Không gian huyền thoại giữa lòng Hà Nội

ANTD.VN - Không gian phố thị ngột ngạt dường như mất hẳn, vào làng Vạn Phúc người ta như rơi vào một không gian khác, trong thời gian huyền thoại của lịch sử và rất gần gũi với thiên thiên.

Làng lụa Vạn Phúc có một lịch sử huyền thoại. Làng nghề trên một nghìn tuổi này theo huyền sử chép lại được truyền nghề bởi một người đàn bà, A Lã Đê Nương (Lã Thị Nga) vợ của Cao Biền. Người đàn bà mang dòng dõi cao quý này tuy lấy chồng làm quan to nhưng không ở cung vàng gác tía mà ở trang Vạn Bảo (thời Nguyễn mới đổi thành Vạn Phúc vì kị húy) dạy dân dệt vải. Nghề dệt lụa bắt đầu hình thành ở Vạn Phúc. Lúc Cao Biền về nước, A Lã Đê Nương vì lưu luyến vùng đất đã không theo về mà ở lại. Khi nghe tin chồng mất, bà đã tuẫn tiết ngay bên dòng sông Nhuệ, dân làng lập miếu thờ và tôn bà là thành hoàng làng và tổ nghề dệt lụa.

Vẫn giữ được nghề xưa

Vạn Phúc ngày nay vẫn còn mang một vẻ cổ kính của riêng mình. Trong khi các làng dệt lụa truyền thống khác ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ đã mai một từ lâu thì Vạn Phúc vẫn còn giữ lại được nhiều nét đặc sắc của một trong những làng nghề cổ nhất nước Việt. Nhiều người dân trong làng vẫn làm những nghề liên quan tới công việc từ nghìn năm để lại: người cung cấp tơ, người nhuộm, người hồ sợi, người vẽ hoa, người se chỉ màu… Những con phố đông vui, nhộn nhịp, những cửa hàng bán lụa đủ các màu sắc, đủ chủng loại sản phẩm. Làng nghề có những khu vực giới thiệu sản phẩm vừa có chỗ trưng bày quy trình làm ra những tấm lụa lừng danh. Những khung cửi bằng gỗ có tuổi đời hàng trăm năm đã sạm đen nước thời gian trở thành những bảo vật quý của làng lụa. 

Lụa ở làng Vạn Phúc có nhiều loại nhưng có lẽ nổi tiếng nhất vẫn là lụa Vân. Gọi là lụa Vân bởi vì loại lụa này có hoa nổi bóng trên mặt và hoa chìm thì chỉ nhìn thấy khi soi ra ánh sáng. Sau này một nghệ nhân của làng là ông Nguyễn Hữu Chỉnh đã sáng tạo ra loại lụa Long Vân có hình hai con rồng chầu Khuê Văn Các cũng được yêu thích. Hoa văn trên lụa Vạn Phúc tỉ mỉ nhưng không rối rắm, được tuân theo luật đối xứng, đường nét phóng khoáng, bay bổng...  Từ xa xưa, được dùng một sản phẩm từ chính những người dân làng Vạn Phúc làm ra là điều tự hào với nhiều thế hệ người Việt.

Những chứng nhân nghìn năm tuổi

Nhưng Vạn Phúc không chỉ nổi tiếng bởi làng nghề. Bởi lịch sử lâu đời của mình, ngôi làng có một vẻ cổ kính huyền thoại. Ngôi chùa đầu làng có hai cái giếng sâu. Theo các cụ cao niên trong làng thì những cái giếng này có từ thời lập làng để cung cấp nước sạch cho người dân. Giếng sâu hun hút, kè bằng thứ đá ong đặc trưng từ vùng Sơn Tây mang về. Đã có người nói rằng muốn biết nếp sinh hoạt làng cổ Việt xưa kia thì cứ nhìn vào cái giếng làng ấy là biết. Giếng cổ trong chùa Vạn Phúc có lẽ cũng mang một đặc điểm như vậy, mặt nước trong lạnh, sâu thẳm, có bậc đi xuống và điều đặc biệt là mực nước giếng bao giờ cũng ở một mức gần như cố định, không bao giờ đầy ngập, kể cả những khi bị nước sông Nhuệ tràn vào…

Giếng nước cổ là nhân chứng của thời gian, những chứng nhân quan trọng khác của ngôi làng nổi tiếng này còn là những cây cổ thụ hàng trăm thậm chí nghìn năm tuổi. Chỉ riêng trong làng Vạn Phúc đã có 6 cây cổ thụ được vinh danh là cây di sản. Những cây nhãn thân đã mốc rêu trong sân chùa Vạn Phúc, cây bàng vỏ xù xì lá xanh tốt trước sân đình Vạn Phúc và đặc biệt là cây đa tía, những cây họ duối trong miếu thành hoàng làng ở sát bờ sông Nhuệ.

Không gian huyền thoại giữa lòng Hà Nội ảnh 2Phơi lụa, một hình ảnh đẹp ở Vạn Phúc

Giữa một thành phố có đến mấy triệu dân và lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt, tìm được một chỗ có nhiều cây xanh quần tụ là điều hiếm nhưng khi vào miếu thành hoàng làng Vạn Phúc thì người ta có thể ngỡ ngàng. Đi qua một chiếc cổng cố kính của thời gian là một không gian hoàn toàn khác. Có rất nhiều cây xanh được trồng trong miếu, cây mọc um tùm, cao thấp chen nhau, ánh sáng mặt trời gần như không thể lọt xuống. Mặt đất lúc nào cũng mát rượi và ẩm ướt vì có những cái ao nhỏ và được bóng cây che phủ.

Trong những loài cây ở ngôi miếu cổ này, đáng kể nhất là cây đa tía được trồng từ thuở lập làng. Cây đa có tuổi đời cả nghìn năm này là chứng nhân quan trọng, bất chấp sự tàn phá của thời gian, thân cây to lớn với nhiều cành đan xen vào nhau, nhiều đoạn thân cây đã mục ruỗng tạo thành các hang hốc nhưng cành lá trên cây vẫn tươi tốt. Những cây họ duối lớn rất chậm và thường có tán thấp lòa xòa ở các nơi khác thì trong miếu Vạn Phúc là hai cây duối rất lớn, thân cao và vươn thẳng lên trong một không gian um tùm, rậm rạp như một khu rừng nhiệt đới nho nhỏ.

Làng Vạn Phúc bây giờ đã trở thành phố phường trong một đô thị lớn nhất nhì đất nước nhưng đi quanh co trong những ngõ nhỏ đôi khi vẫn bắt gặp những chiếc cổng cổ đã bạc phếch màu thời gian, vài ngôi nhà gỗ hoặc những cụ già bạc phơ tóc trắng chống gậy đi chơi... Và trong thấp thoáng rất nhiều màu sắc của lụa hòa cùng tiếng cười nói râm ran của khách du lịch thì vẫn thấy một thứ gì đó yên bình lắng đọng với thời gian được lưu dấu ở nơi đây. Vạn Phúc không chỉ có lụa tơ tằm mà còn có chùa chiền, đình miếu, những cây cổ thụ và một không gian gợi nhớ hồn xưa của làng quê Việt Nam…