Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương:

"Không có tiền, thành lập trung tâm bảo vệ tác quyền mỹ thuật để làm gì?"

ANTD.VN -Trước vấn nạn tranh “nhái” đang lộng hành, nhiều họa sỹ đã đề xuất ý tưởng thành lập trung tâm bảo vệ tác quyền mỹ thuật. Tuy nhiên họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lại cho rằng: “Không có tiền, thành lập trung tâm để làm gì?”

Việc “không tưởng”?

Sự việc một trang web tự ý đăng tải và rao bán công khai trên mạng các tác phẩm “nhái” tranh của họa sỹ Đặng Tiến một lần nữa khiến giới mỹ thuật “dậy sóng”. Không ít họa sỹ cho rằng, đã đến lúc Hội Mỹ thuật Việt Nam nên thành lập trung tâm bảo vệ tác quyền mỹ thuật như Hội Nhà văn Việt Nam hay Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Bởi lẽ, nếu có một đơn vị lo lắng về việc bảo vệ tác quyền cho những “đứa con tinh thần” của mình, các họa sĩ sẽ đỡ đau đầu hơn trước các vấn nạn mỹ thuật như tranh nhái, tranh giả, tự ý sử dụng tranh mà chưa xin phép tác giả trong in ấn, phát hành…

Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

Dù vậy, trước ý tưởng này, họa sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng đó thực sự là “việc không tưởng”. Người đứng đầu Hội Mỹ thuật Việt Nam giải thích, không phải ở Việt Nam mà ngay nước ngoài cũng không có trung tâm bảo vệ tác quyền mỹ thuật. Trên thực tế, các loại hình có yếu tố biểu diễn như ca nhạc, diễn kịch hoặc các tác phẩm văn học in sách, hàng năm đều thu được tiền tác quyền thì mỹ thuật lại không. Chưa kể, nguồn ngân sách của Hội đang eo hẹp nên sẽ rất khó khăn để có thể duy trì bộ máy nhân sự nếu như trung tâm này ra đời.

Liên quan đến việc này, chị Mai Thơ (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng nếu vấn đề khó thành lập trung tâm tác quyền mỹ thuật là do kinh phí thì các hội viên sẵn sàng đóng phí để duy trì hoạt động của trung tâm. Ngược lại, trung tâm sẽ có trách nhiệm bảo vệ bản quyền cho các họa sỹ. Tuy vậy, họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng, việc tập hợp hội viên đóng tiền để duy trì hoạt động của trung tâm bảo vệ tác quyền là khó khả thi.  

“Kiện được vạ, má đã sưng”?

Chia sẻ từ kinh nghiệm từ thực tế quan sát được trong các chuyến tham quan, học hỏi ở nước ngoài, họa sỹ Trần Khánh Chương cho biết, vấn đề tranh chấp bản quyền, xác định tranh “nhái”, tranh thật, tranh giả thật ra thuộc về trung tâm giám định tác phẩm nghệ thuật với phương tiện kỹ thuật hiện đại để xác định niên đại, chất liệu tác phẩm. Ở Việt Nam, trung tâm này từng được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thành lập. Tuy nhiên cho đến nay, trung tâm vẫn chưa phát huy được vai trò thực sự của mình.

Hơn thế, các họa sỹ Việt Nam hầu hết khi phát hiện ra tranh bị sao chép trái phép hay còn gọi là tranh “nhái” đều lựa chọn các giải quyết giữa hai bên, rất ít họa sỹ dám bỏ tiền theo kiện tới cùng. Vì thế, nếu Hội Mỹ thuật Việt Nam có thành lập trung tâm bảo vệ tác quyền mỹ thuật cũng có nguy cơ… thất nghiệp!

Ngay đến vụ tranh giả “Các bức tranh trở về từ châu Âu” được coi như một “quả bom” làm chấn động giới mỹ thuật năm 2016, họa sỹ Thành Chương cũng bỏ lửng chờ các cơ quan chức năng giải quyết. Vụ việc này ầm ĩ cũng bắt đầu từ việc họa sỹ Thành Chương phát hiện ra bức tranh “Trừu tượng” đề tên họa sỹ Tạ Tỵ “nhái” bức tranh ông vẽ bạn gái khoảng năm 1970. Dù sau đó, loạt tranh được cho là giả của cuộc triển lãm bị thu hồi nhưng cho tới nay, tranh có “nhái” hay không cũng chưa có kết luận cuối cùng.

Họa sỹ Thành Chương chia sẻ với báo giới về bức tranh "Trừu tượng" được ghi của họa sỹ Tạ Tỵ tại triển lãm "Các bức tranh trở về từ châu Âu" "nhái" tranh của ông  

Lối suy nghĩ “kiện được vạ, má đã sưng” được cho là khiến họa sỹ Việt e dè với các vụ kiện tụng liên quan đến tác quyền. Vả lại, nhiều người cho rằng, nếu có làm tới cùng, phân định rạch ròi trắng đen, cái mà họa sỹ Việt thu về cũng không ăn nhằm với công sức và tiền bạc họ đã bỏ ra. Tranh giả thu về cũng không biết làm gì, còn tranh thật không vì thế mà được nâng giá trị. Vì vậy, câu chuyện về sao chép tranh cứ mãi nhùng nhằng một phần cũng vì thái độ thiếu quyết liệt của các tác giả.

Như vậy ý tưởng về việc thành lập trung tâm bảo vệ tác quyền mỹ thuật đến thời điểm này rất khó trở thành hiện thực. Và trong những nỗ lực nhằm đẩy lùi nạn tranh chép, tranh giả, các họa sỹ nên có ý thức đăng ký bản quyền tranh trước khi công bố. Đây sẽ là căn cứ quan trọng xác định thật – giả nếu xảy ra tranh chấp bản quyền.

Còn nếu như muốn đưa sự việc ra ánh sáng, theo họa sỹ Trần Khánh Chương, các họa sỹ nên nhờ đến thanh tra văn hóa, an ninh văn hóa, Cục Bản quyền tác giả VHNT. Còn Hội Mỹ thuật Việt Nam chỉ có thể góp tiếng nói trước sự việc mà không thể trở thành đơn vị trung gian đứng ra giải quyết sự việc.