Không còn người tập trung chờ "cướp lộc" ở hội Gióng đền Sóc

ANTD.VN - Sáng nay 21-2 (mồng 6 tháng Giêng âm lịch) tại khu di tích lịch sử đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) đã diễn ra lễ hội Gióng nhằm tưởng nhớ công đức của Phù Đổng Thiên Vương, một trong 4 vị Thánh được tôn vinh là “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam đã có công đánh thắng giặc Ân, đem lại cuộc sống thái bình cho nhân dân. Theo ghi nhận của PV Báo An ninh Thủ đô, lễ hội năm nay tình trạng “cướp lộc” không còn xảy ra.

Thay đổi nghi lễ tất lộc 

Khoảng 7h sáng 21-2, dân làng các thôn tại huyện Sóc Sơn tập hợp thành các đoàn tế lễ chuẩn bị chờ tới lượt dâng lễ lên sân rồng, đền Thượng. Sau đó, lễ hội đền Sóc được chính thức khai hội bằng lễ dâng hương, màn đánh trống khai hội và đọc văn tế của các bậc chủ lễ.

Lễ hội đền Sóc năm 2018 đón nhận 8 lễ vật được các xã trong huyện Sóc Sơn cung tiến. Lần lượt là giò hoa tre của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh), ngựa sắt của thôn Phù Mã (xã Phù Linh), voi chiến của thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược), trầu cau của thôn Đan Tảo (xã Tân Minh), ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của thôn Yên Sào (xã Xuân Giang), kiệu tướng của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) và cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).

Người dân mang lễ vật tới cung tiến trước cửa đền Thượng

Không còn người tập trung chờ "cướp lộc" ở hội Gióng đền Sóc ảnh 2

Lãnh đạo cùng bô lão địa phương làm lễ dâng hương

Thay đổi lớn nhất của Hội Gióng năm nay là việc cải tiến nghi lễ rước lễ vật. Cụ thể, theo thông lệ các năm trước, sau khi cử hành lễ rước, giò hoa tre và trầu cau được đưa từ đền Thượng xuống đền Hạ và đền Mẫu rồi tại đây sẽ diễn ra nghi lễ tất lộc trước sân đền để người dự hội lấy cầu may. Phần nghi lễ này dẫn đến việc tranh cướp “lộc” gây ra tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, thậm chí các hành vi bạo lực, gây nguy hiểm cho người tham gia lễ hội. Nhiều người bị thương chỉ vì tranh nhau một quả cau, lá trầu... 

Tuy nhiên, năm nay, hoạt động gây tranh cãi này đã không còn diễn ra. Thay vào đó, Ban tổ chức lễ hội đền Sóc quyết định thay đổi phương thức tiến hành nghi lễ, cụ thể là toàn bộ số giò hoa tre, trầu cau sau khi được rước lên đền Thượng thì được đưa vào hậu cung để chia nhỏ về các thôn, phát lộc cho du khách thập phương. 

Không còn người tập trung chờ "cướp lộc" ở hội Gióng đền Sóc ảnh 3

Lễ vật sau khi cung tiến được chia nhỏ...

Không còn người tập trung chờ "cướp lộc" ở hội Gióng đền Sóc ảnh 4

...và phát cho người dân tại khu vực hậu cung đền Thượng trong trật tự, không còn cảnh tranh cướp phản cảm như hình thức phát lộc cũ.

Không còn người tập trung chờ "cướp lộc" ở hội Gióng đền Sóc ảnh 5

Hai cụ già hoan hỉ với phần lộc nhận được sau khi đi lễ hội Gióng

Theo ghi nhận của PV Báo An ninh Thủ đô, chỉ vài mâm lễ nhỏ giò hoa tre được đội về đền Hạ để lễ tạ, vì vậy đoàn hộ tống không không cần vất vả ngăn cản những người tập trung chờ “cướp lộc” như mọi năm. Giò trầu cau cũng được giữ lại ở hậu cung đền Thượng, mâm lễ trầu cánh phượng sau khi được các cụ cao niên dâng lễ tạ tại đền Mẫu cũng nhanh chóng được tán lộc cho các cụ trong đoàn tế lễ.

Trước đó, Ban tổ chức lễ hội đền Sóc đã gặp gỡ người dân địa phương, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu để trao đổi nhằm tìm ra phương án phù hợp nhất giúp giải quyết triệt để tình trạng tranh cướp lộc tại lễ hội. Được biết, số lượng giò hoa tre cũng được chuẩn bị nhiều hơn mọi năm để có thể phát lộc cho đông đảo du khách tham gia lễ hội.

Giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống

Trao đổi về các điểm “tán lộc”, ông Đoàn Văn Sinh - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Sóc Sơn cho biết, số cây giò hoa tre của các thôn làng khoảng 500 cây. Ngoài cây trầu không của các thôn làng chuẩn bị, Ban tổ chức lễ hội cũng chuẩn bị cây trầu không đặt vào tráp thắp hương dưới đền Mẫu để phục vụ việc phát lộc cho nhân dân và du khách thập phương. Người tham gia lễ hội có thể tự xin “lộc” tại 3 điểm đền Thượng, đền Hạ, đền Mẫu.

Để tránh tình trạng móc túi trong trường hợp người dân xếp hàng chờ lấy lộc, lực lượng công an mặc sắc phục và thường phục, dân phòng, thanh niên tình nguyện... đã được huy động túc trực thường xuyên nhằm xử lý kịp thời những sự cố có thể xảy ra.

Không còn người tập trung chờ "cướp lộc" ở hội Gióng đền Sóc ảnh 6

Đông đảo người dân và du khách thập phương thắp hương tại đền Sóc trong ngày chính hội, mùng 6 Tết

Chia sẻ với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền Sóc khẳng định, việc thay đổi phương thức triển khai lễ hội khác so với mọi năm nhằm đảm bảo không làm mất đi những nghi lễ truyền thống của lễ hội.

Ông Lễ Hữu Mạnh cho biết thêm, trước đó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng chỉ đạo những lễ hội có các hành vi bạo lực, phản cảm bắt buộc phải có những điều chỉnh thay đổi. Ban tổ chức lễ hội đền Sóc sau khi xin ý kiến của UBND Thành phố Hà Nội, các cấp, các chuyên gia cũng đã trao đổi, thảo luận và vận động người dân thực hiện theo phương án nghi lễ mới. 

“Các cụ trong đoàn tế lễ và bà con nhân dân huyện Sóc Sơn  đồng thuận rất cao việc thay đổi kịch bản “cướp lộc”, họ không muốn lễ hội truyền thống tốt đẹp bị mang tiếng bởi những hành vi không đẹp” – ông Lê Hữu Mạnh khẳng định. 

Không còn người tập trung chờ "cướp lộc" ở hội Gióng đền Sóc ảnh 7

Hội Gióng kéo dài trong ba ngày, từ mùng 6 đến mùng 8 Tết Nguyên đán

Cùng với đó, Ban tổ chức cũng tổ chức giải đấu vật, cờ tướng, nấu cơm thi, các em thiếu nhi có thể tham gia vẽ tranh... cùng nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn để tăng thêm phần đặc sắc của lễ hội Gióng ở Đền Sóc.

Năm nay, lễ hội Gióng sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 21 đến 23-2-2018 (tức từ mồng 6 đến mồng 8 Xuân Mậu Tuất).