạo diễn Vũ Thành Vinh cuộc thi năm nay có nhiều đổi mới giúp thí sinh tiếp cận thực tế, bộc lộ khả năng xử lý tình huống nhiều hơn.

Không phải cứ đam mê là thành công ảnh 2
Nguyên Khang và Thu Thủy trong vai trò MC Nhân tố bí ẩn 2014

Thiếu trung tâm đào tạo MC

Từ kinh nghiệm cá nhân, MC Nguyên Khang chia sẻ: “Tôi tập nói vào băng cassette để nghe đi nghe lại tiếng nói của mình. Tôi tập đọc nhiều sách, xem những chương trình hài và quan sát. Tôi đúc kết cho mình điều gì cần thiết để xây dựng một phong cách riêng”. 

Ở Việt Nam, các trung tâm đào tạo về MC rất hạn chế, chủ yếu là các khóa học ngắn như: Lớp MC Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Lớp phát thanh viên và dẫn chương trình của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Lớp MC Nhà văn hóa Thanh Niên, Cung văn hóa Lao động… tại TP.HCM. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất  là các khóa học này không theo một tài liệu chính thống nào, phần lớn do các MC đứng lớp tự biên soạn từ chính thực tế bản thân đã trải qua. Trong khi đó, những trung tâm được trang bị giáo trình và trang thiết bị tốt lại khá kén học viên vì học phí cao. Do đó, nhiều MC chỉ trải qua các khóa học ngắn, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức vẫn thản nhiên bước vào nghề. Kết quả là họ rất dễ mắc các lỗi từ sơ đẳng, ngô nghê cho đến nghiêm trọng. Điều này hoàn toàn khác biệt so với các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu vì muốn trở thành MC chuyên nghiệp phải qua đào tạo từ 2-3 năm với đầy đủ kiến thức ở nhiều lĩnh vực, các kỹ năng mềm…

Theo hầu hết các MC chuyên nghiệp, học và tự học là điều bắt buộc với tất cả những ai muốn theo nghề MC. Ngoài yếu tố về ngoại hình, chất giọng, mỗi người cần trau dồi kiến thức, kĩ năng và sự ứng biến linh hoạt để hoàn thành tốt công việc.