Sân khấu kịch thiếu nhi:
Khoảng trống đìu hiu
(ANTĐ) - Lần đầu tiên, Liên hoan sân khấu kịch thiếu nhi quốc tế được tổ chức tại Việt Nam từ 21-5 đến 1-6. Đây được xem như một khởi đầu đầy hứa hẹn, thổi làn gió mới cho sân khấu kịch thiếu nhi lâu nay vốn rất đìu hiu.
Một cảnh trong vở ca múa nhạc “Dế trũi, dế mèn ngao du sơn thủy” |
Cuộc hội ngộ rối Việt
Ở vào “giờ chót”, Nhà hát Múa rối Masil của Hàn Quốc và Nhà hát Kịch TP.HCM đã rút khỏi danh sách tham gia LH sân khấu thiếu nhi quốc tế. Trong khi đó, Nhà hát Múa rối Hải Phòng lại quyết định tham gia Liên hoan vào “giờ chót”. Vì thế, Liên hoan sân khấu thiếu nhi lần này chỉ có sự tham gia của 3 đơn vị quốc tế: Nhật Bản, Thụy Điển, Lào và 4 đơn vị Việt Nam: Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Hải Phòng và Nhà hát Tuổi trẻ.
Chỉ cần nhìn vào danh sách các đoàn tham gia liên hoan phim cũng thấy, liên hoan là cuộc hội tụ của các anh tài trong làng múa rối Việt và lộ ra một khoảng trống lớn về sân khấu kịch thiếu nhi. Việt Nam chỉ có duy nhất Nhà hát Tuổi trẻ tham gia vở ca múa nhạc “Dế trũi, Dế mèn ngao du sơn thuỷ”. Sở dĩ vở diễn này được chọn tham gia Liên hoan bởi tác phẩm mang nhiều màu sắc Việt Nam và được dàn dựng dựa trên tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Hơn nữa, vở diễn đã từng thẩm định về chất lượng khi giành được nhiều huy chương tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2009.
Đã “khát” lại càng “khát” hơn
Việc thiếu vắng các vở kịch dành cho thiếu nhi không chỉ thấy ở Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế mà nhìn rộng ra còn là sự thiếu sót của sân khấu kịch miền Bắc. Việc dàn dựng các vở kịch thiếu nhi đang rơi vào khủng hoảng. Các nhà hát thiếu trầm trọng kịch bản. Đơn vị được coi là điểm sáng duy nhất trên địa bàn Thủ đô là Nhà hát Tuổi trẻ, mỗi năm dù đã rất cố gắng nhưng cũng chỉ dựng được 2 vở kịch vào dịp 1-6 và Rằm Trung thu. Trong khi đó, các kịch bản mà nhà hát dàn dựng đều được làm theo đơn đặt hàng, hoàn toàn không phải do niềm yêu thích hay đam mê của những người viết kịch bản.
Có thể thấy rằng, nhu cầu xem kịch của thiếu nhi rất cao đặc biệt là vào mỗi dịp nghỉ hè. NSƯT Trọng Thuỷ - Trưởng đoàn Ca múa nhạc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, mỗi năm nhà hát đều dành 100 suất diễn cho sân khấu kịch thiếu nhi. Không chỉ diễn tại nhà hát mà đoàn còn có những chương trình lưu diễn dành cho các em nhỏ ở các vùng nông thôn. Nhưng điều đó là chưa đủ. Có đi đến những nơi như thế mới thấy, nhu cầu thưởng thức kịch của thiếu nhi là vô cùng lớn. Hơn nữa, cũng cần thấy rằng, trong khi các sân chơi dành cho thiếu nhi, nhất là ở các đô thị đang ngày càng bị thu hẹp thì sự phát triển của sân khấu kịch thiếu nhi luôn là điểu cần thiết, nó như thêm một kênh để vun đắp và bồi dưỡng tâm hồn các em. Sự trống vắng của các vở kịch dành cho sân khấu thiếu nhi hiện nay rõ ràng là điều đáng buồn trên con đường phát triển của sân khấu Việt.
Để khắc phục tình trạng này, chắc không phải ngày một ngày hai mà làm được, bởi xét về mọi nhẽ, còn nhiều điều khó, nhiều điều bó hẹp. NSUT Trọng Thủy - một trong những người đồng sáng lập chương trình “Ngôi nhà của bé” - một món ăn “đặc sản” của Nhà hát Tuổi trẻ, tâm sự rằng, ông luôn mong muốn sẽ có một nhà hát dành riêng cho thiếu nhi, để các nghệ sỹ được sáng tạo nhiều hơn và có nhiều đóng góp hơn cho sân khấu kịch thiếu nhi…
Phạm Thu Hương