Không nên học vẽ theo kiểu… chép tranh

ANTD.VN - Chỉ cần một buổi, người học dù không có năng khiếu cũng sẽ vẽ được tranh. Điều tưởng như phi lý ấy lại rất bình thường tại các lớp dạy vẽ dành cho người lớn theo phương pháp chép tranh.

Học vẽ là để phát triển khả năng sáng tạo, không phải rập khuôn theo nguyên mẫu

Bên cạnh các lớp học vẽ theo phương pháp sáng tạo, gần đây, Hà Nội rộ lên phong trào đi học chép tranh. Các lớp học lúc nào cũng đông nghịt, nếu đăng ký không nhanh thì không còn chỗ.

Các trung tâm như Art by you, Tipsy art, Asyvina… là các địa điểm được đông đảo người học lựa chọn tại Hà Nội. Với 400 nghìn đồng một buổi, người học chỉ cần “tay không” đến lớp và thành quả mang về sẽ là một bức tranh treo trong nhà.

Chép theo mẫu giống hệt nhau

 Do linh hoạt về thời gian, không phân biệt về độ tuổi, trình độ, người học sẽ tùy theo điều kiện công việc và gia đình để thu xếp tham gia lớp học. Hơn nữa, học viên còn có quyền lựa chọn mẫu tranh sẽ học, rồi sau đó đăng ký tham dự nên các lớp học chép tranh thu hút rất đông người tham gia. Chỉ một buổi học, mỗi người sẽ sở hữu một bức tranh chép giống nguyên mẫu đến gần tuyệt đối, từ màu sắc, các hình nét đến bố cục trong tranh. 

Trước giờ học, người tham gia sẽ được phát một bức toan trắng, màu và bút vẽ. Các học viên được giáo viên hướng dẫn từng bước một để sao chép, mô phỏng theo bức tranh mẫu.

Sở dĩ chỉ trong thời gian học ngắn như vậy nhưng người học có thể vẽ ngay được là bởi, các giáo viên sẽ vẽ mẫu từng nét, học viên nhìn và làm theo từng bước cho đến khi hoàn thành một bức tranh. Không cần cầu kỳ và sáng tạo, chỉ cần làm đúng và chính xác, ai đã từng tham gia các lớp học chép tranh như thế đều có sản phẩm mang về.

Chính vì yêu cầu đơn giản, không đòi hỏi cao về năng khiếu lại linh hoạt về thời gian nên gần đây, phong trào đi học chép tranh đang nở rộ tại Thủ đô. Cái thú từ những lớp học như thế chính là người học vẽ được tự tay làm nên một sản phẩm nghệ thuật mà từ trước đến giờ, ít khi họ có điều kiện được tiếp cận.

Các lớp học chép tranh ít nhiều cũng đã cung cấp cho người học một số kỹ năng cơ bản như cách đưa nét chổi, cách pha trộn màu, học được cách nhìn ánh sáng… Có một số học viên, chỉ sau 5-6 buổi học đã nắm được một số kỹ thuật cơ bản và tự vẽ được những bức tranh của riêng mình.

Tuy nhiên, số lượng không nhiều và hoàn toàn phụ thuộc vào năng khiếu hội họa của từng người. Nếu học nhiều, người học khi xem một bức tranh phần nào sẽ hiểu được lao động của nghệ sỹ, biết được bức tranh nào tốn công sức, bức nào thì không. Nhưng có điều, nếu có 10 người tham gia lớp học chép tranh thì tương ứng sẽ có 10 bức tranh thu về giống hệt nhau, hoàn toàn khác xa các lớp học vẽ theo lối sáng tạo. 

Một bức tranh sơn dầu sau khi hoàn thiện

Giới chuyên môn phản đối

Với phương pháp dạy vẽ này, các họa sỹ, các nhà giáo dục lại cực lực lên tiếng phản đối bởi sự sáng tạo hoàn toàn bị triệt tiêu khi người học tham gia các lớp học như thế. Dù nói là để người học biết những khái niệm cơ bản về hội họa nhưng đa phần các ý kiến đều cho rằng, chất liệu, màu sắc trong tranh mà được dạy như thế thì hội họa sẽ chết. 

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho biết: “Đến thầy tôi là Giáo sư ở trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam mà bây giờ vẫn còn phải học về màu sắc, bố cục, chất liệu thì với những người mới bắt đầu học vẽ được dạy ngay chép tranh, sẽ phá hủy sự tưởng tượng, sáng tạo của người học”.

Đồng tình với quan điểm này, họa sỹ Đỗ Đức Khải, Chủ nhiệm CLB Sơn ta Việt Nam nhấn mạnh “Học vẽ không chỉ là sao chép, điều quan trọng là các em được tưởng tượng, được tư duy vượt ra ngoài các khuôn mẫu. Cũng là tĩnh vật ấy nhưng mỗi người học sẽ nhìn theo góc riêng của mình, tự quan sát, tự tưởng tượng và tự vẽ. Tôi hoàn toàn phản đối phương pháp dạy vẽ theo lối chép tranh như hiện nay, vừa phản giáo dục lại sáo rỗng về lý thuyết”. 

Những người mới bắt đầu học vẽ được dạy ngay chép tranh, sẽ phá hủy sự tưởng tượng, sáng tạo của người học