Không ai chọn nghề Xiếc

ANTĐ - Tuổi nghề ngắn, tai nạn rình rập bất cứ lúc nào, tập luyện gian truân, thu nhập eo hẹp chỉ là một vài gạch đầu dòng về những nhọc nhằn của nghề diễn viên xiếc. Ấy vậy, hàng năm Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn có hàng chục em xin thử việc không lương với mong muốn được đứng trên sân khấu và theo đuổi nghiệp diễn đến cùng. 

Không ai chọn nghề Xiếc ảnh 1

Chấp nhận tai nạn

Trong các nghề có yếu tố biểu diễn, xiếc là nghề nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Những chấn thương như trệch khớp, bong gân, gãy tay, gãy chân vẫn chưa thấm tháp so với những tai nạn có thể khiến người diễn viên vĩnh viễn chấm dứt sự nghiệp biểu diễn. Các động tác trình diễn càng hấp dẫn người xem bao nhiêu bởi sự mạo hiểm thì tai nạn luôn rình rập diễn viên xiếc bấy nhiêu. Nhào lộn, quay người tít mù trên không trung… là những tiết mục không thể thiếu của nghệ thuật xiếc nhưng việc thắt dây an toàn hoặc sử dụng lưới căng ở phía dưới sân khấu, không phải tiết mục nào cũng được thực hiện. Đứng trên cao chót vót trước sự dõi theo của hàng trăm con mắt, diễn viên cũng thấy chếnh choáng và sự tỉnh táo để thực hiện chính xác động tác không hẳn lúc nào cũng có. Chính vì thế, các tai nạn nghề nghiệp trong nghệ thuật xiếc hiển nhiên đến nỗi, các diễn viên coi đó là chuyện thường ngày. 

Trường hợp của Tuyết Hoàn, diễn viên chuyên biểu diễn các tiết mục trên cao của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chỉ sau một cú ngã trong quá trình tập luyện, chị buộc gắn bó phần đời còn lại với chiếc xe lăn. Không chỉ tiếc nuối khi chia tay sự nghiệp biểu diễn, Tuyết Hoàn còn suy sụp bởi chị vừa lập gia đình, còn nhiều dự định trước mắt. Chị tâm sự “Khi bước chân vào nghề diễn viên xiếc, ai cũng xác định và chấp nhận những chấn thương là đương nhiên. Nhưng trường hợp của tôi thuộc loại nặng vì cú ngã không quá cao nhưng sai tư thế”.

Không chỉ Tuyết Hoàn, NSND Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng có tới 8 lần bó bột trong cuộc đời biểu diễn. Trước khi chuyển sang công tác quản lý, ông là một diễn viên xiếc tung hứng, nhào lộn, ảo thuật có tiếng. Dư chấn của những lần bị gãy tay, gãy chân theo NSND Vũ Ngoạn Hợp đến suốt đời. Mỗi buổi sáng thức dậy, nếu không xoa bóp, tập luyện 2 tiếng thì cả ngày hôm đó, ông sẽ khó có thể làm được gì bởi những cơn đau hành hạ.  

Đồng lương eo hẹp

Tai nạn rủi ro rình rập nhưng chế độ bảo hiểm của diễn viên xiếc cũng như các ngành nghề khác, mua bảo hiểm y tế với số lượng hạn chế. Trong khi thu nhập của nghề xiếc cũng nhọc nhằn như chính thực trạng của nghề. Không có tiền tổn hao nhan sắc, ở tiết mục nguy hiểm, diễn viên được nhận 80 nghìn đồng cho một đêm diễn và số tiền này đã là mức cao. Nghệ sỹ Tuyết Hoàn chia sẻ: “Nếu để mua nhà, mua ô tô thì không ai chọn nghề xiếc. Yêu nghề, nghe thì đơn giản nhưng đó là cuộc đào thải ngay từ khi chúng tôi mới vào học trường Trung học Xiếc Việt Nam đến khi ra đi làm. Lớp học của tôi lúc vào có hơn 30 người nhưng đến nay chỉ còn vài người còn đủ kiên nhẫn gắn bó với nghề. 

Hàng năm, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đón nhận vài chục sinh viên tốt nghiệp trường Trung học Xiếc Việt Nam về thử việc, số được nhận ký hợp đồng chỉ vài em có tài năng, số còn lại kiên trì bám trụ hoặc chuyển sang các công việc khác. Theo Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Vũ Ngoạn Hợp, “Đó là sự lãng phí tài năng, công sức và tiền của xã hội. Để trở thành một diễn viên xiếc, các em phải học từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành. Khi các em còn chưa thành nghề, khi ấy gia đình phải lo chu cấp”. Nhưng khi ra trường, ngay cả với những  người may mắn xin được việc làm cũng đang gặp phải những khó khăn từ đồng lương eo hẹp. Vì vậy, xiếc không chỉ là nghề có nhiều rủi ro tai nạn mà còn là nghề có nhiều cửa ải chông gai, đòi hỏi người diễn viên lòng yêu nghề, kiên trì và bám đuổi. Tuy vậy, với những ai một lần đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam, được tận mắt chứng kiến sự hăng say tập luyện của các diễn viên sẽ thầm cảm phục ý chí, nghị lực và lòng say mê, khát khao chinh phục đỉnh cao của những người làm nghề mạo hiểm.