Không gian nghệ thuật thị giác phi lợi nhuận

ANTĐ - Hiếm nữ nghệ sỹ trẻ nào vừa sáng tác, lại vừa cai quản cả một cơ ngơi là không gian nghệ thuật như Lê Giang. 

Cùng hỗ trợ nâng bước nghệ sĩ trẻ

Không ai nghĩ một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp như Lê Giang lại đang kiêm nhiệm nhiều việc đến như vậy. Chị vừa là nghệ sỹ thị giác, vừa là một giáo viên, vừa là một nhà tổ chức nghệ thuật. Ở Việt Nam, việc một nghệ sỹ trẻ tự đi những bước đi đầu tiên đã khó, huống hồ là tổ chức một không gian nghệ thuật để hỗ trợ những nghệ sỹ trẻ giống như mình. Nhưng Lê Giang đã làm được điều ấy.

Từng tham gia nhiều cuộc triển lãm và trại sáng tác ở nước ngoài như Nhật Bản, Philippines, Singapore… và ở Việt Nam như “Trên dưới trời”, “Into thin air”…, Lê Giang còn là người sáng lập ra không gian nghệ thuật Six Space và Blossom Art House - xưởng nghệ thuật dành cho các em nhỏ. Với quan niệm nghệ sỹ trẻ cần có những không gian nghệ thuật chứ không chỉ là những gallery để treo, bày tác phẩm, chị đã cùng một nghệ sỹ khác xây dựng Six Space.

Rộng khoảng 98m2 nằm tại một tòa nhà cao tầng trên phố Trần Hưng Đạo, Six Space là nơi diễn ra nhiều sự kiện nghệ thuật đặc biệt, từ các cuộc trưng bày tranh, trò chuyện nghệ thuật, chiếu phim cho đến các buổi giới thiệu thực hành nghệ thuật độc đáo như tìm hiểu về sách thể nghiệm hay tạo dựng hình ảnh từ tranh in lụa… Không chỉ đến và xem, người yêu nghệ thuật được tự tay thao tác trên một chất liệu, được các nghệ sỹ nước ngoài hướng dẫn và mang tác phẩm về nhà. 

Không gian nghệ thuật Six Space

Với một nghệ sỹ trẻ mới 27 tuổi như Lê Giang, việc lập được một không gian như thế  gần như là ước mơ đã thành hiện thực. “Lúc mới đầu khi lập không gian này, thậm chí chúng tôi còn không có cánh cửa. Một thời gian sau, chúng tôi mới có kinh phí làm một cái trần mới, rồi sau đó mới lát sàn gỗ, lắp dàn đèn… và vô số thứ khác. Dần dần khi có cái logo dán vào cánh cửa kia, tôi mới tạm yên tâm” - Lê Giang tâm sự.

Một khó khăn nữa là trong khi các gallery khác bày bán những tác phẩm của những nghệ sỹ tên tuổi để dễ quảng cáo, dễ có doanh thu thì không gian của chị lại làm phi lợi nhuận. Ấy vậy nhưng chỉ bằng việc huy động các quỹ nghệ thuật từ nước ngoài, cũng như kinh phí từ việc mở những lớp dạy làm nghệ thuật, dự án của Lê Giang đã tiếp sức cho nhiều nghệ sỹ trẻ, từ khâu cố vấn, phác thảo ý tưởng, cho đến thực hiện và giới thiệu tới công chúng. 

Nuno Sa Punso - một tác phẩm của Lê Giang tại Philippines

Dấn thân vào nghệ thuật thị giác

Cần nói thêm là trước khi trở thành chủ dự án Six Space, Lê Giang từng tốt nghiệp thủ khoa Khoa Sư phạm Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Không bằng lòng với việc làm một giáo viên giảng dạy mỹ thuật thông thường, chị theo học cao học tại trường Camberwell, trường Đại học Nghệ thuật London (Anh) để trau dồi và nâng cao kiến thức của mình.

Cũng bởi từng được rèn luyện trong một môi trường chuyên nghiệp và khắt khe nên Lê Giang không chọn con đường dễ đi mà thử sức ở vai trò là một nghệ sỹ thị giác - lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Gạt sang một bên lối suy nghĩ theo kiểu truyền thống, chị theo đuổi những đề tài phức tạp và trừu tượng như Utopia - thế giới đẹp đẽ không có thực hay mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, sự hòa hợp hay xung đột của con người với thế giới bên ngoài… 

Tác phẩm “Vùng tưởng ký” tại triển lãm “Trên dưới trời”

Để hiện thực hóa những đề tài ấy, chị kể mình đã từng say sưa nhồi một cái hố đen cho đến đẽo gọt một khối bọt trắng từa tựa như thạch cao… đặt giữa đường phố. Chị nói rằng không muốn đi theo những đề tài mà người ta nghĩ là “đóng đinh” với các nữ nghệ sỹ như đàn bà hay khát khao nhục cảm… Chị nói, nếu những gì cánh đàn ông làm được, chẳng hạn làm ra những công trình điêu khắc lớn thì phụ nữ cũng có thể làm được, nữa là một người trẻ như chị. 

Làm nghệ thuật đương đại nhưng không bỏ quên truyền thống, từ đầu năm nay Lê Giang và những người đồng sự của chị đã xây dựng dự án Artisan nhằm kết nối các nghệ sỹ trẻ với các nghệ nhân làng nghề. Các nghệ sỹ trẻ tham gia chương trình, trong đó có chị sẽ đi đến hơn 80 làng nghề truyền thống của miền Bắc để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu sự trăn trở của các nghệ nhân.

Không chỉ dừng lại ở việc giao lưu, mục tiêu của dự án là xây dựng một bản đồ các làng nghề, cũng như tạo ra những sản phẩm thủ công truyền thống hơi hướng đương đại, trên cơ sở thúc đẩy khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thay vì dựa vào những mẫu đặt hàng có sẵn. Thành quả của dự án này sẽ được công bố vào cuối năm 2016, và biết đâu nó sẽ mở ra những sự kết nối đầy hứa hẹn giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại Việt Nam.